Người có ngưỡng chịu đựng thấp thường dễ phát hoảng với những chuyện tưởng như đơn giản nhất. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels. |
“Tôi như phát điên mỗi khi công việc nào đó không diễn ra đúng kế hoạch. Để giải tỏa, tôi buộc phải giải tỏa bằng cách trút giận lên đồng nghiệp, bạn bè thân thiết”.
“Tôi muốn bỏ cuộc ngay khi dự án mình thực hiện gặp khó khăn. Chuyện này đang đẩy tôi đến giới hạn chịu đựng”.
Đây là suy nghĩ thường gặp ở những người có khả năng chịu đựng thất vọng thấp hơn bình thường. Họ khó giữ bình tĩnh để xoay xở ngay cả với tác nhân gây căng thẳng nhỏ như mất chìa khóa, kẹt xe hay xếp hàng dài mua sắm.
Dễ hiểu hơn, họ rất dễ nản lòng và thường xuyên “phát tiết” để khỏa lấp cảm giác tiêu cực. Dù không bị xem như một bệnh lý, tình trạng này vẫn có khả năng liên quan đến các rối loạn tâm thần khác, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống riêng và công việc của bất kỳ ai.
Nếu cũng dễ bối rối, buồn phiền hoặc tức giận với những chuyện vụn vặt, quen thuộc, bạn nên cân nhắc một số lời khuyên từ Science Of People.
Thiếu sức chịu đựng, nhân sự dễ rơi vào trạng thái kiệt quệ tinh thần. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels. |
Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Theo các chuyên gia tâm lý, đây là một số lý do thường thấy khiến người ta có ngưỡng chịu đựng thấp:
- Mắc kẹt trong luồng suy nghĩ tiêu cực
- Thiếu cơ chế đối phó với căng thẳng, hoặc đang áp dụng cơ chế quá yếu
- Mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần thần kinh như ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý), trầm cảm và lo lắng
- Bị ảnh hưởng bởi hệ thống niềm tin như “Cuộc sống sẽ dễ dàng với người tốt” hoặc “Những điều bất công luôn xảy ra với tôi”.
Khi mọi thứ có dấu hiệu tệ đi, có người cảm thấy sự khó chịu, tức giận bắt đầu sôi sục trong lòng. Số khác cảm thấy căng thẳng, bị thôi thúc muốn hét lên hoặc khóc lóc để tự giải tỏa. Đa số biết rằng phản ứng của họ trong hoàn cảnh này có phần phi logic và quá đà, song không tìm được cách giải quyết.
Ngoài ra, nếu chưa chắc chắn về trường hợp của mình, bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu cảnh báo về khả năng chịu đựng thấp dưới đây:
- Cảm thấy dễ bị kích thích bởi người khác
- Tức giận với những yếu tố gây căng thẳng hàng ngày
- Từ bỏ những nhiệm vụ khó khăn ngay lập tức
- Xu hướng đả kích những người gần gũi với bạn
- Thường xuyên trì hoãn vì không có khả năng chịu đựng những công việc tẻ nhạt hoặc khó khăn
- Các mối quan hệ có chất lượng thấp hơn do căng thẳng trong giao tiếp
- Thiếu kiên nhẫn, luôn bồn chồn.
Cải thiện ngưỡng chịu đựng sẽ giúp cuộc sống của mọi người trở nên "dễ thở" hơn. Ảnh minh họa: Alena Darmel/Pexels. |
Hướng giải quyết
Trước hết, bạn cần hiểu thất vọng là phản ứng tâm lý bình thường của bất kỳ ai.
Tuy nhiên, không dễ để quản lý tốt tình hình khi làn sóng cảm xúc này ập đến.
Có mức chịu đựng thất vọng quá thấp, bạn khó xoay xở tốt với những tình huống khó khăn bắt buộc xảy ra trong cuộc sống riêng và công việc.
Thậm chí, nhiều người còn xem bạn là gánh nặng, từ chối làm việc, tiếp xúc nhằm hạn chế phiền phức hoặc bị tổn thương.
