Tắm tưởng chừng như một thói quen sinh hoạt giúp bạn thư giãn sau một ngày mệt mỏi. Thế nhưng, khi tắm nếu mắc phải những sai lầm không đáng có dưới đây, sức khỏe của bạn có thể âm thầm bị ảnh hưởng.
Vừa đánh răng vừa tắm
Đánh răng khi tắm là thói quen vệ sinh tiết kiệm thời gian, nhưng nó khiến bạn tiếp xúc với nhiều vi khuẩn hơn, theo Metro. Bồn tắm và vòi hoa sen thường là nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển vì chúng ẩm ướt, ấm áp và đôi khi được dùng chung với các thành viên khác trong gia đình.
Việc để bàn chải đánh răng tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm sẽ làm suy yếu lông bàn chải, khiến nó không hiệu quả. Mọi người nên cất bàn chải đánh răng ở nơi khô thoáng, tránh xa vòi hoa sen và nhà vệ sinh vì vi khuẩn thích sinh sôi trong điều kiện ẩm ướt.
Vừa đánh răng vừa tắm là thói quen không có lợi cho sức khỏe của bạn. Ảnh: Foxnews. |
Không làm sạch vòi hoa sen thường xuyên
Theo WebMD, vòi hoa sen của bạn là ngôi nhà lý tưởng cho vi khuẩn thích phát triển trong những lỗ nhỏ, ẩm ướt và tối tăm. Khi nước chảy, vi khuẩn có thể xâm nhập vào không khí bạn hít thở. Nếu nhìn kỹ vào vòi và vòi hoa sen, bạn sẽ thấy một lớp cặn bám vào, đó là các khoáng chất cứng của nước. Nó có thể trở thành nơi lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.
Vì vậy, bạn nên xả nước nóng trong 30 giây để loại bỏ vi khuẩn này trước khi tắm. Ngoài ra, hãy xả càng nhiều nước càng tốt khỏi vòi hoa sen sau khi bạn tắm xong. Cọ sạch lớp nước cứng sau mỗi 2 tuần.
Tắm ngay sau khi ăn
Theo India Times, để tiêu hóa được lượng thức ăn mới thu nạp, cơ thể cần lượng máu nhất định dồn về cơ quan tiêu hóa. Tuy nhiên, tắm ngay sau khi ăn sẽ khiến lượng máu không dồn hết mức về cơ quan tiêu hóa, dẫn đến tình trạng khó tiêu, gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa.
Vì vậy, bạn nên tắm sau khi ăn 2-3 giờ. Tốt nhất, bạn nên đi tắm trước khi ăn vì nó giúp bạn cảm thấy sảng khoái, thoải mái và sẵn sàng ăn.
Tắm giúp bạn thư giãn nhưng cũng có thể gây hại nếu mắc phải sai lầm. Ảnh: Pexels. |
Tắm ngay sau uống rượu bia
Tiến sĩ Andrew Fang, bác sĩ gia đình từ Trung tâm sức khỏe Doctor Anywhere (Singapore), cho biết tắm nước nóng có thể làm giãn mạch máu, khiến rượu được hấp thụ nhanh hơn vào máu, theo CNA. Điều này có thể khiến tác dụng của rượu bắt đầu nhanh hơn. Ngoài ra, tiêu thụ rượu làm mất nước - và sự kết hợp giữa rượu và tắm nước nóng - có thể khiến một người bị mất nước nhiều hơn do mồ hôi tiết ra khi tắm.
Bên cạnh đó, tắm sau khi uống rượu bia, kể cả bằng nước nóng hay lạnh, đều có thể gây hạ huyết áp và ngất xỉu, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến buồn nôn, chóng mặt. Đặc biệt, những người có các vấn đề về huyết áp, tim mạch cần lưu ý vì tắm nước lạnh sau khi uống bia dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu tim, gây ra nhồi máu cơ tim.
Tắm vào ban đêm
Nhiều người thường có thói quen tắm vào ban đêm, tuy nhiên, vào thời điểm này, nhiệt độ thấp hơn ban ngày, tắm có thể khiến các mạch máu trong cơ thể co lại, gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu. Điều này sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn khi bạn tắm ở nơi không kín gió và tắm nước lạnh.
Theo tạp chí Philadelphia (Mỹ), một trong những cách cơ thể báo hiệu cho chúng ta biết đã đến giờ đi ngủ là nhiệt độ cơ thể giảm xuống. Tuy nhiên, việc tắm muộn ngay trước khi ngủ thực sự có thể làm tăng nhiệt độ, gây gián đoạn tín hiệu này, cản trở giấc ngủ ban đêm, dễ gặp ác mộng. Tốt nhất bạn nên tắm trước khi ngủ ít nhất 90 phút.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.