Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Những nạn nhân của giáo viên khoe quyền lực và bám trend TikTok

Tưởng chừng vô hại, các video giáo viên khoe quyền lực, "tố" học sinh, "rủ" học sinh "đu trend" TikTok lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ và phụ huynh.

Học sinh và phụ huynh vô tình trở thành những nạn nhân của giáo viên thích khoe quyền lực, "đu trend" TikTok. Ảnh: Minh Uyên.

Sau khi xem các video hiển thị từ kết quả tìm kiếm "quyền lực giáo viên", "đu trend cùng học sinh", "đi dạy áp lực quá" trên TikTok, thạc sĩ Lê Minh Huân - giảng viên Tâm lý học ở Đại học Sư phạm TP.HCM - nhận định thoạt đầu, các video này sẽ khiến người xem cảm giác giáo viên rất vui tính, cởi mở và có vẻ gần gũi với học sinh.

Tuy nhiên, xét trên phương diện giáo dục, đa phần video lại cho thấy giáo viên đang vi phạm các nguyên tắc sư phạm căn bản như: Tôn trọng nhân cách học sinh, mẫu mực, đồng cảm, thiện ý... Ngoài ra, an toàn và bí mật đời tư của trẻ cũng có nguy cơ bị xâm phạm/đe dọa.

Thiếu tôn trọng học sinh

Chia sẻ với Zing, thạc sĩ Giáo dục học Chế Dạ Thảo - Trưởng bộ môn kỹ năng ở Đại học Công nghệ TP.HCM - không quá bất ngờ về sự xuất hiện của các video chứa những nội dung giáo viên khoe quyền lực, "tố" học sinh hay "rủ" học sinh "đu trend" trên TikTok.

Thạc sĩ Thảo thông tin các video này đang ngày càng phổ biến, thậm chí, chúng còn xuất hiện ở tất cả cấp học. Bà Thảo không đánh đồng các video có nội dung liên quan đến giáo viên quay cùng học sinh trong lớp là xấu. Tuy nhiên, thạc sĩ Thảo đặt nghi vấn "liệu giáo viên đã được học sinh, phụ huynh cho phép đăng tải thông tin, hình ảnh của các em lên trên mạng xã hội này chưa?".

Theo bà Thảo, quyền riêng tư của trẻ đang bị giáo viên xâm phạm ở nhiều video. Trong đó, đối với video "đi dạy áp lực quá" vì học sinh là con hiệu trưởng, con thư ký hội đồng trường, con của đại gia bất động sản, con của công an... trên tài khoản TikTok @vinh_hy_ho; bà Thảo cho biết giáo viên đã không tôn trọng quyền riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ.

"Trẻ có quyền đồng ý hoặc không đồng ý xuất hiện trong nội dung trên nền tảng mạng xã hội của giáo viên. Các thông tin cá nhân, thông tin gia đình mà giáo viên chia sẻ là điều cấm kỵ", thạc sĩ Thảo nói.

Bên cạnh đó, thạc sĩ Thảo nhận định việc nhiều giáo viên sử dụng từ "áp lực" trong các video có nội dung "đi dạy áp lực quá", đôi khi còn khiến trẻ hiểu sai và nghĩ rằng mình là nguyên nhân gây ra "áp lực" cho thầy, cô giáo.

Trong khi đó, ở các video giáo viên "đu trend cùng học sinh", thạc sĩ Lê Minh Huân đánh giá chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm đến lợi ích cá nhân, quyền riêng tư của trẻ hoặc vi phạm Luật trẻ em, công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Theo ông Huân, việc huy động học sinh "đu trend" TikTok sẽ không có gì cần cấm cản nếu giáo viên đảm bảo các yêu cầu: Không thực hiện trong giờ học, không xách động học sinh vào những tư tưởng/hành vi xấu, phụ huynh đồng ý, học sinh tự nguyện tham gia và mục đích làm video trong sáng, vui tươi...

