Hành trình làm mẹ là một điều thiêng liêng, với những niềm vui, nỗi buồn và vô vàn bỡ ngỡ cho những người lần đầu được nâng niu con yêu trong vòng tay của mình.
Bỗng một ngày, từ là “sếp” của chính mình, tung tẩy váy vóc, thức đêm xem phim... cuộc sống của những người phụ nữ được thăng chức “mẹ” hoàn toàn bị đảo lộn. Toàn bộ thế giới của họ thu nhỏ lại chỉ bằng một đứa nhóc - “sếp” lớn nhất trong nhà, với đủ những niềm vui, khoảnh khắc hạnh phúc, và những giây phút lúng túng, mệt nhọc, rối bời.
Với những người lần đầu làm mẹ, chắc hẳn cảm giác đầu tiên khi được da kề da với con là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi, ngay cả những cơn đau vì sinh thường hay sinh mổ cũng trở nên mờ nhạt khi nhìn thấy gương mặt bé bỏng của con. Kể từ đó, “bà chủ” của cuộc đời bỗng trở thành một nhân viên cao cấp, chịu trách nhiệm cho một vị sếp nhỏ xíu nhưng có thể khiến mẹ cười hay khóc dễ như trở bàn tay.
Những khoảnh khắc con yêu ngủ ngon, gương mặt nhỏ xinh an lành, hay những khi con cười, mắt sáng ngời nhìn mẹ... khiến cho mọi phụ nữ đều cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế gian. Từng cử chỉ, từng bước phát triển của con, dù là nhỏ nhất, đều là những dấu mốc đáng nhớ trong lòng mẹ. Có những người mẹ ghi lại hình ảnh của con từng ngày, để sau này có thể dành hàng tiếng đồng hồ ngồi ngắm đôi má bầu bĩnh hay lúc “thế giới nhỏ” của mình hờn dỗi và cười một mình.
Cảm giác bế con trên tay sau hơn 9 tháng dài đằng đẵng đủ để khiến những người mẹ mỉm cười. Niềm hạnh phúc của mẹ đơn giản là con lớn lên hàng ngày, yên lành và vui vẻ.
Trước khi sinh, phần lớn bà mẹ đã được chuẩn bị tinh thần với những lớp học tiền sản, kinh nghiệm của những người đi trước và sách báo, thông tin trên mạng... Tuy nhiên, khi bước vào hành trình nuôi con thực tế, nhiều người không khỏi lúng túng, bỡ ngỡ trước nhân vật chưa biết thể hiện ý muốn bằng lời nói.
Có thể nói, hành trình làm mẹ giống như hành trình của những lựa chọn mà người mẹ phải đi từng bước thật cẩn trọng, để đảm bảo cho con có những ngày đầu đời tuyệt vời nhất. Ngay cả khi vết mổ hay vết khâu vẫn còn đau, “nhân viên” mẹ mẫn cán đã phải thức đêm cho con ăn, trông chừng con mỗi khi con sốt. Dù có sự hỗ trợ của người thân, trái tim mẹ vẫn không ngừng lo lắng, băn khoăn cho từng miếng sữa, từng giấc ngủ của con.
Một trong những điều khiến người mẹ đau đầu nhất là “ma trận” những lời khuyên, từ chuyện con ăn, con đi vệ sinh tới chuyện uống thuốc, vận động... Những phụ nữ trẻ thường đùa rằng làm mẹ cần có bản lĩnh, đó là bản lĩnh “chống lại” người đi trước, bởi không phải kinh nghiệm gì cũng hợp lý. Điều quan trọng nhất là các mẹ cần hiểu được con mình. Mỗi bé sẽ có những đặc điểm, tính cách và cơ thể riêng, điều áp dụng được với bé này không có nghĩa là sẽ hiệu quả với bé khác.
