Ở thế kỷ 21, khám phá không gian, chế tạo robot, bảo vệ đại dương không còn là chuyện của riêng các nhà khoa học. Học sinh New Zealand ngay từ bậc phổ thông, đã được khám phá sở thích, thế mạnh của bản thân thông qua “những môn học của tương lai” đầy thú vị.
Hải dương học
Tại trường Trung học Whakatane, nghiên cứu về cá mập và đánh cá bền vững đã trở thành một phần trong chương trình học của học sinh.
Với lợi thế là trường gần biển, ngoài tìm hiểu trên lý thuyết về biển cả, cũng như các loài động vật biển nói chung, các em còn được trang bị kiến thức thông qua thực hành.
Thầy Mark Hanlen, giáo viên phụ trách bộ môn Hải dương học tại trường Whakatane, đã đưa lớp học ra ngoài giới hạn của 4 bức tường, bằng cách kết hợp với các doanh nghiệp tổ chức lớp học lặn.
Một trong những lớp học lặn của thầy Mark Hanlen. |
Không chỉ được cấp chứng chỉ lặn sau khi hoàn thành khóa học, học sinh còn hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của các yếu tố như thời tiết, khí hậu, nhiệt độ nước. Thông qua đó, các em có thể nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của môi trường biển đối với tình hình môi trường toàn cầu nói chung.
Chế tạo robot
Chế tạo robot khi còn ngồi ghế nhà trường ngỡ là chuyện không tưởng như trong bộ phim hoạt hình Phineas and Ferb. Tuy vậy, ở trường Lynfield College, ngay từ năm lớp 9, học sinh đã được tiếp cận bộ môn Chế tạo robot thông qua robot Lego, học về các thuật toán và lập trình. Khi lên đến lớp 12, 13, các em sẽ học về cơ chế điều khiển vi xử lý.
Sau khi kết thúc chương trình, các em sẽ được giao thực hiện một dự án thiết kế và lắp ráp robot đơn giản. |
Phá bỏ khái niệm máy móc và robot chỉ dành cho nam giới, ở trường nữ sinh St. Margaret’s College, các em gái được làm quen với robot từ năm lớp 6.
Với phương pháp dạy và học theo dự án, học sinh sử dụng những tấm bìa bỏ đi để dựng mô hình động vật có trong sách đỏ. Con voi máy có thể vẫy tai và nháy mắt hay chú cá voi máy có thể vẫy đuôi. Tuy đơn giản, đó là thành quả rất đáng nể đối với những cô bé mới 10 tuổi.
Khoa học về Trái Đất và Vũ trụ
Từ năm 2012, Khoa học về Trái Đất và Vũ trụ trở thành một môn học trong giáo trình cho học sinh lớp 12 và 13. Đây là bộ môn khá linh hoạt khi các trường có thể thiết kế giảng dạy những chương trình khác nhau để phù hợp với sự quan tâm, sở thích của học sinh. Các em có thể tìm hiểu về sóng thần, hoạt động của núi lửa, vấn đề rác thải nhựa ở đại dương, cũng như vòng đời của các hành tinh.
Khoa học về Trái Đất và Vũ trụ là bộ môn “mở đường” cho những bạn trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành khoa học mới nổi, giàu tiềm năng trong tương lai. |
Tại trường nữ sinh Nelson College, gần vịnh Tasman, học sinh sẽ được tham gia các hoạt động thực hành để hỗ trợ như tham gia làm sạch dầu loang trên biển, thí nghiệm đo mức độ axit hóa đại dương và quan sát hành tinh để tìm hiểu vấn đề về vũ trụ.
Học sinh khối lớp 10 của trường Onslow College được tham dự workshop về biến đổi khí hậu và gặp trực tiếp các chuyên gia trong ngành. Các em được xem Thin Ice - bộ phim tài liệu năm 2013 - với chủ đề biến đổi khí hậu.
Sau khi xem phim, cả lớp sẽ được thảo luận và đưa ra ý kiến dựa trên những kiến thức tổng hợp từ phim. Theo chân nhà địa chất Simon Lamb, học sinh sẽ có cái nhìn rõ hơn về thực trạng biến đổi khí hậu, cũng như hoạt động của các nhà khoa học khi nghiên cứu vấn đề này.
Tâm lý học
Tâm lý học luôn được coi là bộ môn quan trọng bởi nó tạo cơ sở để phát triển nghề nghiệp trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, marketing, quản lý và lãnh đạo.
Tại các trường học ở New Zealand, học sinh được nghiên cứu nhiều chủ đề thuộc tâm lý học như nỗi ám ảnh, định kiến, stress và các mối quan hệ. Học sinh thường xuyên được thực hiện những thí nghiệm để khám phá tư duy, cảm xúc và hành động của con người.
Trắc nghiệm tâm lý bằng cách trang trí bánh là một bài tập yêu thích của học sinh trường Nayland College. |
Học sinh lớp Tâm lý học của trường Nayland College áp dụng những bài trắc nghiệm tâm lý để phân tích bạn bè dựa trên cách họ trang trí bánh. Trong khi đó, các em ở trường Tawa College được đi cắm trại 3 ngày mà không sử dụng điện thoại di động.
