Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lần bị mất việc, phạt tù... vì mạng xã hội năm 2015

Mạng xã hội là phương tiện hữu hiệu trong việc kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người lại vướng vào rắc rối chỉ vì những bức ảnh, dòng trạng thái ngông cuồng trên thế giới ảo.

Nộp phạt hàng nghìn USD vì Facebook

Vào tháng 8, Ed Mundsel Bello Ello - trợ lý y tá 29 tuổi tại bệnh viện Tan Tock Seng ở Philippines - thừa nhận tội danh bình luận ngông cuồng trên Facebook và nói dối cảnh sát.

Trong bài đăng hôm 2/1, Ello gọi người Singapore là "những kẻ thất bại", thề đuổi họ khỏi Philippines. Ello cầu nguyện thiên tai xảy ra khiến nhiều người nước này thiệt mạng và anh ta sẽ ăn mừng vì điều đó.

Dòng trạng thái kết thúc với câu "Người Philippines tốt và mạnh hơn người Singapore".

Ed Mundsel Bello Ello thừa nhận đã đăng các bình luận nhục mạ người Singapore trên Facebook. Ảnh: Straits Times.

Trả giá đắt vì ngông cuồng trên Facebook

Nhiều bạn trẻ vô tình vi phạm pháp luật, bị cơ quan công an bắt giữ do không ý thức được những phát ngôn của mình trên Facebook.

Ngày 3/1, không ít bình luận mang nội dung hạ thấp, xúc phạm, đề cập đến vấn đề quốc tịch và chủng tộc của Ed Mundsel Bello Ello xuất hiện trên The Kaki News Network - trang tin tức liên quan đến Singapore. Các chia sẻ thu hút nhiều lượt thích, cùng hơn 30.000 người theo dõi Facebook của Ello.

Tuy nhiên, những ý kiến này nhanh chóng khiến dân mạng cảm thấy bị xúc phạm và đệ trình lên cơ quan chức năng.

Khi cảnh sát điều tra, Ello khai rằng, tài khoản của anh ta bị đánh cắp. Tuy nhiên, trong cuộc điều tra mở rộng, nhân viên thực thi pháp luật lật tẩy lời nói dối của trợ lý y tá 29 tuổi bằng các vật chứng quan trọng và kết quả phân tích pháp y.

Bệnh viện Tan Tock Seng sa thải Ello. Ngoài ra, anh phải đối mặt với mức án tối đa lên đến 5.000 USD cùng 3 năm tù theo Đạo luật Phản loạn và một năm tù, 5.000 USD tiền phạt vì cung cấp thông tin sai sự thật lên cơ quan chức năng.

Bị sa thải do khoe ảnh nhạy cảm trên diễn đàn

Đầu năm nay, trưởng phòng đại diện Đài truyền hình Asahi, Nhật Bản ở Bangkok đăng ảnh khoe bộ phận nhạy cảm lên diễn đàn do Bộ Ngoại giao Thái Lan lập ra cho các nhà báo nước ngoài làm việc tại nước này.

Phương tiện truyền thông cho hay, nhà báo này ngoài 40 tuổi. Ông ta định chia sẻ ảnh cho bạn gái nhưng gửi nhầm lên diễn đàn. Ông đã xóa ngay nó khỏi diễn đàn khiến 150 thành viên khác không hiểu chuyện gì xảy ra, theo AFP.

Nhà báo Nhật Bản gây ra vụ bê bối vì gửi nhầm ảnh nhạy cảm lên diễn đàn trực tuyến. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Sau đó, Bộ Ngoại giao yêu cầu ông giải thích cho hành động này. Đài truyền hình Asahi buộc phải lên tiếng xin lỗi và sa thải nhân viên đã gây ra vụ việc xấu hổ trên.

Đây không phải lần rắc rối duy nhất liên quan đến tin nhắn nhạy cảm. Một trong những sự cố tai tiếng nhất xảy ra vào năm 2011 khi Anthony Weiner buộc phải rời Hạ viện, do thừa nhận sử dụng phương tiện truyền thông để gửi ảnh khiêu dâm tới một số phụ nữ.

Hai năm sau, vấn đề này lại được đề cập khiến Weiner đánh mất cơ hội trong cuộc chay đua ghế thị trưởng thành phố New York, Mỹ.

Gây phẫn nộ toàn cầu khi giết sư tử Cecil

Tháng 7 vừa qua, nha sĩ người Mỹ - Walter James Palmer - giết chết chú sư tử Cecil, biểu tượng của Vườn Quốc gia Hwange, Zimbabwe. Ông cùng thợ săn Theo Bronkhorst dùng mồi dụ Cecil ra khỏi khu vực an toàn, bắn nó bằng cung tên.

