Nhiều người ngại rời đi dù không còn tìm được niềm vui trong công việc hiện tại. Ảnh minh hoạ: Antoni Shkraba/Pexels |
“Dù không còn hứng thú, tôi vẫn cố bám trụ với vị trí này. Nghỉ việc dường như là một quyết định quá tồi tệ. Tôi sợ mình khó thích nghi với môi trường mới”.
Phần lớn người lao động đều mất thời gian đắn đo với quyết định thay đổi công việc, ít nhất là một lần.
Có nhiều nguyên nhân để họ chần chừ, chẳng hạn tiếc nuối các khoản lương - thưởng, đồng nghiệp tử tế hoặc đơn giản là sợ thất nghiệp, mất cân bằng tài chính.
Song, bỏ việc có thể là bước chuyển tốt nhất dành cho sự nghiệp. Nếu hiểu rõ về năng lực và nguyện vọng cá nhân, cơ hội này sẽ mở ra cơ hội cải thiện nguồn thu, cũng cho phép chúng ta tiếp tục phát triển theo định hướng phù hợp.
Trong trường hợp vẫn đang phân vân, bạn có thể cân nhắc thêm một số lợi ích khi nghỉ việc được gợi ý bởi Fast Company.
Cải thiện nguồn thu là một trong những lợi ích khi thay đổi công việc. Ảnh minh hoạ: Antoni Shkraba/Pexels. |
Cải thiện tài chính
Theo Leah Neaderthal, quản lý hệ thống tư vấn nghề nghiệp cho nữ giới Smart Gets Paid, phần lớn khách hàng của cô cảm thấy nhẹ nhõm sau khi từ bỏ công việc cũ, đặc biệt khi họ hoạt động trong ngành kém phát triển, ít triển vọng.
Thay vì lại tìm kiếm cơ hội ở các văn phòng, họ chuyển sang làm freelance hoặc tự kinh doanh. Hầu hết trường hợp đều có mức thu nhập cao hơn trước từ 10% trở lên, tùy thuộc vào vai trò, cấp bậc hay vị trí địa lý của công ty.
“Rõ ràng, họ không thể có kết quả tốt nếu chỉ dựa vào may mắn. Trong thời gian cân nhắc tìm việc mới, nhóm này tập trung học các kỹ năng còn thiếu, nâng cấp thế mạnh sẵn có. Ngoài ra, họ cũng có niềm tin đủ lớn vào bản thân để mạnh dạn phát triển dù ở bất kỳ môi trường nào”, Neaderthal nói.
Tuy nhiên, trong trường hợp đứng ra làm chủ doanh nghiệp riêng, mọi người cần kiên nhẫn và có chiến lược tốt trước khi bắt đầu.
Dưới góc nhìn của nhà tư vấn phát triển kinh doanh Terry Rice, mô hình chỉ vận hành ổn định và sinh lời sau ít nhất 18 tháng. Do đó, ở giai đoạn đầu, cá nhân nên tập trung thời gian, công sức để điều chỉnh định hướng xây dựng thương hiệu, thay vì quá trông chờ vào số tiền kiếm được mỗi tháng.
Hậu nghỉ việc, bạn có thêm thời gian chăm sóc sức khoẻ tinh thần, cải thiện các mối quan hệ gần gũi. Ảnh minh hoạ: Cottonbro/Pexels. |
Chăm sóc sức khoẻ tinh thần
Sau khi nghỉ việc, điều dư dả nhất với chúng ta chính là thời gian nghỉ ngơi. Không còn cảnh chật vật với đồng hồ báo thức hay tin nhắn công việc, cá nhân sẽ có những giấc ngủ chất lượng hơn trước.
Điều này được xem là “liều thuốc” cho hệ thần kinh vốn đã quá căng thẳng suốt thời gian dài.
Bên cạnh đó, bạn dễ dàng sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt để chăm sóc bản thân và gia đình.
Đi dạo cùng thú cưng, gặp gỡ bạn bè và giúp đỡ họ bằng kiến thức chuyên môn sẵn có là những cách đáng cân nhắc để tái tạo năng lượng trước khi quyết định quay lại làm việc.
“Suốt nhiều năm, tôi mới lại thấy mình ‘hiện diện’ trong cuộc sống của những người thân thiết. Do đó, nghỉ việc cũng là một cách để bạn xác lập các ranh giới lành mạnh giữa công việc - đời sống riêng và cải thiện mối quan hệ quan trọng”, nhà chiến lược truyền thông Kar Brulhart chia sẻ.
Ngoài ra, mọi người cũng không phải lo âu vì những đồng nghiệp hay quản lý xấu tính. Theo khảo sát được công bố bởi Đại học Tel Aviv (Israel) năm 2019, tỷ lệ người lao động mắc các rối loạn tâm lý hoặc tử vong vì áp lực kiểu này cao gấp 2,4 lần so với bình thường.
Quyết định nghỉ việc có thể giúp bạn rời khỏi vùng an toàn, hướng đến những thử thách mới. Ảnh minh hoạ: Cottonbro/Pexels. |
Ra khỏi vùng an toàn
Sau một thời gian gắn bó, nhiều nhân sự trẻ tuổi nhận ra mình đã mất đi niềm yêu thích, hoặc vốn dĩ không phù hợp với vị trí hiện tại.
Tuy vậy, thay vì nhanh chóng tìm cơ hội mới, họ lại chần chừ vì nỗi sợ thất nghiệp hay mức lương mới thấp hơn kỳ vọng.
Mặt khác, nỗi ám ảnh bị người ngoài soi mói, đánh giá liên tục trỗi dậy. Cứ như vậy, nhóm này vẫn tiếp tục gắn với vị trí hiện tại trong trạng thái mệt mỏi, bức bối.
Tình hình sẽ càng nặng nề hơn khi đồng nghiệp, cấp trên trách móc vì công việc không đạt kết quả như yêu cầu. Cứ như vậy, nhân sự sẽ mắc kẹt trong một vòng lặp không lối thoát, dẫn đến kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất.
Theo kinh nghiệm của nhà chiến lược kinh doanh Kim Rittberg, cá nhân khó đạt được những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nếu mãi ẩn nấp trong vùng an toàn. Chẳng hạn, khi chưa thử sức với các vị trí mới, chúng ta không biết đâu mới thực sự là điều phù hợp cho mình.
“Đây được xem là cú huých quan trọng, song không phải ai cũng sẵn sàng tiến tới. Nếu phát hiện cơ hội với môi trường làm việc lý tưởng hơn, bạn cần nhanh chóng nắm bắt. Bởi nếu bỏ lỡ, có thể sẽ rất lâu sau đó, hoặc chẳng bao giờ được thử sức lần nữa”, Rittberg nói.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.