Ăn kiêng tiêu cực gây áp lực lên tim mạch và các cơ quan khác. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Có những thói quen ăn uống, chăm sóc sức khoẻ mọi người thường nghĩ đúng, nhưng thực tế vẫn có nhiều cách nghĩ sai lầm, vô tình làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí tăng nguy cơ bệnh tật.
Ăn bù, ngủ bù
Theo bác sĩ Dương Chí Lực, khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, nhiều người có quan niệm cơ thể thiếu gì thì bù nấy. Nếu đêm hôm trước phải thức khuya, hôm sau họ sẽ ngủ bù. Tương tự, nếu bữa ăn trước họ ăn ít, sẽ cố gắng ăn nhiều hơn vào bữa tiếp theo để bù lại. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Việc thức khuya kéo dài sau đó ngủ bù, ngủ kéo dài sẽ khiến trí não kém tập trung, cơ thể kém linh hoạt. Ngoài ra, nó làm cho nhịp sinh học của chúng ta thay đổi và có tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Ăn bù làm cho dạ dày bị quá tải và gây hư hại trong khi dinh dưỡng vẫn không cải thiện, thậm chí là kém hơn.
Vì vậy, không nên lạm dụng thức khuya, ngủ đúng giờ, ăn đúng bữa mới là bảo vệ sức khỏe nhất. Những người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, thay đổi đồng hồ sinh học, rối loạn ăn uống, tốt nhất nên gặp bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với công việc và tình trạng sức khỏe.
Ăn gì bổ nấy
Theo bác sĩ Lực, quan niệm "ăn gì bổ nấy" đã truyền qua rất nhiều thế hệ, đến nay vẫn còn nhiều người tin vào điều này. Ví dụ, ăn gan sẽ bổ gan, ăn tiết canh giúp bổ máu, ăn não bổ não... nhưng không phải tất cả nội tạng đều mang lại dinh dưỡng.
Ăn nhiều nội tạng khiến cơ thể mất cân đối về dinh dưỡng, có những món ăn vào còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các rối loạn. Cơ thể luôn cần được tiếp nhận một cách hợp lý, cân bằng với đầy đủ các thành phần dinh dưỡng.
Bên cạnh chứa nhiều cholesterol, đạm dễ gây các bệnh như gout, đái tháo đường, tim mạch… nội tạng tiềm ẩn nhiều vi sinh vật, vi khuẩn gây hại cho cơ thể như giun sán, ký sinh trùng, liên cầu khuẩn...
Nhịn ăn gián đoạn 16:8 để giảm cân là phương pháp nhiều người trẻ áp dụng, thực tế, cách ăn này không mang lại lợi ích sức khỏe lâu dài. Ảnh minh họa: Châu Dương. |
Nhịn ăn gián đoạn 16:8
Người theo chế độ 16:8 sẽ ăn mọi loại thức ăn trong 8 giờ và nhịn trong 16 giờ. Phương pháp này được cho là giúp giảm cân, nhưng làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch.
Theo TS.BS Phan Thái Hảo, Trưởng khoa Tim mạch - Lão khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TP.HCM), nguy cơ tử vong do tim mạch ở những người nhịn ăn gián đoạn 16:8 cao hơn 91%, so với người bình thường.
Theo nghiên cứu thuộc Đại học Y khoa Thượng Hải Jiao Tong, những người hạn chế ăn uống dưới 8 giờ mỗi ngày, có nhiều khả năng nguy hiểm tính mạng vì bệnh tim mạch hơn so với những người ăn xuyên suốt 12-16 giờ mỗi ngày.
Trong số những người hiện mắc bệnh tim mạch, thời gian ăn 8-10 giờ mỗi ngày cũng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do bệnh tim hoặc đột quỵ cao hơn 66% so với bình thường.
Mặc dù kiểu ăn kiêng 16:8 rất phổ biến do những lợi ích ngắn hạn của nó, các nhà khoa học chỉ ra rằng so với khoảng thời gian ăn uống thông thường là 12-16 giờ mỗi ngày, người có thời gian ăn ngắn hơn không sống lâu hơn.
Sữa hạt tốt hơn sữa bò
Các bà mẹ hiện nay ưa chuộng sử dụng sữa hạt hoặc sữa thực vật cho con uống hơn là sữa bò. Các loại sữa này còn được gắn mác là sữa "thuần chay", nên phụ huynh mặc nhiên sẽ tốt hơn sữa bò thông thường.
Tuy nhiên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM), cho rằng sữa có hai nhóm, một là xuất phát từ động vật để nuôi con, chức năng của nó là để nuôi. Do vậy, con người có thể tận dụng sữa này.
Nhóm thứ hai là sữa hạt, do con người chế biến để uống bổ sung. Có một số trường hợp người dị ứng với sữa động vật, uống sữa hạt với giá trị dinh dưỡng tương đương là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, loại sữa này không dễ để chế biến, giá thành cũng thường rất đắt.
"Để nuôi trẻ, dùng sữa động vật là lựa chọn tốt nhất, còn sữa hạt hay sữa thực vật thì chỉ để uống chơi, không đủ giá trị dinh dưỡng cần thiết", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Dậy sớm tập thể dục buổi sáng
Theo bác sĩ Dương Chí Lực, khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, hiện nay có nhiều người thích tập thể dục buổi sáng, nhưng lại tập lúc 3-4 giờ.
Giấc ngủ là một hoạt động sinh lý quan trọng, rất cần cho sự sống, nó giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi các rối loạn. Nếu thức dậy quá sớm, các tế bào của con người sẽ nhanh lão hoá hay suy giảm chức năng, trong đó có tế bào thần kinh.
Bạn có thường xuyên quên để điện thoại ở đâu? Không nhớ ra mình đã khóa cửa nhà chưa? Hay quên cuộc hẹn quan trọng với đối tác? Bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải mình bị suy giảm trí nhớ hay không?
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ các giải pháp giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.