Hai người theo dõi quá trình Cecil đau đớn trong 40 tiếng rồi mới dùng súng kết liễu. Sau đó, Palmer còn chặt đầu, lột da con vật tội nghiệp.

Walter James Palmer (trái) trở thành đối tượng bị chỉ trích toàn cầu sau hành động giết sư tử Cecil. Ảnh: Twitter.

Hành động này khiến nha sĩ giàu có phải đền bù 50.000 USD. Nhưng quan trọng hơn, ông ta phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội.

Chỉ vài giờ sau vụ việc, gần 100.000 thông điệp kèm hashtag #CecilTheLion được đăng trên Twitter. 72 giờ sau, khoảng 1,5 triệu thông điệp yêu thương Cecil và chỉ trích nha sĩ lan tỏa tại mạng xã hội này. Mọi người không ngừng lên án hành động vô nhân đạo của Palmer.

Tài khoản Twitter, Facebook cùng trang web chính thức của phòng khám nha khoa River Bluff ở ngoại ô thành phố Minneapolis, Minnesota buộc phải đóng cửa trước sự chỉ trích kịch liệt từ dân mạng. Walter James Palmer trở thành đối tượng bị khinh miệt trên toàn cầu.

Đối mặt án tù vì ảnh cần sa trên Instagram

Cũng trong tháng 7, các nhà chức trách ở New Jersey buộc tội Connor Kennedy (20 tuổi) sau khi anh ta đăng hàng loạt ảnh chụp cùng cây cần sa trên Instagram.

Những bức ảnh chụp cùng cần sa trên Instagram giúp cảnh sát phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của Connor Kennedy . Ảnh minh họa: The Cannabist.

Thông qua thiết bị định vị, cơ quan chức năng phát hiện Kennedy bí mật trồng cần sa tại một vùng đất hoang. Tuy nhiên, đến nay, phía cảnh sát vẫn không tiết lộ mức án của chàng trai 20 tuổi này.

Mất việc do đăng video giả danh IS

Tháng 7 năm nay, ngân hàng HSBC Anh sa thải 6 nhân viên, sau khi những người này dựng video mô phỏng quá trình hành quyết tù nhân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và đăng nó lên Instagram.

Mặc dù chỉ xuất hiện trên mạng trong thời gian ngắn, video này vẫn khiến dân mạng phẫn nộ vì hành vi thiếu ý thức của nhân viên HSBC.

6 nhân viên HSBC bị sa thải vì dựng cảnh IS hành quyết tù nhân. Ảnh: Reuters.

Đại diện ngân hàng HSBC phải lên tiếng xin lỗi dư luận và gia đình các nạn nhân của IS, bao gồm hai nhân viên cứu trợ người Anh - David Haines và Alan Henning - bị IS chặt đầu.

Ảnh mẹ xích con gây phẫn nộ trên Facebook

Tháng 5 vừa qua, một phụ nữ Philippines gây phẫn nộ khi đăng hình xích con trai lên tài khoản cá nhân. Trong ảnh, đứa bé khoảng 1,5 tuổi hoàn toàn trần truồng, bị trói bằng xích sắt, đang bò cạnh bát thức ăn cho chó.

Theo tờ Inquirer, khoảnh khắc này được đăng kèm chú thích: "Chó cưng mới của tôi. Con tôi bị ném đá chết rồi. Nó nghe theo mọi lời tôi sai bảo. Cực kỳ buồn cười".

Cộng đồng mạng phẫn nộ vì hành động xích con cùng dòng chú thích vô lương tâm từ một bà mẹ. Ảnh: FB.

Hình ảnh khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc. Thông qua định vị, Bộ Phát triển và Phúc lợi Xã hội (DSWD) bắt người phụ nữ, kiểm tra sức khỏe cho cậu bé, sau đó gửi cậu đến trung tâm dành cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Chủ nhân tấm ảnh khai, cậu bé chơi cùng anh em họ tại khu vực có nhiều động vật nhỏ và bắt chước chúng. Cô ta chỉ chụp hình đăng Facebook như một trò đùa.

Trước sự chỉ trích từ cộng đồng mạng cùng sức ép pháp luật, bà mẹ này đã công khai xin lỗi. Tuy nhiên, cô ta vẫn phải đối mặt với án phạt vì bạo hành trẻ em. DSWD sẽ xem xét liệu cô có phù hợp để chăm sóc con trai hay không?

