Trong năm học vừa qua, hai đứa cháu ngoan ngoãn của tôi đều bị làm bản tự kiểm. Đại gia đình tôi đều ngạc nhiên vì đây là các cháu học tốt, hiền lành, chưa bao giờ làm gia đình phiền lòng, cũng như suốt cả thời gian đi học chưa từng bị thầy cô, nhà trường than phiền.
Bản kiểm điểm của học trò. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Đứa cháu gái đang học lớp 9 đi học về buồn bã, khóc tức tưởi vì bị cô chủ nhiệm bắt viết bản tự kiểm do làm mất trật tự trong giờ học và phải ở lại cuối giờ học ba ngày để làm vệ sinh lớp học cùng hai bạn nữa.
Qua lời cháu kể thì cuối giờ toán, hai bạn ngồi hai bên cháu đùa giỡn. Cháu phải né qua né lại và nói các bạn ấy không giỡn nữa nhưng thầy toán ghi sổ đầu bài là cả ba đứa cùng bàn đã làm mất trật tự lớp học. Cô chủ nhiệm đọc sổ đầu bài và ra quyết định kỷ luật như vậy.
Tôi hỏi cháu sao không trình bày cho cô chủ nhiệm rõ, cháu nói sợ cô không tin cho là phạm lỗi mà còn cãi bướng nên im lặng chấp nhận để rồi về nhà khóc.
Đứa cháu trai học lớp 11. Hôm ấy nhà trường thông báo phụ huynh cho các cháu đến trường để sinh hoạt ngoại khóa về hướng nghiệp.
Khi gia đình đến rước, cháu về rất trễ so với bạn bè. Dò hỏi thì được biết cháu và một số học sinh của khối 11 phải ở lại làm bản tự kiểm vì không mặc đồng phục thể dục theo thông báo mà lại mặc đồng phục học sinh bình thường. Cháu nói thông báo qua loa phát thanh nên rất nhiều học sinh không nghe được.
Tôi hỏi cháu vậy bản tự kiểm ghi thế nào, cháu trả lời ghi theo ý thầy giám thị là “nhận lỗi vì vi phạm quy định của nhà trường, không mặc đồng phục thể dục như thông báo”. Tôi bảo cháu sao không ghi đúng sự thật là cháu không nghe được thông báo từ loa của nhà trường để nhà trường biết cháu không phải cố tình làm sai quy định. Cháu cũng làm thinh.
Cuối cùng ba mẹ hai đứa cháu tôi cũng phải đến trường trình bày rõ sự việc để giải oan cho con.Hiện nay dường như các cháu đang được bảo bọc quá nhiều từ các bậc phụ huynh. Các cháu như những công tử, tiểu thư sống trong lầu son gác tía, khi ra ngoài phải có người hộ tống để xử lý giúp những tình huống bất ngờ xảy ra.
Các cháu không biết phản kháng, không biết tự bảo vệ mình, không biết đòi hỏi công bằng cho bản thân. Các cháu chấp nhận sự hiểu lầm, chấp nhận những điều oan ức đến với mình một cách hết sức vô lý. Nếu các cháu cứ im lặng mà không chia sẻ cùng cha mẹ để giúp giải quyết thì các cháu sẽ trở thành người mất lòng tin ở xã hội và cả bản thân trong hiện tại và tương lai.
Điều đó thật hết sức nguy hại. Cha mẹ, thầy cô dạy các cháu biết nhận lỗi để sửa sai thì cũng rất cần thiết dạy các cháu phải biết phản kháng khi mình bị đối xử bất công.