NHỮNG MÙA HOA HÀ THÀNH NGẬP TRÀN CẢM XÚC
Sen, gạo, sưa, bưởi, lộc vừng là những loài hoa mỗi khi nở thường thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người dân thủ đô, đặc biệt là lúc tiết trời chuyển mùa, lãng mạn.
Tháng ba hoa gạo
T
háng ba về ngập trời hoa gạo nở
Nhắc cho em nhớ lại chuyện chúng mình
Tặng cô bé bông hoa gạo đẹp xinh
Lời tỏ tình... anh trao từ dạo ấy.
Tháng ba về lòng bồn chồn đến vậy
Thấy bâng khuâng luyến tiếc chuỗi ngày qua
Những tháng ngày biền biệt ở chốn xa
Kỷ niệm cũ chắc gì người đã nhớ!
Cái xao xuyến của ngày đầu gặp gỡ
Cái thẹn thùng bỡ ngỡ buổi đầu tiên...
(Tác giả: Mami Vam)
Những trận gió cuối cùng của mùa đông lảng bảng trên phố cũng là khi thời tiết chuyển mình chuẩn bị cho một đợt giao mùa trong năm bắt đầu. Không khí đã bớt lạnh, nắng nhuộm vàng trở lại rất nhanh kịp hong ấm những cơn gió mùa thổi tràn lan trên phố vào sáng sớm.
Ở Hà Nội, muốn tìm nơi có nhiều hoa gạo nhất, bạn chỉ có cách ra khỏi nội thành, hướng về phía các làng quê. Thời điểm đầu tháng 3, các cây gạo đã điểm xuyết vài nụ hoa đỏ đầu tiên giữa những chênh vênh của thời tiết.
Các cây hoa gạo thường gắn liền với những con đường làng, đồng ruộng, ao cá hay các mái nhà rêu phong cũ kỹ. Một nhà nhiếp ảnh bảo muốn chụp cảnh hoa gạo đẹp, có hồn phải biết chờ đợi. Đó có thể là lúc một bà cụ đi qua, đám học sinh nô đùa dưới gốc cây hay con trâu con bò nhởn nhơ gặm cỏ xung quanh đó.
Người viết bài từng có khoảng thời gian tuổi thơ sống ở miền quê thuộc ngoại thành Hà Nội. Thời đó, đám trẻ nhỏ với đôi chân trần chạy nhảy khắp xóm làng thường chạy ra cây gạo ở phía gần đê, lấy cây chọc những bông hoa gạo đỏ ối đem về hoặc tập trung ngay gốc gạo lớn nhất làng nghịch đủ thứ trò. Có khi thì chơi đồ hàng, buôn bán, có lúc lại bắn bi.
Hoa gạo được đám trẻ nhỏ mang về làm thành chiếc vòng đội đầu hoặc vòng đeo tay cho đẹp. Mấy đứa con gái thì lại khác, cất đầy bịch hoa gạo rồi đem về nhà, lúc nào đi tắm thì bỏ ra, xé vụn rồi vứt vào trong bể, múc đầy nước rồi mới tắm.
Đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ Thanh Hóa về tới Hòa Bình, bạn có thể gặp rất nhiều cây hoa gạo. Những lùm hoa đỏ hòa lẫn vào với màu xanh tím của núi khi trời về chiều tạo nên một bức tranh rực rỡ, tương phản, đẹp mê hồn.
Anh Hải Nam, một thanh niên quê ở Chương Mỹ (Hà Nội) kể: "Ngày ấy, lớp mẫu giáo của chúng tôi bên cạnh ngôi đình, cứ mỗi sáng đến lớp hay mỗi giờ ra chơi là chúng tôi ùa ra nhặt những bông hoa gạo mới rơi, giơ tay quẹt quẹt vào áo rồi nảy từng cánh mà ăn. Hoa gạo khi ăn có chút vị ngọt và nhơn nhớt, đài thì cưng cứng và cảm giác rất no bụng".
"Đám trẻ con chia nhau từng cánh hoa gạo, vừa ăn vừa ngẩng đầu lên chờ tiếp những bông gạo rơi. Sau này, chúng tôi cũng lớn lên, những mùa hoa gạo lụi tàn rồi lại nở như một miền ký ức về một thời tuổi thơ chẳng thể nào quên được", người thanh niên nói.