Bên cạnh đó, ở góc độ cá nhân, sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của bạn cũng bị tác động nặng nề. Nếu không sớm nhận biết và tìm giải pháp, kiệt quệ, u uất hay trầm cảm nặng là kết quả khó tránh khỏi với bất kỳ ai trong tình trạng này.
Điều chỉnh góc nhìn
Đừng xem sự thất vọng là yếu tố cản trở. Thay vào đó, chúng ta có thể cân nhắc một số góc nhìn mới về nó như:
Chất xúc tác mạnh mẽ cho sự thay đổi: Suy nghĩ “Tôi không thể chịu đựng được nữa!” có thể là động lực mạnh nhất, buộc bạn phải hành động để có một chuyển biến tích cực nào đó.
Cơ hội cải thiện: Khi bạn cảm thấy tức giận, căng thẳng, hãy nhắc nhở bản thân rằng đây là thử thách nâng cấp sức chịu đựng của chính mình. Mức chống chịu cao hơn đồng nghĩa với việc bạn sẽ vững vàng để vượt qua nhiều khó khăn khác.
Dấu hiệu của sự trưởng thành: Sự thất vọng có thể cho thấy rằng bạn đang đẩy mình ra khỏi vùng an toàn của mình và hướng đến quá trình phát triển bản thân.
“Xả giận” lành mạnh
Kìm nén quá đà chỉ khiến tình huống tệ đi. Tệ hơn, bạn sẽ mất khả năng xử lý vấn đề nếu duy trì hướng chống chịu này trong thời gian dài.
Thay vào đó, hãy đối diện với luồng cảm xúc tiêu cực khi chúng phát sinh.
Chẳng hạn, trong trường hợp gặp trục trặc công việc, bạn có thói quen đưa ra nhận xét xúc phạm bản thân hoặc người khác (ví dụ: “Tôi quá kém cỏi, không thể chịu được nữa”, “Bạn là lý do khiến mọi thứ bung bét”).
Bây giờ, chúng ta nên điều chỉnh một chút thành “Tôi có thể vượt qua thử thách này” hoặc “Mọi thứ đang hơi chệch khỏi đường ray. Tôi nghĩ chúng ta nên hợp tác để việc được suôn sẻ hơn”. Chính bạn và người xung quanh đều được cảm thấy nhẹ nhàng và có động lực hơn từ thay đổi nhỏ này.
Tha thứ cho mình và người khác
Người cầu toàn thường dễ có ngưỡng chịu đựng thất vọng thấp hơn so với số đông. Họ luôn khó chịu, bức bối khi có sự cố ngoài dự đoán.
Nhóm này dễ kích động, tức giận và tự dằn vặt nếu không hoàn thành mục tiêu đề ra. Thậm chí, đồng nghiệp, bạn bè cũng dễ thành “nạn nhân” vì có hành động, lời nói lệch khỏi kỳ vọng của họ.
Chúng ta phải hiểu rằng ai cũng có quyền được làm sai. Đừng xem sai lầm là thất bại hay sự kết thúc. Thay vào đó, bạn nên đối xử nhẹ nhàng với bản thân và mọi người, cũng như xem đây là cơ hội để tiếp tục quá trình hoàn thiện.
Quan trọng hơn cả, đừng quên mỗi người có một tiêu chuẩn riêng. Bạn không có quyền ép họ vào khuôn khổ mình tự vẽ ra. Điều này chỉ khiến mối quan hệ tệ đi, và bạn sẽ sớm trở thành kẻ cô độc trong tương lai.
Nếu kết quả chưa được ưng ý, chúng ta vẫn cần ghi nhận điểm tốt trong quá trình thực hiện bằng những lời khen nhỏ. Đây là cách để thực hành công nhận và tự công nhận, một cách giúp bạn trân trọng nỗ lực từ bất kỳ ai và chính mình. Dần dần, khả năng chịu đựng thất vọng sẽ được cải thiện, giúp bạn dễ làm chủ cuộc sống theo hướng tích cực hơn.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.