Blogger thiệt mạng do phản đối chủ nghĩa cực đoan

Trong tháng 5, blogger Ananta Bijoy Dash ở Bangladesh bị 4 gã đàn ông sát hại vì những bài viết phản đối chủ nghĩa cực đoan trên trang web Free Mind.

Đây là vụ tấn công gây tử vong thứ 3 nhằm vào blogger tại nước này, kể từ cái chết của tác giả Avijit Roy, người kiểm duyệt Free Mind, hồi tháng 2.

Ananta Bijoy Dash là blogger thứ 3 ở Bangladesh bị giết vì phản đối chủ nghĩa cực đoan. Ảnh: New York Times.

Các vụ giết người này liên quan đến cuộc tranh cãi đang phân Bangladesh thành hai luồng tư tưởng - chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa cực đoan.

Sau vụ việc, nhiều người bị bắt giữ vì lên tiếng ca ngợi hành vi sát hại các blogger phản đối tư tưởng cực đoan trên Internet.

Mất việc vì video trên Youtube

Một nữ hướng dẫn viên ở Vân Nam, Trung Quốc cũng gặp rắc rối vì mạng xã hội sau khi video quay lại cảnh cô khiển trách du khách bị đăng lên Youtube.

Trong clip dài 4 phút, nữ hướng dẫn viên mắng du khách "thiếu đạo đức và lương tâm", đồng thời dọa hủy chuyến đi tiếp theo của nhóm và vé khứ hồi nếu họ không bỏ ra ít nhất 3.000 nhân dân tệ để mua trang sức, đồ lưu niệm cho cô.

Nữ hướng dẫn viên du lịch ép du khách mua quà lưu niệm. Ảnh: Youtube.

Video nhanh chóng lan truyền trên mạng. Theo quan chức Cục Thực thi Pháp luật Du lịch Vân Nam, nữ hướng dẫn viên đã vi phạm quy định, bao gồm việc sử dụng ngôn ngữ lăng mạ và ép du khách mua sắm. Cục cũng thu hồi giấy phép hành nghề của cô​.

Công ty Du lịch Côn Minh Phụng Hóa - cơ quan chủ quản của nữ hướng dẫn viên - bị đình chỉ hoạt động, phải nộp phạt 20.000 nhân dân tệ.

Mất việc ngay khi đăng bài lên Facebook

Trong ngày đầu làm việc tại trung tâm chăm sóc trẻ em ở Mỹ, Kaitlyn Walls (27 tuổi) đã đăng lên Facebook: "Hôm nay, tôi bắt đầu công việc mới tại nhà trẻ nhưng tôi rất ghét nó. Tôi ghét việc bị vây quanh bởi những đứa trẻ".

Dòng trạng thái này nhận phản hồi tiêu cực từ cộng đồng mạng và ban lãnh đạo trung tâm. Kaitlyn Walls nhanh chóng bị sa thải.

Kaitlyn Walls đã đăng dòng trạng thái thiếu suy nghĩ về công việc mới trên Facebook. Ảnh: CBS.

Người phụ nữ 27 tuổi tỏ ra hối hận và than vãn trên trang cá nhân: "Ôi trời, tôi đã gây ra sai lầm nghiêm trọng. Tôi rất buồn, tuyệt vọng. Tôi sợ mình sẽ không tìm thấy công việc khác chỉ vì sự ngu ngốc này".

Thám tử vướng rắc rối vì video trên Youtube

Video trên Youtube cho thấy, viên thám tử liên tục chửi mắng tài xế taxi. Ảnh: Youtube.

Tháng 4 năm nay, thám tử Patrick Cherry (38 tuổi, ở New York, Mỹ) bị cưỡng chế chuyển khỏi lực lượng đặc nhiệm điều tra chống khủng bố Liên bang, sau khi video ghi lại cảnh ông tra hỏi tài xế taxi Uber - Humayun Chaudhry - bằng lời lẽ thiếu tôn trọng, đóng sầm cửa chiếc xe, nguyền rủa Chaudhry và bỏ đi bị đăng lên Youtube.

Ngoài việc kỷ luật Patrick Cherry, Cục cảnh sát cũng tổ chức đào tạo lại cách nhân viên tương tác với người dân, bao gồm việc hạn chế sử dụng ngôn ngữ thô tục, theo New York Times.

Người thiếu hiểu biết mới làm loạn Facebook tiếng Ả Rập

Một số tài khoản Việt đã dùng lời lẽ khiêu khích, thách thức trên trang Facebook tiếng Ả Rập tự nhận là IS và thực hiện vụ khủng bố hôm 13/11 tại Pháp khiến dân mạng bất bình.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm