Hầu hết trường hợp liên cầu khuẩn nhóm A đều nhẹ và dễ điều trị nhưng cũng có bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng hơn. Ảnh: Everydayhealth. |
Liên cầu khuẩn nhóm A hay Strep A (GAS) là loại vi khuẩn phổ biến có thể tìm thấy trong mũi, họng và trên da. Hầu hết trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A đều nhẹ và dễ điều trị, nhưng một số trường hợp nghiêm trọng hơn.
Triệu chứng điển hình
Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), các triệu chứng phổ biến của liên cầu khuẩn nhóm A bao gồm:
- Các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn sốt cao, sưng hạch hoặc cơ thể đau nhức.
- Đau họng (viêm họng liên cầu khuẩn hoặc viêm amidan).
- Phát ban có cảm giác sần sùi, giống giấy nhám (ban đỏ).
- Vảy và lở loét (chốc lở).
- Đau và sưng (viêm mô tế bào).
- Đau cơ nghiêm trọng.
- Buồn nôn và ói mửa.
Nhiễm trùng Strep A phổ biến hơn ở trẻ em, nhưng đôi khi người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Hầu hết trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A đều không nghiêm trọng và có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, đôi khi nhiễm trùng có thể biến chứng nghiêm trọng, được gọi là liên cầu nhóm A xâm lấn (iGAS).
Cách Strep A lây lan
Nhiễm trùng Strep A lây lan khi tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Chúng có thể lây truyền qua ho và hắt hơi hoặc từ vết thương. Những vi khuẩn này lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi và họng của người bị nhiễm bệnh hoặc với các tổn thương da bị nhiễm bệnh. Nguy cơ lây lan cao nhất khi một người bị ốm, chẳng hạn khi bị viêm họng liên cầu khuẩn hoặc vết thương bị nhiễm trùng.
Ở một số người, vi khuẩn sống trong cơ thể mà không gây ra triệu chứng hoặc khiến họ cảm thấy không khỏe. Nhưng họ vẫn có thể truyền vi khuẩn cho người khác.
Đau họng là một trong những triệu chứng điển hình khi bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Ảnh: Racgp. |
Các yếu tố rủi ro
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), liên cầu khuẩn nhóm A có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Rất hiếm gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi.
Yếu tố rủi ro phổ biến nhất là tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Người lớn có nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Cha mẹ của trẻ em trong độ tuổi đi học.
- Người lớn thường xuyên tiếp xúc với trẻ em.
Sự đông đúc, chẳng hạn ở trường học, cơ sở huấn luyện quân sự và nhà trẻ, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Những trường hợp có nguy cơ cao hơn bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A bao gồm:
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Có vết loét hoặc vết thương hở.
- Mắc một số bệnh nhiễm virus, chẳng hạn cảm lạnh hoặc cúm.
Phần lớn trường hợp nhiễm GAS là những bệnh tương đối nhẹ, chẳng hạn viêm họng liên cầu khuẩn và bệnh chốc lở. Tuy nhiên, đôi khi những vi khuẩn này có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng hơn nhiều, thậm chí đe dọa đến tính mạng, biến chứng thành liên cầu khuẩn xâm lấn (iGAS). Bệnh này có thể bao gồm:
- Viêm mô tế bào nhiễm trùng máu.
- Viêm cân hoại tử.
- Viêm phổi.
- Hội chứng sốc nhiễm độc liên cầu khuẩn (STSS).
Những người mắc bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường và lọc máu thận hay người sử dụng thuốc như steroid có nguy cơ cao hơn bị iGAS. Ngoài ra, các vết nứt trên da, chẳng hạn vết cắt, vết thương do phẫu thuật hoặc thủy đậu, người từ 65 tuổi trở lên và người lớn có tiền sử lạm dụng rượu hoặc tiêm chích ma túy cũng có nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn cao hơn.
Cách phòng ngừa
Nhiễm trùng như liên cầu khuẩn A có thể dễ dàng lây sang người khác. Để giảm nguy cơ mắc hoặc lây lan bệnh nhiễm trùng, bạn nên:
- Tránh tiếp xúc gần với người mà bạn biết là bị nhiễm bệnh.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi ho và hắt hơi và trước khi chuẩn bị thức ăn hoặc ăn uống.
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.
- Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng càng nhanh càng tốt.
Người bị nhiễm bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh trong 12 giờ sẽ hạn chế khả năng truyền vi khuẩn của họ. Vì vậy, những người bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A nên nghỉ làm, đi học hoặc đi nhà trẻ, cố gắng ở nhà cho đến khi hết sốt và ít nhất 12-24 giờ sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh thích hợp.
Bạn có thường xuyên quên để điện thoại ở đâu? Không nhớ ra mình đã khóa cửa nhà chưa? Hay quên cuộc hẹn quan trọng với đối tác? Bạn băn khoăn và lo lắng liệu có phải mình bị suy giảm trí nhớ hay không?
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ các giải pháp giúp bạn cải thiện trí nhớ hiệu quả. Ngoài ra, cuốn sách cũng tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.