Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những dấu hiệu nguy hiểm không được lơ là khi sốt ở trẻ

Hiện tượng nóng sốt ở trẻ em bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phổ biến là bệnh hô hấp và truyền nhiễm.

Sốt là hiện tượng cơ thể tăng sinh thân nhiệt để chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn vào cơ thể. Theo bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), một đứa trẻ được xác định là bị sốt khi chỉ số thân nhiệt trong cơ thể cao trên 38 độ C.

Sốt bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, một trong các nguyên nhân thường gặp nhất là trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm đường hô hấp (viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi...). Nhóm bệnh thường gặp thứ 2 gây sốt ở trẻ nhỏ là các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, sởi, viêm não, viêm màng não...

Nhóm bệnh đường hô hấp

Bác sĩ Quy cho biết nếu thấy bé sốt kèm các triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, phụ huynh có thể bước đầu xác định trẻ bị cảm cúm hoặc cảm lạnh.

"Trong dân gian, mọi người thường nhầm cảm lạnh và cảm cúm với nhau do đều có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi. Tuy nhiên, khi mắc cảm cúm, trẻ thường sốt cao hơn (39-40 độ C) kèm đau nhức cơ nhiều hơn, dễ gây ra tình trạng viêm đường hô hấp dưới hoặc bội nhiễm viêm phổi nhiều hơn", chuyên gia này phân biệt.

benh gay sot anh 1

Cảm cúm và cảm lạnh thường bị nhầm lẫn do có triệu chứng giống nhau. Ảnh: Healthline.

Vì vậy, khi phát hiện con có tình trạng kể trên kéo dài hoặc nặng hơn (sốt li bì, bú kém, co giật), phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ sốt, ho, sổ mũi kèm khạc đàm, thở khò khè, bố mẹ có thể xác định con bị các bệnh viêm mũi họng. Trong trường hợp này, phụ huynh không nên hoang mang, nên cho bé uống si-rô ho, uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước và nhỏ mũi, rửa mũi cho con.

Nhóm bệnh truyền nhiễm

Sốt phát ban là bệnh truyền nhiễm thường gặp không kém ở trẻ nhỏ. Nếu bé xuất hiện phát ban sau khi hạ sốt, phụ huynh có thể xác định con bị sốt phát ban và thực hiện quy trình chăm sóc bình thường. Bố mẹ nên tắm rửa cho trẻ hàng ngày, không nên ủ ấm, nên cho con mặc đồ thoáng mát, ăn uống bình thường và cung cấp nhiều vitamin C.

Bác sĩ Quy cho hay một căn bệnh có triệu chứng tương tự, dễ bị nhầm lẫn với sốt phát ban là sởi. Lúc này, trẻ xuất hiện phát ban nhưng tình trạng sốt vẫn kéo dài, sốt cao không hạ, mắt đỏ, mũi chảy nước, ho, hắt hơi nhiều. Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay.

Cùng với các bệnh lý nói trên, sốt xuất huyết cũng là hiện tượng gặp nhiều ở trẻ em. Trước đây, sốt xuất huyết thường chỉ xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa từ mùa khô sang mùa mưa. Gần đây, căn bệnh này được phát hiện quanh năm.

benh gay sot anh 2

Trẻ mắc sốt xuất huyết có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết dưới da. Ảnh: Trương Hiếu.

Theo bác sĩ Quy, trẻ có nguy cơ mắc sốt xuất huyết khi tiếp xúc những người xung quanh bị bệnh này. Trong trường hợp bé chỉ có một hiện tượng duy nhất là sốt cao không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt, bố mẹ nên sớm đưa con đi khám, tốt nhất là khám hàng ngày, để bác sĩ phát hiện và đưa ra phương pháp điều trị sớm.

"Phụ huynh có thể điều trị sốt xuất huyết cho trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống nước nhiều, ăn đồ ăn lỏng, dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, một điều bố mẹ cần lưu ý khi chăm con mắc bệnh này là tuyệt đối không cho con uống thuốc hạ sốt có chứa các chất gây xuất huyết như ibuprofen, aspirin", bác sĩ Quy khuyến cáo.

Thêm vào đó, phụ huynh cần đặc biệt theo dõi trẻ vào ngày thứ 3-4 sau khi mắc bệnh. Do đây là khoảng thời gian sốt xuất huyết dễ diễn tiến nặng nhất. Nếu bé xuất hiện các triệu chứng như chảy máu chân răng, mũi, đau bụng, buồn nôn, nôn ói, đi cầu phân đen, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm nhất để điều trị kịp thời.

Một căn bệnh khác cũng thường xuyên gây sốt ở trẻ em là tay chân miệng. Căn bệnh này xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là trong thời điểm giao mùa gồm tháng 4-6 và tháng 9-12, thường thấy ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh nếu xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi càng dễ gây ra nguy hiểm.

Tay chân miệng thường bị nhiều phụ huynh nhầm lẫn với bệnh sốt mọc răng do đều xuất hiện triệu chứng chảy nước bọt kèm sốt. Trong trường hợp này, người thân nên xem xét liệu trẻ có vết loét ở miệng hay không. Bên cạnh đó, nếu phát hiện bé có vết ban ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nhất để được hướng dẫn điều trị tại nhà.

benh gay sot anh 3

Các nốt phát ban trên da lòng bàn tay, chân là triệu chứng phổ biến của bệnh tay chân miệng. Ảnh: BBC.

Một số trường hợp phải điều trị ở bệnh viện là khi bé xuất hiện các triệu chứng sốt cao không hạ từ 2 ngày trở lên, ngủ giật mình, nôn ói nhiều, đi đứng bất thường, thở mệt.

"Triệu chứng giật mình ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng rất khác so với trẻ thường xuyên có hiện tượng này. Nếu như trẻ đơn giản ngủ mơ hay nghe tiếng động lạ, hiện tượng giật mình chỉ xuất hiện khi bé đã vào giấc ngủ. Ngược lại, hiện tượng ngủ giật mình ở trẻ mắc tay chân miệng lại xuất hiện ở đầu giấc ngủ, khi con mới chỉ vào giấc", bác sĩ Quy phân biệt.

Đặc biệt, một căn bệnh nguy hiểm thường gây sốt cao phụ huynh cần lưu ý là viêm màng não. Căn bệnh này thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm mũi họng do có chung triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu.

"Qua thăm khám hàng ngày, nếu phát hiện ổ nhiễm trùng trong họng bé, trẻ giảm đau đầu, hạ sốt sau khi uống thuốc, tri giác tỉnh táo, ăn uống tốt, bác sĩ có thể khẳng định trẻ bị viêm mũi họng. Tuy nhiên, khi bé bị sốt, đau đầu, nôn ói, cổ gượng cứng, trẻ có nguy cơ bị viêm màng não và cần theo dõi y tế sớm nhất có thể", bác sĩ Quy lưu ý.

Với những trẻ nhỏ hơn, phụ huynh có thể lưu ý các triệu chứng nôn ói, thóp sưng phồng bên cạnh các hiện tượng sốt, ho, sổ mũi. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy con bị viêm màng não và cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất để được thăm khám.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Làm sao để con bớt bệnh vặt?

Để trẻ bớt mắc bệnh vặt như ho sốt, sổ mũi, tiêu chảy..., phụ huynh cần ghi nhớ 2 điều: Tăng cường miễn dịch cho trẻ và tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm