Nhiều hành động vô tình có thể khiến bạn nhiễm virus viêm gan B. Ảnh: Shutterstock. |
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus, ảnh hưởng lớn đến chức năng gan. Hậu quả có thể gây suy gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan và có thể dẫn đến không qua khỏi.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao nhất trên thế giới, ước tính có khoảng 10 triệu người mang virus.
Tại sao bạn bị viêm gan virus B?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay virus viêm gan B có mặt ở trong tất cả dịch cơ thể nhưng nó chỉ lây lan qua tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không được bảo vệ và mẹ truyền sang con khi mang thai hoặc khi sinh.
Bạn có thể bị lây virus viêm gan B do:
- Mẹ truyền viêm gan B cho con khi sinh nở hoặc trong quá trình mang thai
- Không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị viêm gan B
- Dùng chung dụng cụ khi tiêm chích ma túy
- Có tiền sử truyền máu và các chế phẩm của máu
- Tiếp xúc với máu của người nhiễm virus viêm gan B qua vết thương hở
- Thủ thuật y tế: làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa…
Ngoài ra, một số thói quen trong sinh hoạt hàng ngày cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B nếu có không có biện pháp giữ vệ sinh cá nhân tốt, như: Dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nhíp, dụng cụ cắt móng tay, móng chân (bấm móng tay..) với người bị viêm gan B.
Một số phương pháp làm đẹp có xâm lấn nhẹ nhàng như xăm mày, xăm môi, xăm cơ thể, xỏ lỗ tai... Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp phòng vệ an toàn, quan hệ bằng miệng khi có vết thương, vết loét, viêm, nhiệt miệng... cũng là con đường dẫn đến viêm gan B rất cao.
Virus viêm gan B có mặt ở trong tất cả dịch cơ thể. Ảnh: Science. |
Đặc biệt, viêm gan virus B không lây qua ăn uống, khi dùng chung bát đũa, ôm hôn, hắt hơi hay muỗi đốt.
"Việc tìm hiểu vì sao bạn bị viêm gan B rất khó. Điều quan trọng là bạn cần biết đường lây của viêm gan B để phòng tránh cho những người thân trong gia đình, bạn bè và cộng đồng", bác sĩ Huyền nói.
Để biết bản thân có bị viêm gan B hay không, người dân có thể đến các cơ sở y tế gần nhà làm xét nghiệm HBsAg. Nếu HBsAg dương tính, nghĩa là bạn đã mắc viêm gan B. Bạn cần đi khám kiểm tra tình trạng bệnh tại chuyên khoa truyền nhiễm hoặc chuyên khoa gan mật định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Nếu chưa bị nhiễm viêm gan B, bạn cần tiêm phòng vaccine viêm gan B đủ 3 mũi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bị viêm gan virus B
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền, nếu bạn bị nhiễm virus viêm gan B dưới 6 tháng, được gọi là viêm gan B cấp. Nếu bạn nhiễm virus này trên 6 tháng, tình trạng chuyển sang mạn tính.
Nếu bạn là người lớn ≥ 16 tuổi có hệ miễn dịch khỏe mạnh, khi bị viêm gan B cấp, 95% cơ thể có thể tự đào thải virus, sạch HBsAg (có thể coi là khỏi bệnh) và không bị viêm gan B mạn.
Bệnh nhân mắc viêm gan B ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC. |
Tuy nhiên, trẻ sơ sinh khi bị viêm gan B cấp, do hệ miễn dịch chưa trưởng thành nên chỉ có 5-10% có khả năng đào thải virus và sạch HBsAg. Hơn 90% trẻ sơ sinh sau khi nhiễm viêm gan B sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn.
Trường hợp mắc viêm gan B lâu hơn 6 tháng và trở thành viêm gan B mạn, bạn cần quan tâm theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Bởi 30% người mắc viêm gan B mạn sẽ tiến triển thành xơ gan; 5-10% sẽ tiến triển thành ung thư gan. Tại Việt Nam, hơn 60% người ung thư gan là có mắc viêm gan B.
Chuyên gia này nhấn mạnh người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó, người bệnh thường chủ quan và bệnh sẽ tiến triển nặng lên mà không hề hay biết.
Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với virus thì bạn có thể cảm thấy không khỏe, ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ mỡ.
"Người mắc viêm gan B cần tuân thủ lịch khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc gan mật. Điều này là rất quan trọng, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh cũng như phát hiện kịp thời giai đoạn bệnh để điều trị, ngăn ngừa biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan", bác sĩ Huyền khuyến cáo.
Hiện tại, thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan B là các thuốc kháng virus giúp ức chế virus viêm gan B. Có nhiều thuốc kháng virus khác nhau, phù hợp với từng người bệnh cụ thể, bạn cần trao đổi với bác sĩ để có được cách thức điều trị phù hợp nhất.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng gần 300 triệu người mắc viêm gan virus B, khoảng 1 triệu người không qua khỏi vì viêm gan B mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ 45% trẻ sinh ra được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24h sau sinh.
Năm 2016, WHO đã đưa ra một chiến dịch toàn cầu về kiểm soát sự lây truyền viêm gan virus B trong cộng đồng với mục tiêu đến năm 2030 giảm 90% số ca mắc mới ở trẻ sơ sinh và giảm 65% tỷ lệ không qua khỏi do virus viêm gan B gây ra.
Học cách già đi
Bước vào tuổi xế chiều, nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Họ không còn công việc để làm, mất đi sự năng động vốn có và trở nên tự ti. Về già, hãy học cách yêu cuộc đời một lần nữa.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.