Vào đầu ngày và cuối ngày, mỗi em đều thực hiện các bài kiểm tra tốc độ phản ứng, đo nhịp tim, sinh học, bài kiểm tra mức độ hạnh phúc và khả năng ghi nhớ.
Chia sẻ về trải nghiệm đặc biệt này, học sinh cho rằng đây là một chương trình thú vị, không chỉ giúp các em nhận ra giá trị của cuộc sống khi rời xa màn hình điện thoại, mà còn đem tới kiến thức quý giá về tâm lý con người.
Giáo dục môi trường
Nằm bên lề Công viên Quốc gia ở Đảo Nam New Zealand, trường Fiordland College đã có những đột phá trong việc giáo dục về môi trường. Không chỉ đem tới kiến thức trên sách vở, các em học sinh được tham gia vào những dự án thực tế ngoài cộng đồng: Lắp đặt hệ thống kênh mương, giảm khí thải của các phương tiện giao thông, kiểm soát côn trùng, thúc đẩy công bằng trong thương mại và nâng cao nhận thức văn hóa.
Tháng 3 vừa qua, học sinh và giáo viên trường Fiordland đã cùng thực hiện dự án có tên Whitiki te Huarere - đề xuất xây dựng công viên năng lượng sạch kết hợp nghệ thuật.
Công viên này sẽ trưng bày những sản phẩm liên quan năng lượng tái tạo, chiếu phim về môi trường và phát triển bền vững. Nguồn năng lượng cung cấp cho công viên này hoàn toàn là năng lượng sạch như mưa, gió và mặt trời.
Hình ảnh mô phỏng của công viên năng lượng từ dự án Whitiki te Huarere. |
Dự án đã lọt vào vòng chung kết của giải thưởng quốc tế Zayed về phát triển bền vững. Dù không giành chiến thắng chung cuộc, Whitiki te Huarere đã thành công trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lượng tái tạo.
Học để cân bằng cuộc sống
Nhịp sống nhanh của xã hội hiện đại khiến con người khó có thể cân bằng cuộc sống cá nhân. Theo nghiên cứu của trường Kinh doanh Harvard, trong tổng số 8 giờ làm việc, mọi người chỉ làm việc hiệu quả trong 2,8 giờ, trong khi lại check điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội 6 phút/lần và 30% khối lượng công việc phải xử lý ngoài giờ làm việc.
Đây là những con số đáng lo ngại bởi xã hội đang bị gắn liền các thiệt bị điện tử như màn hình máy tính, điện thoại thông minh, trong khi có ít thời gian để trải nghiệm cuộc sống thực.
St Paul’s Collegiate là một trong những trường học đi đầu khi đưa những bộ môn ngoại khóa vào chương trình học bắt buộc. Trong quá trình học, các em không được sử dụng iPad hay điện thoại di động. Thay vào đó, banj trẻ được học các kỹ năng thú vị như sinh tồn trong rừng, săn bắn, leo núi, chèo thuyền kayak và tổ chức một cuộc thám hiểm ngoài trời.
Học sinh dành nhiều thời gian cho hoạt động ngoài trời và học các kỹ năng thực tế, ví dụ như xây hang động tuyết để trú ẩn. |
Mục tiêu của các lớp học ngoại khóa này là đưa học sinh ra khỏi “vùng an toàn” để có thể trở nên chủ động, có trách nhiệm và biết cách gắn kết với tập thể - những kỹ năng, tính cách mà không mạng xã hội hay điện thoại thông minh nào có thể thay thế được.
Tại New Zealand, giáo viên luôn cố gắng để tận dụng các thế mạnh về địa lý để học sinh được trải nghiệm môn học ở mức tối đa. Với tinh thần tôn trọng sự khác biệt cá nhân, học sinh cũng được tự do lựa chọn những môn học thú vị dựa vào sở thích và thế mạnh của mình.
Là môi trường giáo dục đáng mơ ước với chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai hàng đầu, hàng năm, New Zealand thu hút hơn 100.000 học sinh quốc tế đến theo học. Mục tiêu của quốc gia này là giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự cho 40% doanh nghiệp toàn thế giới.
Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) sẽ mang mô hình lớp học kiểu mẫu New Zealand về Việt Nam trong triển lãm giáo dục New Zealand vào tháng 8/2019 sắp tới.
Lớp học được thiết kế phù hợp cho hai nhóm học sinh 12-16 tuổi và 17-20 tuổi. Phương pháp giảng dạy khai thác khả năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo của học sinh, thông qua đội ngũ giáo viên New Zealand có nhiều kinh nghiệm.
Triển lãm diễn ra lúc 8h-13h ngày 24/8 tại khách sạn Reverie Saigon, 22-36 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Học sinh đăng ký tham gia tại đây.
Ở Hà Nội, triển lãm diễn ra lúc 8h-13h ngày 25/8 tại khách sạn Melia, 44 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Học sinh đăng ký tham gia tại đây.