Gần đây, tôi thấy chán ăn, sụt cân nhanh kèm đi tiểu sậm màu. Xin hỏi đây có phải dấu hiệu của ung thư bàng quang không?
Bệnh viện K
Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính phổ biến nhất trong ung thư hệ thống tiết niệu, đứng vị trí thứ 9 trong các loại ung thư trên thế giới. Bệnh thường gặp ở người già với tuổi trung bình 69 ở nam và 71 ở nữ. Ở nam giới tuổi trung niên và người già, ung thư bàng quang là bệnh hay gặp nhất sau ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh thường gặp ở nam cao gấp 3 lần ở nữ.
Các triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang thường khó nhận biết nên nhiều người thường chủ quan xem thường. Tuy nhiên, những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn phát hiện ra bệnh sớm hơn:
Tiểu lẫn máu là triệu chứng thường gặp nhất. Tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang có đặc điểm: Tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau. Đi tiểu lẫn máu (đầu lần tiểu) thường có nguyên nhân từ niệu đạo. Đi tiểu lẫn máu (cuối lần tiểu) thông thường xuất phát từ cổ bàng quang hoặc niệu đạo tiền liệt tuyến. Đi tiểu lẫn máu (cả lần tiểu) thì có thể do tổn thương từ bất kể nơi nào trên đường tiết niệu: Thận, niệu quản, bàng quang.
Đi tiểu lẫn máu cũng có thể xuất hiện ở người bình thường hoặc người có tổn thương lành tính. Khi tiểu lẫn máu xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi mà không tìm được nguyên nhân khác, bạn nên nghĩ ngay đến ung thư biểu mô đường niệu và phải tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống tiết niệu.
Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu: Triệu chứng có thể do bàng quang bị kích thích hoặc giảm thể tích. Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trước khi xuất hiện triệu chứng tiểu có lẫn máu. Khi có những dấu hiệu này, bạn cũng không nên bỏ qua suy nghĩ đến ung thư bàng quang tại chỗ.
Đặc biệt, khi thấy nước tiểu của mình có màu sậm hơn bình thường, dù đã uống đủ lượng nước cần thiết, bạn nên đi xét nghiệm xem có phải mình mắc bệnh ung thư bàng quang hay không.
Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng viêm nhiễm đường tiết niệu hay, tắc nghẽn đường tiết niệu do u xâm lấn hoặc cục máu đông.
Khi bệnh ở giai đoạn muộn, đã di căn xa, các biểu hiện xâm lấn vào cơ quan lân cận và bị di căn thường rõ ràng hơn như đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...
Mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, suy sụp nhanh cũng là dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn muộn và tiên lượng xấu.
Những dấu hiệu trên chưa khẳng định được là bạn đã mắc ung thư bàng quang vì đó cũng có thể gặp ở một số bệnh lành tính. Nhưng ngay khi thấy những dấu hiệu trên, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Bạn có hiểu đúng về thảo dược
Bằng những kiến thức khoa học, nhà thảo dược học Rosalee De La Forêt đã viết cuốn sách Năng lượng sống từ thảo dược để chia sẻ về tính năng bổ trợ sức khỏe từ thức ăn và gia vị hàng ngày. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra lời khuyên hữu ích để chế biến và tận hưởng các loại nguyên liệu này trong cuộc sống.