Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đứa trẻ bị trường bắt đi ăn xin

Một buổi sáng ở thành phố Saint Louis, Sénégal, 6 đứa trẻ rời trường học với cái bụng đói để đi ăn xin. Nếu không xin được đồ ăn, các em sẽ bị đánh đập.

Mamadou, 10 tuổi, sinh ra trong gia đình nông thôn nghèo ở miền Bắc Sénégal. Khi 5 tuổi, em được gia đình gửi lên thành phố Saint Louis học. Em cùng hơn 40 người bạn khác sống trong "Daara", tên gọi chỉ những ngôi trường dạy kinh Koran. "Daara" được dựng trên khu đất hoang, xung quanh chỉ toàn rác thải. Thậm chí, các em phải ở nơi không có mái che.

Cuộc sống của Mamadou và những đứa trẻ khác bị đảo lộn hoàn toàn. Sống trong hoàn cảnh bẩn thỉu, đói khổ, các em bị giáo viên ép đi ăn xin vào buổi sáng, nếu không xin được đồ sẽ bị phạt.

tre bi ep di xin an anh 1
Mỗi đứa trẻ được thầy giáo đặt chỉ tiêu phải xin được 300 CFA, tương đương 0,5 USD. Ảnh: CNN.

“Nếu không mang gạo về, thầy sẽ đánh chúng em”

Mỗi đứa trẻ được thầy giáo đặt chỉ tiêu phải xin được 300 CFA, tương đương 0,5 USD.“Hôm nay, thầy đánh chúng em. Ngày mai, chúng em không xin được gạo về, thầy sẽ đánh tiếp”, Mamadou kể lại với CNN.

Khadim Beye cũng là nạn nhân bị “cưỡng bức ăn xin” ở Sénégal. Cũng như Mamadou, Khadim được mẹ gửi đến trường để học kinh Koran từ lúc 5 tuổi. Em cho biết nếu không xin đủ số tiền thầy giáo yêu cầu, em sẽ bị đánh đập tàn nhẫn.

“Họ đánh mạnh lắm, đó là lý do em quyết định chạy trốn”, Khadim cho biết.

Tuy nhiên, không phải lần chạy trốn nào cũng thành công. Khadim từng nhiều lần trốn khỏi ngôi trường bạo lực này, nhưng em bị bắt lại và nhốt trong một căn phòng tối.

Giáo viên của Mamadou, ông Alassane Diallo, thừa nhận việc ép học sinh đi xin ăn. Tuy nhiên, ông ta phủ nhận đánh đập trẻ.

“Tôi yêu cầu học sinh đi xin ăn vì không có gì để hỗ trợ chúng. Không có chính sách hỗ trợ của chính phủ, chúng tôi chỉ có thể sống sót bằng cách đó”, Diallo nói.

CNN đã liên hệ phỏng vấn công tố viên trưởng thành phố Saint Louis, về tình trạng “cưỡng bức xin ăn” trong thành phố. Tuy nhiên, họ không nhận được câu trả lời.

Diallo cho biết ông chỉ đánh khi các em không thuộc bài, còn việc xin ăn không đủ chỉ tiêu hoàn toàn không liên quan.

“Nếu học bài mà không nhớ hết những kiến thức đã học trong vòng 3 ngày, các em sẽ bị đánh một chút. Học sinh phải bị đánh để có thể tiếp thu được những gì đã học”, giáo viên này nói.

Mamadou và Khadim Beye chỉ là hai trong số hàng nghìn đứa trẻ ở Sénégal bị trường bắt đi xin ăn.

Ông Issa Kouyate, người sáng lập Maison de la Gare - tổ chức phi lợi nhuận, nhằm giải cứu những đứa trẻ thoát khỏi nạn “cưỡng bức ăn xin” - cho biết ở thành phố Saint Louis có khoảng 197 "Daara" và 15.000 trẻ bị ép đi xin khắp thành phố.

Ông Kouyate cho rằng, gia đình của những đứa trẻ này không hề hay biết gì về cuộc sống địa ngục của con cái trên thành phố. Vì thế, ông quyết định theo dõi và tìm cách giúp các nạn nhân.

