Kênh CNN gọi TP.HCM là "kinh đô của ẩm thực Việt Nam", nơi có đủ đặc sản của cả ba miền như bánh cuốn, bánh xèo, gỏi cuốn...
Bánh cuốn có nguồn gốc từ miền Bắc, được làm từ bột gạo, nấm, thịt lợn và hành. Bánh cuốn thường được sử dụng làm bữa sáng, ăn kèm cùng nước mắm, giá đỗ và vài lát dưa chuột. Ảnh: Huong Bui/ Youtube.
Cái tên “bánh xèo” được đặt theo âm thanh xèo xèo khi chế biến trên chảo. Loại bánh này có gần giống bánh crepe quen thuộc của phương Tây, nhưng có nhân là tôm, thịt lợn và giá đỗ.
Món bê thui được thực hiện bằng cách thui một con bê trên lửa cho đến khi da bị đen lại. Thịt bê được thái thành lát mỏng, cuốn trong bánh tráng cùng các loại rau gia vị, chuối xanh, khế chua, xoài xanh rồi chấm nước tương hoặc mắm nêm.
Gỏi cuốn là món ăn quen thuộc ở TP. HCM, từng xuất hiện trong nhóm “50 món ăn nổi tiếng thế giới” theo chuyên trang du lịch của CNN. Nguyên liệu cho món này gồm thịt lợn thái lát mỏng, tôm, bún, và rau sống như xà lách, bạc hà và hẹ. Tất cả được cuốn trong bánh tráng và chấm nước tương.
Bún bò Huế: Có nguồn gốc từ kinh đô Huế xưa, giống như tên gọi, bún bò Huế được tạo nên từ các nguyên liệu chính là bún, nước dùng từ xương bò, vài lát thịt bò. Món này được ăn kèm các loại rau gia vị như húng quế, hoa chuối
.
Hủ tiếu Nam Vang được chế biến từ sợi mì nhỏ và mỏng hơn so với mì phở. Nước dùng được nấu từ xương lợn, ăn cùng với tôm, gan lợn, trứng cút và hành lá. Món này thường được người dân Sài Gòn gọi vào bữa trưa.
Ốc là đồ ăn vặt hấp dẫn nhiều người, có thể chế biến thành nhiều món như ốc luộc, ốc xào me…
Bánh tráng trộn được coi là “một phát minh thực phẩm đường phố mới” của TP.HCM. Đó là hỗn hợp của bánh tráng thái sợi, hành phi, rau răm, bò khô xé sợi, trứng cút, đậu phộng…Tất cả được trộn đều cùng với các gia vị vừa miệng và có thể ăn kèm phồng tôm. Ảnh: An Huỳnh.