"Cuối tuần này em bàn giao đi, từ tuần sau chính thức không phải đi làm nữa nhé", sếp trực tiếp nói với tôi sau cuộc họp sáng thứ hai.
Tôi giật mình, cố hỏi lại vì nghe rõ từng chữ, nhưng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi chính thức bị cho thôi việc, trở thành kẻ thất nghiệp từ sau quyết định hôm đó. Trở về căn phòng trọ của mình, tôi kéo mền phủ kín từ đầu đến chân, nằm dài nhiều ngày liền.
Đó là giai đoạn tôi suy sụp và không còn tin vào bản thân. Tôi không biết mình sai ở đâu, yếu kém điểm nào để phải bị đuổi việc một cách chóng vánh như thế. Suốt một tháng trôi qua, tôi ăn uống dè dặt nhờ vào tiền tiết kiệm, không dám gửi CV xin việc ở bất kỳ đâu.
Bị sa thải cũng chẳng phải chuyện gì vui vẻ, đáng tự hào để tôi tâm sự với bạn bè hay gia đình. Tôi sợ sự đánh giá, sợ những câu hỏi, sợ phải nói dối để che đậy những bất an trong lòng.
Thất nghiệp, không có gì để làm, tôi bắt đầu "đốt thời gian" bằng cách rà soát, học và đọc nhiều tài liệu hơn về công việc của mình. Điều mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ phải làm. Tôi luôn biện minh rằng mình quá bận để có thể tham gia một khóa học đào tạo thêm các kỹ năng cần thiết, đồng thời, tôi cũng ngại phải thay đổi khi đang ở một môi trường cũ, đã gắn bó 3 năm.
Nhưng đến nay, tôi hiểu mình bị sa thải vì thiếu sự cố gắng và làm việc quá an toàn, thiếu đột phá.
Thời điểm không có công ăn việc làm, ngoài học thêm các kỹ năng chuyên ngành, tôi cũng bắt đầu ôn lại tiếng Anh, vốn không phải điểm mạnh của một nhân viên làm nội dung. Từ những sự cố gắng nhỏ, tôi bắt đầu "nuôi" hy vọng trở lại, muốn được làm việc ở công ty nước ngoài, với vị trí cao hơn, được thử thách nhiều hơn.
Sau 3 tháng, tôi bắt tay vào tìm việc. Tôi đến hàng loạt công ty để xin phỏng vấn các vị trí mà mình phù hợp. Mỗi nơi, tôi đều ghi chú lại cẩn thận những yêu cầu công việc, những câu hỏi khó mà mình chưa có đáp án để rút kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân.
Cuối tháng này, tôi cũng kết thúc 2 tháng thử việc tại công ty mới. Thành thật mà nói, tôi đã trải qua giai đoạn rất khó khăn trong sự nghiệp, nhưng cũng chính nhờ bị đuổi việc, tôi mới hiểu mình thiếu sót những gì.
Không chủ động, thiếu sự cầu tiến, ít học hỏi, cập nhật những cái mới là sai lầm của một nhân viên trẻ như tôi. Tất nhiên, từ bài học trong quá khứ, tôi sẽ không để chuyện này phải lặp lại.
Thái An (25 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM)
Ăn điểm trong mắt nhà tuyển dụng
‘Nhân tố F’, trong đó F là viết tắt của ‘Fascination’ (Sự cuốn hút) sẽ là yếu tố thu hút nhất trong một buổi tuyển dụng. Theo tác giả Paul Williams của cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, những cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo sau này sẽ cần phải kết nối được với các nhân viên của mình, cổ vũ họ và nắm bắt được trí tưởng tượng trong họ. Nhân tố F được xác định như sau: Liệu người này - trong một khoảng thời gian rất ngắn - có thể khiến tôi hứng thú và cuốn hút tôi hay không? Họ hào hứng đến mức nào khi nói về chủ đề X? Tôi có bị cuốn hút bởi câu chuyện họ kể không hay đó chỉ là một cuộc đối thoại khô khan?