Hoa lộc vừng
Ở Hà Nội, nếu không có sự xuất hiện của hai cây lộc vừng bên hồ Gươm mỗi khi nở rủ buông mành, rụng cánh trải thảm đầy mặt nước thì không ai nhớ loài hoa này ấn tượng như thế nào. Loài hoa này thường nở về đêm nhưng nếu bạn đến đúng lúc khi chiều tà hay buổi sáng sớm sẽ kịp chụp cho mình những bức ảnh rất đẹp. Hoa kết thành những sợi dây hoa dài óng màu sắc đỏ.
Mùa hoa lộc vừng thường bắt đầu từ tháng 6 cho đến hết tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch. Lúc này hoa nở liên tục, hết đợt này đến đợt khác, suốt mấy tháng.
Mỗi khi cây lộc vừng bên hồ Gươm nở, người dân và du khách đi qua thường đứng lại nhặt những bông hoa rồi xếp thành chữ. Loài hoa này nếu đưa lên mũi ngửi, bạn sẽ thấy mùi thơm thoang thoảng lạ lạ, không nồng, không ngát chỉ thanh thanh vừa đủ.
Nhiều người cho rằng lộc vừng là loài cây ưa nước, trồng ngoài bờ ao, nơi đầm lầy, lúc nào cũng ngập xung quanh mà cây vẫn phát triển, ra hoa đúng mùa. Có lẽ vì vậy lộc vừng đong đưa những chùm hoa bên hồ trở thành hình ảnh duyên dáng.
Hoa sen
Mùa sen thường bắt đầu từ cuối tháng 5 và kéo dài đến đầu tháng 9. Thời điểm tháng 6 hàng năm là lúc sen nở rộ nhất. Và trong nội thành Hà Nội giữa cái nắng chói chang, trong không khí oi nồng khó chịu buổi trưa, phố xá bỗng trở nên dịu dàng, tươi mát hơn nhờ những gánh hàng rong chở đầy hoa sen thơm ngát.
Sen là loài hoa duy nhất hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học, nhân sinh cao quý, là ý nghĩa về âm dương ngũ hành và sức vươn dậy của một ý chí sống mãnh liệt như dân tộc Việt. Cũng bởi vậy mà sen được lựa chọn là quốc hoa Việt Nam.
Hoa sen mọc trong bùn, sống trong bùn nhưng vượt lên khỏi mặt nước để hướng đến mặt trời đón ánh nắng ban mai, loài hoa vẫn tỏa hương tinh khiết mà không hề bị bùn làm ô nhiễm, vấy bẩn.
Mỗi độ hè về, các đầm sen bên hồ Tây lại nhộn nhịp cảnh giới trẻ tung tăng làm dáng. Có những người chỉ thích ngồi đây nhâm nhi một ly cà phê và ngắm trăng, thưởng hoa. Mùi sen quyện với mùi sương cũng khiến đầu óc họ thư thái hơn hẳn. Còn nếu muốn chụp ảnh sen đẹp, các tay máy có thể về các cánh đồng làng ở ngoại thành Hà Nội thậm chí là các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang thậm chí là TP.HCM để thả sức sáng tác.
Anh Vũ Minh Quân, nhiếp ảnh gia có nhiều ảnh hoa sen đẹp kể để có được những tác phẩm này anh phải canh thời gian tốt nhất để chụp. Trước đó anh Quân tìm hiểu khu đầm sen nào có hoa nở đẹp rồi tính toán ngày giờ. Có những lúc nhiếp ảnh gia này phải đi từ 4h sáng, căn thời gian tới nơi chụp cách 30 km vừa kịp 5h15. "Lúc này ánh sáng đầu tiên rọi vào, đó là thời điểm đẹp nhất", anh Quân nói.
Hoa bưởi
Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ .
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa .
Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay ,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm ,
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi ,
nào ai đã một lần dám nói ?
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ .
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu .
(Phan Thị Thanh Nhàn)
Tháng ba không chỉ có hoa gạo. Khắp các góc phố Hà Nội đâu đó là những gánh hàng rong bán hoa bưởi thơm ngào ngạt.
Những vùng đất ven đô hay vùng thôn quê dân dã, có lẽ nhiều người chẳng để ý lắm tới hoa bưởi bởi với họ nó đã quá quen thuộc, là cây ăn quả phổ biến trong vườn. Thế nhưng, với người ở phố, hoa bưởi lại trở thành loài hoa được yêu thích.
Vài cơn gió vi vu thổi nhẹ đưa hương thơm phảng phất khắp nhà khiến lòng người cũng bất chợt rưng rưng... Với nhiều người thành phố, mùa hoa bưởi về theo gánh hàng rong. Từng chùm hoa trắng ngần, được chị gánh hàng rong cẩn thận bày trên chiếc mẹt xinh xinh. Muốn mua thì mang túi bóng, mang cân ra đong ra đếm chứ chẳng được thích thì tự do ra cây ngắt vài chùm như ở miền quê.