Đơn cử như chỉ riêng việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng đã kèm theo đủ mọi rắc rối, từ sữa ít khiến các mẹ phải cắn răng bị nhồi nhét, tới chuyện tắc sữa, sữa nóng khiến con chậm lớn... Để có thể cho con hưởng trọn vẹn dòng sữa mẹ mát lành, nhiều người đã phải tốn bao thời gian, công sức và thậm chí là nước mắt.
Những mẹ nhiều sữa cũng có những nỗi khổ riêng. Sữa chảy ra ngoài ướt áo, vừa bất tiện, vừa khiến mẹ mất tự tin vì người lúc nào cũng đầy mùi sữa. Tất nhiên, lúc này mẹ có thể nhờ đến một trợ thủ đắc lực là miếng lót thấm sữa, nhưng phải chọn đúng loại mềm mại, thấm tốt mà không gây cảm giác bí bách, khó chịu.
Những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến mẹ hao tâm tổn sức, từ nhiệt độ phòng có đủ ấm cho con khỏi ho, có đủ thoáng cho con khỏi đổ mồ hôi... đến chiếc đệm trên nôi có đủ mềm cho con thoải mái. Ngay cả chuyện tã của con cũng là một điều khiến mẹ phải băn khoăn chọn lựa.
Khí hậu ở Việt Nam khiến ưu tiên hàng đầu khi chọn tã phải thật mỏng nhẹ và thoáng, do các loại tã giấy dày và bí sẽ rất dễ khiến bé bị hăm, đặc biệt là trẻ sơ sinh có làn da non nớt. Nhiều bà mẹ phải đổi đến 3 - 4 loại tã, thậm chí phải nhờ người xách tay về để dùng cho con. Để rồi khi tìm được loại tã có độ mỏng và thấm hút tốt, màng vải thun co giãn 360 độ ôm vừa vặn cơ thể bé, giúp bé thoải mái vận động, còn làn da “thiên thần nhỏ” luôn khô ráo, mịn màng thì mẹ mới gỡ bớt được một mối lo trong lòng.
Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng vì cả ngày phải quanh quẩn bên “sếp” nhỏ của mình, ngay cả những việc bình thường như cho ăn hay thay tã cũng khiến mẹ cảm thấy áp lực. Một bí quyết của những người làm mẹ là hãy biến những điều đó thành khoảnh khắc gắn kết giữa mẹ và bé. Ví dụ, khi thay tã, mẹ có thể hát, vui đùa hay massage nhẹ nhàng cho bé, bật nhạc vui tươi cho cả mẹ và bé cùng nghe. Thay vì cố gắng trở thành một người mẹ hoàn hảo, hãy tìm cách trở thành một bà mẹ hạnh phúc, để mỗi ngày của con là một kỷ niệm ngọt ngào với mẹ.
Khi “sếp” nhỏ xuất hiện trong thế giới, người mẹ sẽ phải học cách thay đổi trật tự những điều được ưu tiên, lịch sinh hoạt và thậm chí cả những mối quan hệ. Bạn sẽ phải làm điều đó trong lúc thiếu ngủ, hormone mất cân bằng và cả những khó chịu về thể chất.
Ngay cả những bé con cũng sẽ có những thay đổi của riêng mình và đem đến cho mẹ không ít thử thách. Tuy nhiên, đừng lo lắng, hãy lựa chọn theo những gì bé cần và bản năng, kiến thức khoa học của người mẹ, mọi chuyện sẽ dần đi vào quỹ đạo an lành.
Sợi dây kết nối giữa bé và mẹ không biến mất khi con chào đời, mà sẽ ngày càng bền chặt hơn theo thời gian. Chỉ những người làm mẹ lần đầu mới có thể thấu hiểu hạnh phúc đôi khi chỉ nhỏ như một nụ cười, một cái chun mũi hay bàn tay nhỏ xíu nắm lấy ngón tay mẹ thật chặt. Dù có khó khăn, dù đôi khi bật khóc, những “nhân viên” mẹ sẽ không nề hà làm tất cả vì con, thế giới nhỏ xíu nhưng quan trọng nhất trong cuộc đời.