Ngược lại, các video không đảm bảo những yêu cầu nêu trên hoặc chứa hành vi không chuẩn mực của giáo viên và học sinh có thể ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, sức khỏe tâm thần của trẻ và liên lụy cả phụ huynh.

Riêng với những video giáo viên thể hiện quyền lực, thạc sĩ Lê Minh Huân cho hay trên thực tế, một giáo viên có chuyên môn, kỹ năng sư phạm tốt, hiểu tâm lý học sinh và tôn trọng nghề nghiệp sẽ hiếm khi nhắc tới hay lạm dụng chữ "quyền lực". Việc gán ghép chữ "quyền lực" với nghề giáo vốn dĩ dễ tạo cảm giác khiên cưỡng và không phù hợp.

Giao vien khoe quyen luc anh 1

Video giáo viên khoe quyền lực thu về hàng nghìn lượt xem trên TikTok.

Trẻ vô tình trở thành tâm điểm bình luận trên mạng xã hội

Không chỉ bị ảnh hưởng về quyền riêng tư, thạc sĩ Chế Dạ Thảo thông tin các video tưởng chừng vô hại của giáo viên còn tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ trở thành nạn nhân của "vòng xoáy" bình luận trên mạng xã hội.

"Dù nội dung video của giáo viên chỉ mang định hướng giải trí, vui vẻ, thực tế, chúng có thể khiến trẻ phải đối mặt với nhiều ý kiến trái chiều. Trẻ vô tình bị lôi vào những bình luận không đáng có, thậm chí trở thành tâm điểm bàn luận của cộng đồng mạng", bà Thảo nói.

Lo lắng này của thạc sĩ Chế Dạ Thảo là hoàn toàn có cơ sở khi các video giáo viên "đu trend cùng học sinh" trên TikTok nhận về nhiều bình luận mang tính chất so sánh, bình phẩm ngoại hình của học sinh.

Điển hình như video của chủ tài khoản TikTok @duaphu - quay lại cảnh 3 học sinh nữ nhảy trên nền nhạc sôi động với tiêu đề "khi bạn muốn đú trend nhưng còn ngại, bạn áo cam 10 điểm tự tin luôn".

Chỉ với tiêu đề khen học sinh mặc áo cam 10 điểm, giáo viên này đã vô tình tạo cơ hội để cộng đồng mạng bình luận khen, chê, so sánh học sinh một cách thoải mái như: "Áo hồng chê", "áo trắng, áo hồng không xinh bằng áo cam", "thích bà áo cam hơn", "áo cam xinh", "áo cam với áo trắng 10 điểm, áo hồng chê"...

Thậm chí, khi xuất hiện các bình luận nêu trên, thay vì lên tiếng bảo vệ học sinh, cô giáo lại trả lời bằng biểu tượng cảm xúc (cười, ngạc nhiên) và câu nói quen thuộc "follow (theo dõi) cô để xem nhiều video hơn nhé".

Giao vien khoe quyen luc anh 2

Video của tài khoản @duaphu và loạt bình luận mang tính chất so sánh, khen, chê học sinh.

Thạc sĩ Chế Dạ Thảo cho rằng việc một đứa trẻ trở thành tâm điểm của các bình luận trên mạng xã hội ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng đến các em và phụ huynh.

"Nếu một đứa trẻ thường xuyên được khen, chúng ta không bàn tới. Nhưng ngược lại với một đứa trẻ ít được ghi nhận hoặc bị so sánh thì phụ huynh sẽ có chút tủi thân. Họ cũng có cảm giác không bảo vệ được con - khi trẻ vô tình bị lôi vào những bình luận trái chiều không đáng có", thạc sĩ Thảo nói.

Ngoài các bình luận mang tính chất so sánh, khen, chê ngoại hình trẻ; ở nhiều video "giáo viên đu trend cùng học sinh", Zing còn ghi nhận có không ít bình luận hưởng ứng, ủng hộ giáo viên tiếp tục thực hiện các video "đu trend" khác. Trong khi những video này không sử dụng nhạc phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Cụ thể như các video của tài khoản @hoanglethaison123 - người được cộng đồng mạng bình luận là "thầy". Chỉ với việc rủ học sinh "đu trend" nhảy nhót để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng mạng, dù lời bài hát không phù hợp với học sinh, người "thầy" này vẫn có thể thu về hàng nghìn lượt yêu thích, chia sẻ và bình luận trên TikTok.

