Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chi mạnh tay cho sở thích, dù không thường xuyên sử dụng. Ảnh: Phương Lâm. |
Người trẻ ngày càng ý thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính. Dù vậy, nhiều người trong số họ không dễ để thiết lập kỷ luật chi tiêu, đặc biệt trong các khoản phục vụ sở thích cá nhân.
Thay vì lập khoản tiết kiệm cho tương lai, họ chọn tiêu xài tuỳ ý để thỏa mãn niềm vui hiện tại.
Dưới đây là chia sẻ của 10 bạn trẻ với Zing về những khoản chi khó từ bỏ, dù biết tốn kém, không mấy thiết thực trong đời sống.
Ốp điện thoại, tai nghe
Thảo Vi (24 tuổi, Hà Nội), quản lý nhà hàng
Dù chỉ có một chiếc điện thoại và một cặp tai nghe không dây, mỗi tháng, tôi đều phải sắm ít nhất một chiếc ốp cho chúng. Tôi thường mua theo xu hướng hoặc bắt chước bạn bè.
Sau nhiều lần dọn tủ, số ốp còn lại của tôi rơi vào khoảng hơn 30 chiếc.
Tuy mua liên tục, tôi lại không thay đổi ốp điện thoại hay AirPods thường xuyên. Tôi có thể dùng liền một cái suốt nhiều tháng và bỏ xó những chiếc còn lại vì không thực sự thích.
Mô hình Gundam
Tuấn Anh (25 tuổi, Hà Nội), quản lý sự kiện
Tôi đã sưu tầm mô hình lắp ráp Gundam được vài năm. Khi nhận ra tiền mua đồ chơi còn nhiều hơn thu nhập một tháng, tôi mới thấy mình đang quá phung phí cho sở thích này.
Mỗi khi có lương, tôi lại dùng số tiền đó để nuôi dưỡng ước mơ từ thưở nhỏ của mình. Ngoài những mô hình mới, tôi săn thêm phụ kiện để tham gia các dự án cải biến, sáng tạo robot.
Khoảng giá của các mô hình rất rộng, từ vài trăm nghìn đến hàng chục, trăm triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, món đắt nhất mà tôi sở hữu là HG Neo Zeong (Narrative Version) trị giá hơn 10 triệu đồng.
Tài khoản xem phim online
Đức Huy (27 tuổi, TP.HCM), nhân viên ngân hàng
Vốn yêu thích điện ảnh, tôi quyết định đăng ký gói dịch vụ xem phim trị giá 220.000 đồng/tháng. Viễn cảnh trùm chăn, ôm gối “cày” hết những series yêu thích vào mỗi tối hay ngày cuối tuần khiến tôi sung sướng.
Nhưng thực tế, lịch trình làm việc dày đặc không cho phép tôi được tận hưởng như kỳ vọng. Tài khoản vẫn bị trừ tiền đều đặn, song đã ít nhất 3 tháng tôi chưa mở ứng dụng lên.
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn duy trì dịch vụ này, bởi không chắc sẽ tìm được bộ phim ưng ý trên các nền tảng xem phim miễn phí khác.
Chăm sóc nail
Phương Thanh (25 tuổi, TP.HCM), nhân viên truyền thông
Cách đây 2 năm, tôi bắt đầu “sa ngã” với thú vui làm nail. Mắt mèo, tráng gương, form móng vuông, tròn, nhọn đều đã được tôi thử qua. Mỗi tháng, tôi chi khoảng 2-3 triệu đồng cho những bộ nail nhiều màu sắc.
Lạm dụng hóa chất lâu ngày, móng tay tôi đang trong tình trạng mỏng manh, dễ gãy. Thậm chí, nhiều salon từ chối phục vụ, yêu cầu tôi cho đôi tay nghỉ ngơi.
Thú thật, tôi bứt rứt khi thấy 10 đầu móng trống trải, thiếu sức sống. Tuy nhiên, có lẽ tôi nên tạm ngừng "hành hạ" chúng đến khi tình hình ổn định hơn.
Gội đầu dưỡng sinh
Bảo Tuấn (25 tuổi, TP.HCM), giảng viên đại học
Với tôi, khoản chi “tội lỗi” nhất là 500.000-800.000 cho mỗi buổi gội đầu, massage bấm huyệt.
Ban đầu, tôi chỉ sử dụng các dịch vụ cơ bản với giá thành thấp. Song, sau một lần tận hưởng liệu trình chăm sóc toàn thân, tôi quyết định đăng ký gói chuyên nghiệp mỗi khi đến spa.
Gia đình, bạn bè có chút ngạc nhiên khi nghe tôi chia sẻ về sở thích này. Họ cũng tỏ ý trách móc, cho rằng tôi đang “vung tay quá trán” bởi chi phí đi spa khá cao so với thu nhập của tôi.
Nhưng bất chấp những lời can ngăn, tôi vẫn đều đặn đặt lịch gội đầu 3 lần/tuần để thư giãn đầu óc sau những giờ dạy căng thẳng.
Quần áo cho thú cưng
Minh Tú (22 tuổi, TP.HCM), nhân viên truyền thông
Tôi thường xuyên sắm những trang phục ngộ nghĩnh cho mèo cưng. Mỗi bộ quần áo bé xíu có giá dao động 100.000-300.000 đồng, hoặc đắt hơn tùy theo mẫu mã.