Hoa bưởi trắng ngần trĩu trịt trên cành mang mùi thơm dịu mát cùng bao nỗi nhớ thuở ấu thơ. Hoa bưởi không rực rỡ, không ngào ngạt, nhẹ nhàng tinh khiết như người thôn nữ, bình dị tỏa hương. Giữa cái nắng vàng của mùa xuân, giữa cuộc sống tấp nập chốn thị thành, không ít người thèm lắm được trở về khu vườn quê, để lại được thấy mùa hoa bưởi về, để sống lại những kỷ niệm.
Qua những ngày rét ngọt mùa đông, qua những cơn mưa xuân lất phất, tháng Ba, hoa bưởi theo gánh hàng lam lũ vào phố. Hoa bưởi nồng nàn, tô sắc điểm hương thêm thắt đầy thi vị, trong cái mong manh của hoa ban, hoa sữa...
Người thành phố, vì thèm cái mùi hương thơm mát, dịu dàng của hoa bưởi mà mua vài chùm để ngửi. Có người thì mua về để ướp chè mạn, nấu chè hay hấp mía cho thơm hoặc cũng có thể xin thêm vài cái lá bưởi lót dưới những chùm hoa về để làm nước gội đầu cho nhớ về thời xa xưa.
Hoa sưa
Tháng ba, những con đường phủ đầy một màu trắng hoa sưa, làm ngẩn ngơ lòng người giữa tiết trời nhẹ nhàng êm ái. Dưới những tán sưa, ai đó đang ngước lên mơ màng, nhìn mùa xuân bằng đôi mắt trong veo. Đâu đó một cô gái mặc váy xanh dịu dàng xuống phố, đón những mùa hoa đi thật chậm.
Một đêm sau Tết, ta đi trên đường phố Hà Nội và chợt nhận ra những đám sương mù trắng bạc quẩn quanh nơi góc phố, hàng cây. Đó là khi hoa sưa bung nở. Những cây sưa trên các góc phố Hà Nội khoác trên mình tà áo xanh non và điệu đà rắc những cánh hoa trắng xuống người đi đường.
Mặt đường loáng nước và chậm chậm rơi xuống gương mặt người những giọt sương nhỏ li ti. Nghe như trong gió lạnh tiếng vỏ cây nứt vỡ, tiếng chồi non cựa mình. Một mảnh non tơ, vàng nhạt, xanh lá mạ, hồng tía của những rặng cơm nguội, cây sưa và cây bàng già trước cổng ngôi trường cũ.
Hoa sưa có nhiều trên trục đường Hoàng Hoa Thám, bên trong công viên Bách Thảo. Tản bộ từ phía ngã ba Ngọc Hà về phía đường Quán Thánh, vào mùa sưa bạn dễ dàng giẫm chân lên những tấm thảm trắng muốt. Đó là lúc những bông hoa sưa rụng. Khi đứng dưới cây hoa sưa nở bông trắng xóa bạn sẽ có một cảm giác khác lạ.
Nhìn từ xa, hoa sưa như được phủ một lớp tuyết trắng, loại tuyết khô và bông. Nhưng sau những búi hoa trắng tinh, thanh khiết đó là những chấm lá xanh rờn. Lá sưa nhỏ, bản bé và mỏng, sắc xanh rờn pha một chút vàng mượt. Mùa của sưa thanh thanh, nhè nhẹ gợi hình dung về một nơi nào đó mênh mang mà yên bình.
Bây giờ tháng mấy hả em
Để anh ngơ ngẩn tìm những bông hoa trăng trắng
Ngước mắt lên cao, nhìn qua kẽ nắng
Thấy chưa…em… bóng dáng hoa sưa…
Đã ai nghe câu chuyện của hoa
Cô gái đợi chàng trai…mùa sưa trắng
Cánh hoa tàn…phố xưa vẫn vắng
Ngẫm ngợi gì , ngơ ngẩn gọi là xưa….
Cây âm thầm…lặng lẽ đứng nắng mưa…
Cả năm ròng đợi tháng ba hé nụ
Hoa như ngọc, nở trắng khung cửa
Lấp ló nhà ai…cô gái dậy thì…
Nhưng sao em đến đi vội vàng thế
Bước qua tôi, chưa kịp nói làm quen
Để xác hoa rụng trắng cả mặt thềm
Hà Nội nhỏ, phố trắng, trắng cả tôi...
(M.Love.M)