Giải cứu

Kouyate thành lập Maison de la Gare năm 2007. Trong những ngày đầu hoạt động, ông cung cấp thực phẩm, thuốc men cho các cơ sở giáo dục địa phương. Đồng thời, ông xây dựng nơi ở cho những đứa trẻ đi xin ăn được giải cứu.

Mỗi buổi tối, ông đi tuần tra và bắt gặp một vài đứa trẻ nằm co quắp bên đường. Hầu hết trong số đó là những đứa trẻ trốn khỏi trường vì không chịu nổi cảnh đánh đập, hành hạ.

tre bi ep di xin an anh 2
Ông Issa Kouyate, nhà sáng lập tổ chức  Maison de la Gare. Ảnh: CNN.

Kouyate từng đến các trường học, bàn về vấn đề ép trẻ đi xin ăn. Ông cố gắng đưa ra những lý lẽ và điều luật pháp quy định với hy vọng giảm bớt tình trạng ép trẻ đi xin ăn.

Tuy nhiên, những người đứng đầu các cơ sở giáo dục không đồng thuận với những gì Kouyate đưa ra và cho rằng ông đang ngăn cản công việc làm ăn của họ.

Việc thuyết phục thất bại, Kouyate quyết định chuyển hướng sang giải cứu nạn nhân. Ông bắt đầu điều tra thông tin về gia đình, quê quán của những đứa trẻ. Khadim Beye là một trong những đứa trẻ đầu tiên được cứu sống.

Sau những lần chạy trốn thất bại, cuối cùng, Khadim Beye đã trốn thoát thành công và gặp được ân nhân. Trong một lần đi tuần tra, Kouyate bắt gặp Khadim nằm co ro bên vệ đường và đưa cậu bé về nhà. Khadim được Kouyate cưu mang, chữa lành vết thương và nuôi trong 5 tháng, trước khi em được đưa về quê.

Khi gặp lại con trai, bà Soda Beye rất sốc khi biết Khadim đã phải trải qua những chuyện kinh khủng như thế. Bà cho biết mỗi khi gọi điện cho nhà trường, giáo viên đều trấn an rằng cậu bé vẫn ổn. Bà không có lý do gì để nghi ngờ và vẫn đinh ninh con trai mình được dạy dỗ đàng hoàng.

“Nghe kể về những gì đứa bé trải qua, tôi thực sự rất buồn”, bà Soda nói.

Còn Khadim xúc động chia sẻ nhờ Kouyate mà em vẫn còn sống. Cậu bé rất biết ơn ông ấy.

Kouyate cho biết Khadim là một trong số những trường hợp may mắn thoát khỏi chốn địa ngục. Ngoài kia vẫn còn những đứa trẻ phải đi xin ăn, chịu cảnh đánh đập mỗi ngày. Thậm chí, nhiều em không có nơi nào để đi.

Tệ hơn nữa, nhiều gia đình không đủ điều kiện nên họ không muốn con quay về nhà, dù biết chúng đang phải chịu tra tấn, hành hạ mỗi ngày.

Kouyate thừa nhận hiện tại, không có giải pháp nào giải quyết triệt để tình trạng này. Nhưng ông vẫn giúp đỡ và cưu mang nạn nhân.

Hệ thống "Daara" và việc “cưỡng bức xin ăn” được văn hóa Sénégal chấp nhận. Dù chứng kiến những đứa trẻ ngày ngày đi xin ăn trên phố, người lớn và các cơ quan có trách nhiệm vẫn nhắm mắt làm ngơ.

Chính phủ Sénégal đã ban bố những điều luật liên quan hành vi này. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục vẫn lách luật, không tuân theo quy định đề ra.

“Tôi nghĩ rằng chính phủ chưa sẵn sàng để làm gì đó cho những đứa trẻ này” - Kouyate bức xúc nói - “Mong ước của tôi là ngày nào đó đám trẻ ở Sénégal sẽ không bị ép đi ăn xin nữa”.

Cận cảnh 'trường học địa ngục’, hàng trăm học sinh bị tra tấn

Cuối tháng 9, cảnh sát phát hiện hơn 300 người bị giam giữ trong ngôi trường Hồi giáo tư thục ở Nigeria. Những học sinh ở đây thường xuyên bị đánh đập, tra tấn.


Minh Thúy

Bạn có thể quan tâm