Quản lý sẽ cô đơn tại văn phòng nếu tùy ý chỉ trích hoặc không nhận trách nhiệm với cấp dưới. Ảnh minh họa: Mart Production/Pexels. |
Các mối quan hệ tại văn phòng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định năng suất làm việc và mong muốn gắn bó với doanh nghiệp của nhân sự. Đặc biệt, sự kết nối giữa quản lý và nhân viên là vấn đề luôn được quan tâm, song ít ai trực tiếp bàn luận về nó.
Số liệu khảo sát từ Good Hire trên 3.000 người lao động tại Mỹ cho thấy ít nhất 82% sẵn sàng rời bỏ công việc vì quản lý xấu tính hoặc thiếu tương tác cần thiết với cấp dưới. Ngoài ra, chỉ 39% tình nguyện viên đồng ý rằng cấp trên trung thực, cởi mở khi trao đổi thông tin.
Dưới đây là một số yếu tố khiến mối quan hệ lãnh đạo - nhân viên ngày càng ngột ngạt và hướng giải quyết nên được cân nhắc, theo Fast Company.
Giấu thông tin, không trao đổi trung thực, cởi mở là lý do khiến quản lý xa cách với nhân viên. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels. |
Không thực hiện cam kết
Theo khảo sát Gallup công bố vào tháng 6/2022, chỉ 33% nhân sự văn phòng tại Mỹ tin tưởng công ty và lãnh đạo trực tiếp ở mức độ cao.
Số còn lại cho rằng cấp trên thường xuyên che giấu thông tin và không đảm bảo thực hiện lời hứa. Chuỗi hành động liên tục lặp lại, dẫn đến xói mòn niềm tin và suy giảm hiệu quả lao động.
Mọi thành công đều bắt nguồn từ tính minh bạch. Luôn nhớ rằng, một khi lòng tin bị phá vỡ, rất khó để khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Trong trường hợp mọi thứ còn trong khả năng xử lý, nhóm điều hành cũng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng lại sự tin tưởng.
Thay vào đó, quản lý cần chia sẻ rõ ràng các kỳ vọng đặt ra cho nhân viên, cũng như khen thưởng khi mọi người đáp ứng mục tiêu.
Hãy trung thực, rõ ràng với cấp dưới trong từng thông tin, dù đó là kế hoạch sa thải hay sáp nhập đội, nhóm. Nhờ đó, bạn sẽ biết được nhu cầu và nguyện vọng của mọi người để cân chỉnh định hướng chung sao cho ai cũng được lợi.
Quản lý cần dành thời gian để theo sát, động viên cấp dưới trong công việc. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Bỏ mặc
Dù bận bịu đến đâu, quản lý vẫn phải thu xếp khéo léo thời gian để quan tâm đến nhân viên của mình.
Phần lớn mối quan hệ công sở tệ đi vì nhóm điều hành không tìm cơ hội lắng nghe, hỗ trợ cấp dưới ngay khi cần thiết.
Jeremy Campbell, Giám đốc điều hành của Black Isle Group, cho rằng lịch trình dày đặc chưa bao giờ là cái cớ tốt để giải thích cho sự xa cách của lãnh đạo với nhân viên của họ.
“Chúng ta cần đầu tư thời gian cho cấp dưới, tương tự cách sắp xếp gặp mặt, ăn uống cùng các đối tác tiềm năng khác.
Rõ ràng, nhân sự sẽ mang lại doanh thu và thành công cho dự án bạn quản lý. Ngoài ra, quan tâm, hỗ trợ kịp thời, sẵn sàng đồng hành còn là cách giúp chứng tỏ tinh thần trách nhiệm, đáng tin cậy buộc phải có của một nhà quản lý”, Campell nói.
Lãnh đạo cần đối xử với mọi nhân viên. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels. |
Thiếu công bằng
Thực tế, chúng ta luôn có cảm tình nhiều hơn dành cho những cá nhân hợp tính cách hoặc tạo cho mình cảm giác dễ chịu.
Tuy nhiên, dù yêu quý họ đến đâu, quản lý cũng phải kiểm soát thái độ, hành vi và lời nói khi tiếp xúc với họ.
Sự công bằng trong ứng xử tại chốn văn phòng là yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, tinh thần làm việc của cả tập thể.
Thiên vị, dù cố tình hay vô ý, cũng gây ra nhiều hậu quả khó xử lý như tạo tiếng xấu, gây hại cho quá trình tuyển chọn nhân tài trong tương lai.
Các nhân sự triển vọng dễ cảm thấy bị coi thường, không được trọng dụng và sẵn sàng rời đi để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Bên cạnh đó, văn hóa doanh nghiệp cũng bị xói mòn và xuống cấp. Lúc này, lãnh đạo tự tay hủy hoại niềm tin và nguyện vọng cống hiến của mọi thành viên khác. Cứ như vậy, đời sống văn phòng trở nên ngột ngạt, độc hại và khó mang lại cảm hứng làm việc để tạo dấu ấn cho nhân viên.
Một quản lý giỏi, có tâm không chỉ trích, mạt sát nếu nhân viên mắc sai lầm. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Chỉ trích quá đà
Hầu hết nhân sự đều thích và cần được khen ngợi. Tuy nhiên, một số nhà quản lý gặp khó khăn, hoặc thường bỏ qua khâu ghi nhận thành quả của cấp dưới.
Ngược lại, chỉ cần có gì không vừa ý, họ sẽ “tấn công”, chỉ trích khiến mọi người cảm thấy tội lỗi.
Ở vị trí người điều hành, chúng ta cần đưa ra nhiều phản hồi tích cực hơn để động viên cấp dưới.
Trong trường hợp chưa hài lòng với thành phẩm, lãnh đạo nên cân nhắc góp ý khéo léo, gợi ra hướng xử lý phù hợp thay vì chửi bới, chê bai công khai.
Đặc biệt, những câu như “Bạn tệ hơn những gì tôi nghĩ đấy”, “Có lẽ tôi đã đánh giá sai bạn từ đầu” chưa bao giờ là lựa chọn phù hợp, dù ở hoàn cảnh nào. Thay vì vậy, hãy thử nói “Làm tốt lắm”, “Tiếp tục phát huy ở lần sau”. Kết quả thu được từ câu động viên đơn giản này thực sự tốt hơn mức hình dung của mọi người.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.