Giao vien khoe quyen luc anh 3

Những video "đu trend cùng học sinh" theo yêu cầu của người bình luận trên tài khoản @hoanglethaison123.

Thạc sĩ Lê Minh Huân cho biết các bình luận nêu trên vô hình trung đã "tạo động lực" cho giáo viên sáng tạo/quay nhiều video hơn. Ngoài ra, chúng còn thúc đẩy giáo viên tiếp tục khai thác, nhắm đến học sinh được mọi người yêu cầu quay video, bất kể đứa trẻ có ý thức đầy đủ về hành vi, lời nói, cảm xúc của mình hay không.

Theo thạc sĩ Huân, ở trường hợp này, nếu xảy ra sự việc không hay như lộ hình ảnh, thông tin cá nhân, học sinh vạ miệng, tiết lộ bí mật đời tư hay bị chỉ trích thay vì khen ngợi... trẻ sẽ không thể tự bảo vệ bản thân. Khi video được đăng lại bởi nhiều người khác mà chủ tài khoản không thể kiểm soát, giáo viên cũng vô phương bênh vực các em.

Phụ huynh cũng trở thành nạn nhân

Theo thạc sĩ Chế Dạ Thảo, mỗi phụ huynh đều mong muốn con của mình được học tập trong một môi trường giáo dục tích cực, công bằng. Không cha mẹ nào muốn trẻ trở thành tâm điểm bàn luận và nhận về những ý kiến so sánh của người khác, thậm chí là những người không hề quen biết.

Thạc sĩ Lê Minh Huân thông tin việc giáo viên "âm thầm" quay hình học sinh hoặc phụ huynh - sau đó đăng tải lên mạng xã hội mà không hề xin phép - còn khiến phụ huynh ngỡ ngàng vì cộng đồng mạng "nhìn mặt" con cái, "bắt hình dong" cha mẹ.

Đối với những nội dung video mang tính chất tích cực, người lạ mặt sẽ nhận ra và khen ngợi "cha mẹ khéo dạy, khéo nuôi con" hoặc bày tỏ sự mến phục. Ngược lại, khi các video bị "đẩy" sang hướng tiêu cực, nhiều người lại tìm tài khoản phụ huynh, số điện thoại, số nhà để thực hiện hành vi chỉ trích, chê bai, bình phẩm dù người trong cuộc còn không hiểu cớ sự gì.

Thạc sĩ Lê Minh Huân cho biết từng có những phụ huynh phải chuyển trường cho con, chuyển nhà, hoặc nơi làm việc chỉ vì sự "tấn công" đa chiều từ cộng động mạng khi con cái họ xuất hiện trên các video vốn dĩ được giáo viên/người khác đăng tải với mục đích ban đầu là giải trí.

"Nhiệm vụ của giáo viên là 'dạy chữ, dạy người' nhưng không tách rời lý thuyết với thực tiễn, cập nhật sự tiến bộ xã hội vào bài dạy. Dù không quá cần thiết phải thực hiện các video theo trào lưu giới trẻ, thầy cô vẫn có thể 'đu trend'. Song, vấn đề ở đây là phải có tính sư phạm, giáo dục. Bởi bản chất của chữ sư phạm là 'mô hình mẫu mực từng li, từng tí để làm thầy', giáo viên không được quên và vi phạm", ông Huân nói.

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Giáo viên khoe quyền lực, ‘tố’ học sinh trên TikTok

Nhiều giáo viên mầm non, tiểu học biến TikTok này thành nơi khoe quyền lực, thậm chí quay clip lúc học sinh đang học bài, ngủ trưa.

Minh Uyên

Bạn có thể quan tâm