Viêm họng liên cầu khuẩn có thể khiến trẻ bị sốt. Ảnh: OSF HealthCare. |
Trang OSF HealthCare thông tin thời điểm chính của mùa viêm họng liên cầu khuẩn là từ tháng 12 đến tháng 4. Các chuyên gia đang cảm thấy lo ngại khi các trường hợp mắc viêm họng liên khuẩn cầu mới đều ở mức độ nghiêm trọng hơn. Đáng báo động, vào thời gian gần đây, 2 trẻ em dưới 10 tuổi ở trung tâm Illinois (Mỹ) đã chết do nhiễm trùng liên cầu khuẩn.
Dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm
"Các trường hợp mắc viêm họng liên cầu khuẩn có thể bị nhiễm trùng máu. Trong đó, nhiễm trùng xâm lấn do vi khuẩn Strep nhóm A gây ra đang chiếm ưu thế ở nhiều trường hợp. Xâm lấn có nghĩa là vi trùng xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể - nơi mà bình thường không có vi trùng", bà Jamie Almasy, Giám đốc Phòng chống Nhiễm trùng của OSF HealthCare, nói.
Theo bà Almasy, việc ngăn ngừa viêm họng liên cầu khuẩn không phải là câu chuyện đơn giản. Nó nằm ở thói quen cơ bản của mỗi người. Bà khuyên mọi người nên rửa tay sạch sẽ, che miệng khi ho. Nếu bị ốm hoặc xuất hiện các triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn, bệnh nhân phải lập tức đi xét nghiệm.
Bà Almasy cũng cho biết thêm bệnh viêm họng liên cầu khuẩn lây lan chủ yếu qua các giọt bắn. Các triệu chứng của bệnh bao gồm đau họng, sốt. Vì vậy, bà khuyên mọi người tốt nhất nên giữ khoảng cách với những người khác khi bị ốm và luôn cập nhật thông tin về việc tiêm chủng của bản thân.
"Các bệnh như cúm hoặc thủy đậu có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn", bà Almasy nhận định.
Tiến sĩ, bác sĩ Brian Curtis - Phó chủ tịch dịch vụ chuyên khoa lâm sàng tại OSF HealthCare - cho biết thêm cổ họng không phải là nơi duy nhất cần theo dõi khi kiểm tra nhiễm trùng liên cầu khuẩn.
"Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây nhiễm trùng da. Nó cũng dẫn đến viêm mô hoại tử, sau đó gây ra viêm quầng. Đây là bệnh nhiễm trùng có tốc độ lây lan nhanh và khả năng mắc rất cao", ông Curtis nói.
Theo tiến sĩ Curtis, các trường hợp bị viêm họng liên cầu khuẩn thường diễn biến ở mức nhẹ, nhưng có những yếu tố rủi ro khác lây lan nhanh chóng và đòi hỏi bệnh nhân phải phản ứng kịp thời. Nếu trẻ bị nhiễm trùng da hoặc sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị.
"Phụ huynh phải hành động đúng trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nếu bạn có con bị nhiễm trùng da hoặc mô mềm và chúng lây lan khá nhanh, tốt nhất nên đưa trẻ đi kiểm tra", ông Curtis nhấn mạnh.
Cách tốt nhất để chữa trị cho trẻ là đến bác sĩ thăm khám. Ảnh: Stanford Medicine. |
Đối tượng mắc bệnh và cách phòng tránh
Tiến sĩ Curtis thông tin đối tượng dễ mắc bệnh nhiễm trùng liên cầu khuẩn là những người bị thủy đậu (trái rạ). Đây là một yếu tố phổ biến khi các vết thương thủy đậu dễ dẫn đến nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, ông Curtis cho biết những người bị suy giảm miễn dịch, người đang hóa trị, trẻ em dưới một tuổi, phụ nữ mang thai và người già cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nghiêm trọng hơn.
"Phụ nữ mang thai rất dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Liên cầu khuẩn lây lan nhanh trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 vì đây là thời điểm mọi người ở rất gần nhau. Bất kỳ ai cũng có thể là người mang mầm bệnh, không có triệu chứng và người đó sẽ lây bệnh cho người khác. Vì vậy, chúng tôi khuyên mọi người nên rửa tay thường xuyên, không dùng chung vật dụng cá nhân và cốc uống nước", ông Curtis nói.
Tiến sĩ Curtis cho biết cách để phân biệt viêm họng liên cầu khuẩn với nhiễm virus thông thường rất đơn giản. Biểu hiện của viêm họng liên cầu khuẩn thường mang xu hướng đơn nhất như bị đau họng, sốt, sưng hạch. Mặt khác, nếu một người bị đỏ mắt và nghẹt mũi kèm với ho hoăc đau họng, đó thường là bệnh nhiễm virus.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.