Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đứa trẻ không đến trường liệu có phát triển bình thường?

Gần một năm trời, trẻ lớp 1 không đến trường. Các con chỉ gặp bạn bè, thầy cô qua màn hình, thiếu môi trường để đổ mồ hôi, chảy nước mắt, làm sao phát triển bình thường được.

Dịch Covid-19 hơn 2 năm nay, trẻ con phải ở nhà, không được đến trường khoảng thời gian rất, rất dài. Gia đình có thể giàu có, đầy đủ tiện nghi, bố mẹ có thể rất giỏi giang cũng không thể thay thế cho trường học.

Hơn bất cứ lúc nào, lúc này, người ta mới thật sự nhìn nhận vai trò không thể thiếu của trường học. Vì sao? Trẻ con chỉ có thể phát triển bình thường khi được giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo… một cộng đồng thích hợp - đó là nhà trường.

Thế nhưng gần hết năm học 2021-2022, đường đến trường của trẻ lớp 1 còn “mơ về nơi xa lắm”. Trẻ chưa một ngày được đến trường, chỉ nhìn thấy cô giáo của mình, bạn bè trong lớp qua màn hình. Một năm học sẽ qua trong tình trạng như thế, những đứa trẻ đó liệu có bình thường?

Gan mot nam khong den truong anh 1

Thầy Nguyễn Xuân Khang vui vẻ chào đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường nhưng với học sinh lớp 1, thầy rất thương vì các em vẫn chưa thể đi học. Ảnh: Thạch Thảo.

Nổi gai ốc khi nghĩ đến trẻ lớp 1

Trẻ em rất cần sự tiếp xúc với bạn bè, thầy cô để phát triển bình thường. Nếu chỉ học kiến thức, đọc viết, tính toán, khi ở nhà, dù khó khăn hơn, các con vẫn học được.

Nhưng tuổi thơ của các con đâu chỉ có vậy. Trẻ cần chạy nhảy, hò hét, khóc, cười, đổ mồ hôi, chảy nước mắt để từng bước trưởng thành.

Người trưởng thành có thể tư duy độc lập, phát triển độc lập vì họ đã có trải nghiệm cuộc sống với cộng đồng. Thế nhưng, những đứa trẻ 6-7 tuổi, ngay ở điểm bắt đầu bước vào bậc học phổ thông, cơ hội tiếp xúc với cộng đồng cùng lứa tuổi lại bị hạn chế.

Nhìn lại năm học 2021-2022, 5/9 hàng năm là ngày đưa trẻ đến trường, đặc biệt có ý nghĩa với trẻ lớp 1 khi bước vào ngưỡng cửa. Song 5/9/2021, tức ngày đầu tiên của năm học này, lại là ngày giữ trẻ ở nhà.

Tất nhiên, điều này vì khách quan, do đại dịch Covid-19, không ai mong muốn. Nhưng cứ nghĩ đến những đứa trẻ có tên trong danh sách học sinh của trường nhưng chưa một ngày đặt chân đến lớp, tôi lại nổi gai ốc, nghẹn lại vì thương các con.

Tính ra từ ngày 4/5/2021, trẻ gần như bị “nhốt” ở nhà trốn dịch vì ra đường, bố mẹ đã sợ con nhiễm bệnh, chưa nói đến việc đi học. Mọi thứ ngược với sự phát triển tâm, sinh lý trẻ.

Trẻ vốn hiếu động. Thời trường học còn mở cửa, trên sân trường, hành lang, trẻ có thích đi bình thường đâu, cứ chạy nhảy. Nô đùa, vận động cũng cần thiết cho sự phát triển của trẻ như cơm ăn, nước uống vậy.

Giờ mọi thứ thay đổi. Trẻ ở trong nhà. Một vài tuần, vài tháng còn chịu được nhưng gần năm, trẻ làm sao phát triển bình thường được?

Con ở nhà, bố mẹ thành giáo viên bất đắc dĩ, “đánh vật” với trẻ từng buổi học trực tuyến. Đến khi con biết đọc, viết, làm toán, tưởng chừng có thể thở phào, phụ huynh mới thấy thiếu thiếu. Phải rồi, họ có thể bỏ thời gian để đồng hành với con học kiến thức nhưng kiếm đâu ra cộng đồng bạn bè cùng lứa tuổi như ở trường học để con có tuổi thơ đúng nghĩa.

Gan mot nam khong den truong anh 2

Những đứa trẻ vốn hiếu động, thích chạy nhảy nay phải ở yên trong nhà gần một năm trời vì dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Kiên nhẫn hơn với những đứa trẻ “mất nếp”

Gần một năm trời, học sinh lớp 1 chỉ gặp bạn bè, thầy cô qua màn hình, liệu có thể phát triển bình thường? Hỏi vậy thôi chứ chúng ta đều hiểu bị tách ra khỏi môi trường bình thường, làm sao trẻ không bất thường cho được.

Thời gian qua, không ít phụ huynh gọi điện tâm sự, kể về những đứa trẻ vốn rất “tròn trĩnh” thời được đi học, ngoan ngoãn, tế nhị, biết phấn đấu, nay trở nên cục tính, phản ứng với bố mẹ, có biểu hiện trầm cảm. Trẻ không hư nhưng vẫn bất thường so với chính các con trước đây.

Trẻ tuổi dậy thì chịu ảnh hưởng tâm lý khi ở nhà quá nhiều và trẻ lớp 1 cũng vậy. Người ta thường nói về ảnh hưởng của đại dịch đến sức khỏe, đường hô hấp nhưng thực tế, di chứng hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

Đại dịch cũng khiến cuộc sống các gia đình xáo trộn. Trước đây, sáng, bố mẹ đi làm, con đi học, tối về, cả nhà quây quần, trò chuyện, giao lưu, mọi thứ hài hòa. Nay bố mẹ, con cái cùng ở nhà, ra đụng vào chạm, nhiều vấn đề nảy sinh. Những bất thường trong hoàn cảnh sinh hoạt, dù không ai mong muốn, đã gây ra hệ lụy.

Dễ thấy nhất, nếu đi học, ở trường, trẻ lớp 1 được rèn nếp sinh hoạt phù hợp với nhịp sinh học. Cứ 12h, 3 tiếng trống vang lên, hành lang, cầu thang, sân trường không một bóng học trò vì trước đó 5 phút, các con đã tự giác vào phòng, sẵn sàng cho giờ ngủ trưa. Rồi 13h30, một hồi trống nữa vang lên, trẻ thức dậy để học chiều.

15h50, học sinh tiểu học tan học. Giáo viên không dạy thêm giờ, trẻ khẩn trương thu xếp. Trường cả 700-800 trẻ ra về bằng xe buýt nhưng chỉ 10 phút, tức đúng 16h, xe lăn bánh. Mọi thứ thành nếp, trẻ học cách sống đúng giờ.

Nay các con phải ở nhà, trẻ nhỏ chưa được rèn nếp còn trẻ lớn hơn cũng đánh mất nề nếp. Nhưng đó nào phải lỗi của các con. Nghĩ đến những học trò lớp 1 chưa được đến trường, tôi đau xót nhưng không trách ai cả, không trách Chính phủ, thành phố, không trách phụ huynh, thầy cô, chỉ trách Covid-19 song đại dịch có sẻ chia với mình đâu.

Trẻ vẫn phải ở nhà từ 4/5/2021 đến nay. Năm học chỉ có 9 tháng mà tháng 3 này, việc mở cửa trường học cho trẻ tiểu học gần như vô vọng, tháng 4 khó nói còn tháng 5, nếu trẻ được đi học, cũng chủ yếu kiểm tra, tổng kết.

Trẻ ở nhà quá nhiều, có thể không ngoan, thường phạm lỗi, dễ khiến bố mẹ bực mình. Tôi chỉ biết nhắn nhủ các con nếu mắc lỗi, cứ sà vào lòng mẹ, nói câu xin lỗi, không thanh minh, biện bạch mà chỉ xin lỗi rồi điều chỉnh.

Tôi cũng từng gửi thư ngỏ tới phụ huynh, mong họ kiên trì, nhẫn nại hơn trong ứng xử với các con. Nếu con có lỗi lúc này, bố mẹ bỏ quá cho, giúp con sửa lỗi, đừng to tiếng, đòn roi vì trẻ ở trong tình huống bất bình thường như thế, làm sao đòi hỏi trẻ ngoan, không nổi cáu, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc được.

Phụ huynh cũng trải qua một năm vất vả, làm giáo viên bất đắc dĩ song “bụt chùa nhà không thiêng”, một lời của thầy cô nhiều khi bằng 10 lời của bố mẹ.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tùy trường hợp cụ thể, phụ huynh có cách xử lý riêng. Tôi không biết khuyên gì, chỉ mong mọi người bình tĩnh. Các con cũng chỉ là nạn nhân của trường hợp bất khả kháng này.

Trẻ nhỏ “trốn dịch” ở nhà lâu quá. Chúng ta cần biết chấp nhận, giúp các con phát triển dần dần, yêu thương con trẻ hơn bất cứ lúc nào bởi các con đang phải chịu một thời kỳ khó khăn, không mấy khi gặp.

Không biết ngày mai con đến trường hay ở nhà

Chị T.N. chia sẻ chuyển đổi linh hoạt hình thức dạy học trong dịch là cần thiết song việc này cũng gây xáo trộn cho cả tâm lý, việc học của con lẫn kế hoạch làm việc của bố mẹ.

Thầy Nguyễn Xuân Khang

Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội)

Bạn có thể quan tâm