Thực tế, 2 chú mèo của tôi lại chẳng mặn mà với việc mặc đồ. Chúng thường ngó lơ, hoặc bỏ chạy khi phát hiện tôi sắm quần áo mới.
Đa số trang phục chỉ được sử dụng 1-2 lần để chụp ảnh kỷ niệm, số khác thậm chí vẫn còn nguyên seal. Dù vậy, tôi không tiếc tiền vì muốn lưu giữ khoảnh khắc đáng yêu của mèo cưng.
Đến nay, tủ đồ thú cưng ở nhà tôi đang có ít nhất 50 kiểu dáng khác nhau. Sắp tới, tôi muốn mua vài chiếc mũ len để “bắt trend” cho 2 chú mèo của mình.
Cà phê
Diệu Linh (24 tuổi, Hà Nội), giáo viên tiếng Anh
Một trong những khoản tốn kém nhất của tôi là mua cà phê. Tôi thường chi 50.000-60.000 đồng/cốc mỗi ngày, chưa bao gồm phí giao hàng nếu gọi về văn phòng.
Tôi từng cố gắng cắt giảm tần suất dùng món thức uống này xuống khoảng 3 lần/tuần, cũng như tự mang đồ uống pha tại nhà đi làm nhưng bất thành. Ngoài giờ làm, bạn bè tôi cũng thường hẹn tụ tập tại các hàng quán yêu thích.
Dù thu nhập khoảng 10-11 triệu đồng/tháng và không phải chi trả các chi phí sinh hoạt (tiền nhà, điện nước), tôi vẫn không tiết kiệm được đồng nào, thậm chí dễ rơi vào cảnh “thiếu chỗ này, hụt chỗ kia” vì thói quen tiêu xài của mình.
Xe ôm công nghệ
Thùy Anh (23 tuổi, Hà Nội), nhân viên marketing
Hàng ngày, tôi đi làm bằng xe ôm công nghệ. Trung bình mỗi ngày, tôi chi 40.000-50.000 đồng cho 2 chiều đi lại giữa nhà - công ty.
Tôi không có phương tiện di chuyển riêng, đồng thời không tự tin tham gia giao thông ở Hà Nội. Hơn nữa, việc đặt xe ôm công nghệ sẽ nhanh gọn và đỡ mệt hơn là tự lái xe.
Khi chuyển sang công ty mới trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), tôi vẫn cương quyết chưa mua xe. Thay vào đó, tôi đổi chỗ ở từ quận Cầu Giấy về Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) để rút ngắn quãng đường đi làm còn 2 km, tiết kiệm phần nào chi phí đặt xe.
Đôi khi, tôi cũng thấy tiếc khoản tiền gần 1,5 triệu đồng/tháng dành cho việc đi xe ôm của mình. Nếu năm sau chuyển vào TP.HCM làm việc, chắc tôi sẽ không thể tiếp tục thói quen này.
Trò chơi điện tử
Minh Anh (29 tuổi, Hà Nội), nhân viên marketing
Các tựa game bản quyền sẽ có khoảng giá khá rộng, tùy theo độ hot và thể loại. Về phần mình, tôi thường chơi các game AAA, một dạng phân loại không chính thức dùng để chỉ các trò chơi đến từ hãng lớn, được thiết kế tỉ mỉ và đầu tư mạnh. Chi phí thấp nhất là một triệu đồng/trò chơi.
Gần đây, tôi mới mua vài video game như Elden Ring, Nier: Automata và Nier: Replicant, cũng như đặt trước 2 trò Modern Wafare 2 và God of War: Ragnarok. Có những tháng, tôi mua nhiều hơn vậy, tùy theo xu hướng và thời gian phát hành.
Thu nhập cao hơn, tôi càng đầu tư cho niềm đam mê từ thuở bé. Đương nhiên, nếu tiếp tục mua trò chơi một cách tùy hứng, tôi sẽ khó để cân bằng các khoản chi khác, nhất là khi đang sống tự lập và đã có bạn gái. Nhưng thú thật, tôi vẫn chưa tìm thấy lối ra.
Vật phẩm thần tượng
Kim Anh (24 tuổi, Hà Nội), nhân viên truyền thông
Từ chỗ giới hạn 500.000 đồng, đến nay tôi có thể chi số tiền lên đến 7 chữ số để sở hữu những món đồ liên quan đến thần tượng Kpop là nhóm nhạc SEVENTEEN và GOT7.
Bộ sưu tập của tôi khá đa dạng, từ album, card, photobook, tạp chí, slogan cho đến áo, mũ, gấu bông, búp bê, ốp AirPod. Dù hơi “xót ví”, tôi chưa bao giờ có ý định ngừng mua sắm đồ đạc liên quan đến thần tượng.
Văn hóa thần tượng là một trong những chỗ dựa tinh thần của tôi. Việc mua sắm các món đồ là cách tôi ủng hộ hoạt động của các Kpop idol. Hơn nữa, các công ty Hàn Quốc rất sáng tạo trong khâu thiết kế và tạo ra những sản phẩm thu hút người hâm mộ, từ đồ trưng bày, trang trí cho đến vật dụng thường ngày.
Bên cạnh đó, tôi là một người chạy theo xu hướng, từ mua sắm vật phẩm do các fansite thực hiện, chơi búp bê thần tượng cho đến sưu tầm “thẻ bo góc”.