Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đứa trẻ 'cừu đen' bị cha mẹ hắt hủi, cô đơn trong chính nhà mình

Hầu như bậc phụ huynh nào cũng khẳng định tình yêu được chia đều cho các con song không ít đứa trẻ chịu cảnh bị cha mẹ phân biệt đối xử, không được yêu thương bằng anh chị em.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Guardian, đề cập câu chuyện cha mẹ phân biệt đối xử giữa các con trong nhà, tạo nên sự tổn thương khó bù đắp trong lòng đứa trẻ. 

Diya (London, Anh) cho hay cô tin rằng mẹ cô luôn có “một đứa con yêu thích” và đó không phải là cô.

Lý do thích hợp nhất mà Diya có thể giải thích cho việc bị mẹ ruột hắt hủi là do cô có gương mặt giống y hệt người cha, người đàn ông đã bỏ rơi 3 mẹ con khi cô và em gái còn rất nhỏ.

“Một lần, năm tôi 12 tuổi, bố tôi quay trở lại và nói với mẹ tôi rằng bà không thể chọn yêu một đứa và bỏ mặc đứa còn lại. Ông cố nói lý lẽ để bảo vệ tôi nhưng đó cũng là lần cuối mẹ để ông ấy bước vào nhà”, người phụ nữ 27 tuổi nhớ lại.

Diya từng mất nhiều năm để điều trị tâm lý, với vấn đề chủ yếu xoay quanh về việc cô bị tổn thương về cách mẹ ruột phân biệt đối xử. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến đâu, cô gái vẫn cảm thấy khó khăn để chấp nhận sự thật rằng người mẹ luôn dành nhiều tình thương cho người chị gái lớn hơn cô một tuổi.

Diya không hề cô đơn. Hầu hết phụ huynh nào cũng tự nhận yêu từng đứa trẻ trong nhà như nhau và đối xử công bằng, song không hiếm trường hợp những người con phải chịu cảnh thiệt thòi, thiếu tốn tình yêu trong chính căn nhà của mình.

Những “con cừu đen” bị cha mẹ hắt hủi

“Đến giờ, sự thiên vị vẫn hiển hiện. Mẹ tôi sẵn sàng chi 6.000 bảng Anh và đứng ra tổ chức đám cưới cho chị tôi. Còn tôi khi lên xe hoa, bà ấy chỉ chịu trả một nửa số tiền thuê váy cưới, cũng không tham gia giúp đỡ chút nào. Quà mừng được gửi đến nhiều tuần sau. Thời gian dành cho tôi là thứ xa xỉ với bà ấy”, Diya thở dài nói.

Giờ đây, nỗi sợ hãi của Diya chuyển sang việc phải chứng kiến người mẹ tiếp tục phân biệt đối xử với những đứa cháu ngoại.

“Bà ấy hủy hẹn tham dự bữa tiệc sinh nhật của cháu mình vào phút cuối. Chị tôi giờ đang mang thai, tôi tự hỏi liệu em bé của chị cũng được mẹ tôi yêu thương, chăm sóc hơn 3 người con ruột của tôi không”, Diya cho hay.

cha me nuoi con anh 1
Không hiếm trường hợp những đứa trẻ bị cha mẹ phân biệt đối xử trong chính gia đình của mình. Ảnh: Daily Mail. 

“Nếu tình cảnh ấy xảy ra, tôi sẽ nhất quyết chấm dứt mối quan hệ với bà ấy. Tôi không muốn con mình cũng phải trải qua cảm giác tủi thân, tổn thương như mẹ nó”, cô nhấn mạnh.

Chung hoàn cảnh, Sarah (31 tuổi, Anh) lớn lên với sự mặc cảm cô là “con cừu đen” trong gia đình. Cô dần chấp nhận sự thật rằng mình sẽ không bao giờ nhận được sự yêu thương và trân trọng như cách các chị em cô được hưởng.

“Từ nhỏ, tôi đã là đứa ít được cha mẹ quan tâm nhất trong 3 người con. Khi mới phát hiện sự thật ấy, tôi thể hiện sự ghen tị nhưng giờ tôi học cách cam chịu. Phần lớn thời gian tôi cảm thấy mình là kẻ xa lạ trong chính gia đình mình”, cô gái thổ lộ.

Lớn lên trong một gia đình kiểu mẫu trong mắt người ngoài, với mẹ là nữ hộ sinh, bố là bác sĩ, Sarah không hề hạnh phúc như mọi người nghĩ.

“Năm 11 tuổi, tôi phát hiện mình là con ngoài giá thú của mẹ. Mẹ tôi mang bầu và bị bỏ rơi. Sinh tôi ra, bà kết hôn với người chồng hiện tại. Trong tâm trí họ, tôi chỉ là một sản phẩm của lần ăn chơi để lại hậu quả, không phải là con cái dứt ruột đẻ ra như 2 hai người em gái”, Sarah thành thật.

Khi bắt đầu lên 5 tuổi, Sarah đã quen với việc không được mẹ đẻ quan tâm và thường xuyên bị bỏ mặc một mình, tập cách tự chăm sóc bản thân.

“Nhưng mẹ tôi vẫn thường tự hào nói với mọi người rằng bà có thể ở lại làm việc đến tận khuya vì tôi tự về nhà, tự nấu bữa tối và tự đi ngủ”, người phụ nữ nhớ lại ký ức không mấy vui vẻ.

Cùng chung sống một nhà, song 3 chị em của Sarah có tuổi thơ rất khác nhau: Cha mẹ thường xuyên để ý đến hai người con còn lại, sẵn sàng dành cả thời gian và tiền bạc để chiều chuộng con mình.

“Em gái tôi được mua máy nghe nhạc vào sinh nhật lần thứ chín, còn tôi không nhận được gì cả. Sau này, cả hai đều được bố mẹ cho đi học bằng lái xe, tôi thì không”, Sarah nói.

cha me nuoi con anh 2
Việc chứng kiến cha mẹ yêu thương anh chị em hơn còn mình bị hắt hủi có thể gây ra tổn thương tâm lý lâu dài cho đứa trẻ. Ảnh: The Guardian. 

“Mọi người con đều chịu thiệt thòi”

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Journal of Marriage and Family, 85% số người được hỏi thừa nhận cảm giác tủi thân khi không được bố mẹ quan tâm, chăm sóc bằng anh chị em trong nhà. 

Trên thực tế, hầu hết phụ huynh nào cũng tự nhận yêu quý mọi người con họ sinh ra như nhau và đối xử công bằng. Họ hiếm khi thừa nhận sự thiên vị và chỉ nói rằng trong những đứa trẻ, sẽ có một đứa “hợp với tính cách của bố mẹ hơn”.

“Sự phân biệt đối xử này đặc biệt gây hại với đứa trẻ khi chúng nhận ra mình là người duy nhất không được bố mẹ quan tâm. Tâm hồn dễ tổn thương hơn khi chúng đều ghi nhớ tất cả những lời nói, hành động tồi tệ từ người lớn mà bản thân phải hứng chịu. Điều này có thể có tác động khủng khiếp đến lòng tự trọng của họ”, giáo sư Helen Dent, người từng dành nhiều năm nghiên cứu vấn đề này, cảnh báo.

Việc bị chính mẹ đẻ đối xử tệ bạc như vậy đã ảnh hưởng dai dẳng đến Sarah trong suốt những năm tháng sau này.

Nhưng người bị ảnh hưởng bởi sự thiên vị không chỉ có riêng mình đứa con bị hắt hủi, mà cả ở những đứa con nhận được nhiều ưu ái hơn.

cha me nuoi con anh 3
Không chỉ đứa trẻ bị bỏ rơi, ngay cả người con hưởng sự thiên vị cũng cảm thấy hoang mang, e sợ việc bị cha mẹ hắt hủi một ngày nào đó. Ảnh: The Guardian. 

“Hai người em tôi cảm thấy có lỗi vì bố mẹ luôn bỏ mặc tôi và quan tâm họ. Nhưng họ đã quá quen với việc được yêu thương, chiều chuộng từ bé nên luôn tự cho mình đúng trong mọi chuyện. Kết quả là cả hai đều đổ vỡ trong tình yêu”, Sarah nói.

Sarah khẳng định việc ở trong một gia đình có sự thiên vị giữa những người con còn tồi tệ hơn việc ở trong một gia đình cha mẹ không có tình yêu cho con cái. 

“Không riêng mình đứa con bị hắt hủi thấy tủi thân. Những đứa trẻ khác cũng cảm thấy áp lực phải trở nên hoàn hảo và làm vừa lòng cha mẹ mọi lúc. Họ lớn lên với nỗi sợ hãi rằng tình yêu của cha mẹ có thể biến mất như cách anh chị em của họ bị đối xử”, giáo sư Helen đánh giá.

“Những người con đương nhiên thấy vui vẻ và nhẹ nhõm khi được cha mẹ yêu thương. Song một cách vô thức hoặc có ý thức, chúng sẽ tự thấy tội lỗi và thiếu an toàn bởi vì nếu tình yêu của cha mẹ không phải là thứ vô điều kiện, ai biết điều gì có thể xảy ra với họ kế tiếp”, cô nói thêm.

Margaret (46 tuổi) bắt đầu tìm đến trung tâm tư vấn từ 18 tháng trước và nhận ra bản thân đã mang vết sẹo tâm hồn lớn như nào khi từ bé đã bị cha mẹ phân biệt đối xử.

Sự thiếu công bằng khi nuôi nấng hai người con cũng là lý do khiến mối quan hệ giữa cô và em gái không thể cứu vãn sau này.

“Cô ấy chọn cách xa lánh tôi. Từ nhỏ, em gái tôi đã lớn lên với những lời khen ngợi từ phụ huynh. Thời thơ ấu chỉ toàn màu hồng khiến cô ấy không nhận ra thực tế cuộc sống nhiều khó khăn. Tôi thích nghi giỏi hơn em mình, cả hai đã cố gần gũi khi trưởng thành nhưng mọi thứ không còn như trước”, Margaret nói.

Nhờ điều trị tâm lý, Margaret mới dần thoát khỏi nỗi đau dai dẳng từ thời ấu thơ.

“Không nhận được yêu thương từ cha mẹ khiến tôi bị ám ảnh bởi việc mình không đủ tốt. Tôi bị áp lực mình phải liên tục chứng minh bản thân và ép mình phải chịu đựng những điều không đáng có", cô nói.

Từng bị phân biệt đối xử trong chính gia đình, Margaret khẳng định cô không muốn “đi vào vết xe đổ” như cha mẹ mình.

Cô có mối quan hệ gần gũi với người con gái 11 tuổi. “Tôi cần trở thành người bạn tốt của con gái mình. Tôi rất có ý thức biến con bé thành mối quan tâm hàng đầu của bản thân, trái ngược hoàn toàn với cảm giác lạnh lẽo, xa lạ mà bố mẹ mang lại khi tôi còn bé”, Margaret khẳng định.

Cha mẹ, con cái trong gia đình cùng nghỉ việc để theo nghề mukbang

Xuất phát từ Hàn Quốc, nghề mukbang dần trở nên quen thuộc ở Mỹ. Hình ảnh một người ăn ngấu nghiến hết khay đồ ăn khổng lồ đặc biệt cuốn hút người xem.




Trà My

Bạn có thể quan tâm