Bốn loại gạo phổ biến hiện nay đều có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể. Ảnh: Foodpanda. |
Gạo là một trong những ngũ cốc được sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trên toàn thế giới. Gạo chứa chất xơ, carbohydrate, vitamin, khoáng chất, thậm chí một số protein và chất béo lành mạnh. Đây là loại ngũ cốc linh hoạt, có mặt ở khắp mọi nơi và được sử dụng trong nhiều món ăn.
Hiện nay, thế giới có nhiều loại gạo khác nhau dựa trên sự khác biệt như màu sắc, hương vị, cách chế biến và giá trị dinh dưỡng.
Gạo trắng
Là loại gạo phổ biến nhất, gạo trắng có mặt khắp nơi ở cửa hàng tạp hóa, siêu thị và là món ăn chính trên nhiều thực đơn của nhà hàng.
Gạo trắng là món ăn có giá cả phải chăng, dễ dàng kết hợp tốt với nhiều loại món ăn khác.
Gạo trắng phổ biến trên thế giới. Ảnh: Eat This. |
Gạo trắng có nhiều chất dinh dưỡng, thường chứa thêm sắt, thiamin (vitamin B1), niacin (vitamin B3) và axit folic. Nó được xay để loại bỏ không chỉ lớp vỏ bên ngoài mà còn cả lớp cám và mầm của nhân.
Gạo lứt
Gạo lứt là ngũ cốc nguyên hạt, cùng loại với yến mạch, lúa mì nguyên cám, hạt quinoa... Gạo lứt chứa cả 3 phần quan trọng của hạt: Cám, nội nhũ và mầm. Tuy nhiên, điều thú vị, gạo lứt chỉ có hơn 1,5 gram chất xơ trung bình cho mỗi khẩu phần ăn so với gạo trắng, tương tự các loại ngũ cốc nguyên hạt khác trên thị trường.
Gạo lứt giữ lại các chất dinh dưỡng mà gạo trắng thiếu như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Ảnh: Mashed. |
Gạo lứt thường được nhiều người sử dụng trong thực đơn ăn kiêng. Bên cạnh đó, gạo lứt hữu ích cho sức khỏe tiêu hóa, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường, ung thư, táo bón.
Gạo nếp cẩm
Gạo nếp cẩm còn được gọi là gạo tím, đen hoặc gạo hoàng đế, đã phổ biến trong các nền văn hóa phương Đông.
Gạo nếp cẩm có màu đen khi khô. Nhưng khi nấu chín, gạo chuyển sang màu tím. Loại gạo này đã được nghiên cứu về hàm lượng anthocyanins, một sắc tố flavonoid, có thể liên quan đến việc bảo vệ bệnh tim mạch, ung thư và bệnh thoái hóa thần kinh.
Gạo nếp cẩm không những giàu dinh dưỡng mà còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Allrice. |
Theo Eat This Not That, gạo nếp cẩm chứa nhiều chất xơ và protein hơn so với các loại gạo khác. Ngoài ra, gạo nếp cẩm còn chứa chất xơ, chất chống oxy hóa tương đương với quả việt quất hay quả mâm xôi, đặc biệt là nguồn vitamin E phong phú. Loại gạo này thường được dùng để nấu cháo, cơm trộn salad hoặc cơm rang.
Gạo đỏ
Gạo đỏ là loại lương thực ngũ cốc nguyên hạt, có màu đỏ đậm với kết cấu dai, hương vị hơi mặn và thơm.
Một số nghiên cứu đã xem xét tác dụng ức chế tích cực của gạo đỏ đối với tế bào ung thư bạch cầu, ung thư cổ tử cung và dạ dày do hàm lượng proanthocyanidin của nó.
Theo Healthshots, gạo đỏ là sự thay thế lành mạnh hơn cho các loại gạo trắng vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.
Gạo đỏ có tác dụng tuyệt vời trong các món ăn vặt, salad và súp. Ảnh: Eat This. |
Chất dinh dưỡng chính trong gạo đỏ là anthocyanin, một hợp chất tăng cường sức khỏe. Loại gạo này tạo nên màu đỏ đậm đà, đồng thời có khả năng giảm huyết áp, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, cải thiện thị lực và giảm tế bào ung thư.
Bên cạnh đó, nó còn có đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn. Gạo đỏ cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin B1, B2, hàm lượng canxi và sắt có lợi cho sức khỏe.