Điều trị sẹo bằng laser hiệu quả nhưng cần lưu ý. Ảnh: Shane. |
Nhờ những tiến bộ gần đây trong y học, laser đang trở thành một trong những phương pháp phổ biến trong việc điều trị sẹo. Không chỉ thẩm mỹ, trị sẹo bằng laser còn được các bác sĩ da liễu ứng dụng trong một số trường hợp như phòng ngừa hình thành sẹo lồi sau phẫu thuật, giảm đau và ngứa do sẹo, tăng biên độ cử động nếu sẹo gây ra các hạn chế vận động…
Tuy nhiên, laser không phải cây đũa thần có thể làm biến mất các vết sẹo.
Laser không khiến sẹo biến mất
Theo BS Phan Vũ Lam Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), điều trị laser có thể giúp sẹo mờ hơn. Tuy nhiên, phương pháp này không thể loại bỏ hoàn toàn chúng.
“Điều đó đồng nghĩa với việc khi điều trị sẹo bằng laser, chúng ta đang thay thế một vết sẹo xấu bằng một vết sẹo mờ hơn”, vị chuyên gia mô tả.
Điều trị bằng laser không loại bỏ hoàn toàn được sẹo. Ảnh minh họa: ZMC. |
BS Phương cũng nhấn mạnh kết quả điều trị sẹo bằng laser phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của bác sĩ thực hiện. Dù nhiều chuyên khoa khác, cơ sở y tế, thậm chí spa có thể thực hiện, các bác sĩ da liễu thường là những người đi đầu trong việc nghiên cứu và điều trị sẹo bằng laser.
Mặt khác, với một bác sĩ da liễu, laser điều trị thực tế có thể được sử dụng cho nhiều loại sẹo khác nhau.
“Nếu người thực hiện việc điều trị bằng laser thiếu kỹ năng về y khoa và không có kiến thức chuyên môn về làn da, kết quả điều trị sẽ không như mong muốn và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân”, BS Phương khuyến cáo.
Ngoài ra, tư vấn y tế cũng rất quan trọng trước khi lựa chọn điều trị bằng laser. Vị chuyên gia cho rằng chúng ta không nên đồng ý thực hiện nếu cơ sở điều trị hứa sẽ điều trị vết sẹo nhưng chưa tư vấn về y tế.
BS Phương nhận định: “Từ góc độ chuyên môn, việc nắm rõ về bệnh nhân là điều rất quan trọng. Mỗi trường hợp là một cá thể khác nhau, để kết quả điều trị như mong đợi, người thực hiện thủ thuật laser cần hiểu rõ về làn da của bệnh nhân, cấu trúc sẹo cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của họ”.
Từ đây, vị chuyên gia cũng khuyên bệnh nhân nên cung cấp một số thông tin sau với bác sĩ nếu có trong suốt quá trình tư vấn:
- Từng hoặc đang bị tình trạng mụn nước do virus Herpes gây ra.
- Gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào (như tiểu đường).
- Tần suất hút thuốc lá.
- Đang sử dụng thuốc hoặc thực phẩm chức năng.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là thành thật với bác sĩ về mức độ mong đợi của chúng ta với việc điều trị sẹo, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.
Lưu ý khi điều trị sẹo bằng laser
BS Phan Vũ Lam Phương nhấn mạnh việc chống nắng có vai trò rất quan trọng ở cả giai đoạn trước và sau điều trị.
“Nếu làn da đang bị rám nắng hoặc bỏng nắng, các bác sĩ sẽ không thể điều trị sẹo bằng laser. Nguyên nhân là việc cố điều trị có thể gây ra những tình trạng bỏng nặng hoặc làm thay đổi màu sắc da”, vị chuyên gia giải thích.
Sau khi điều trị với laser, các bệnh nhân cần bảo vệ làn da tránh ánh nắng cho đến khi vết thương lành hẳn. Nếu những tia nắng gây hại tiếp xúc với làn da sau điều trị, việc này có thể sẽ thúc đẩy hình thành một vết sẹo mới.
Việc chăm sóc da trước và sau điều trị sẹo bằng laser rất quan trọng. Ảnh minh họa: Reforme Medical. |
- Ngừng hút thuốc lá ít nhất 2 tuần trước khi thực hiện thủ thuật.
- Ngưng sử dụng Vitamin E, aspirin, các thuốc và thực phẩm chức năng có khả năng làm chậm quá trình lành vết thương.
- Ngưng sử dụng sản phẩm chăm sóc da có chứa retinoid hoặc glycolic acid trong vòng từ 2 đến 4 tuần.
- Sử dụng thuốc dự phòng Herpes nếu có nguy cơ.
- Tránh tắm nắng, sử dụng giường tắm nắng hoặc đèn chiếu mạnh vì chúng ta có thể phải thay đổi thời gian điều trị nếu bị da bị cháy nắng hoặc bỏng nắng.
Trên thực tế, kế hoạch điều trị sẹo có thể bao gồm nhiều phương pháp để đạt được kết quả tốt nhất. Ví dụ, đối với sẹo sâu do mụn trứng cá, ngoài việc điều trị bằng laser, filler cũng có thể được sử dụng.
Một lưu ý khác là các bệnh nhân có thể cần nhiều lần điều trị sẹo với laser. Cụ thể, để đạt được hiệu quả lâu dài và cải thiện tốt nhất, các bác sĩ da liễu có thể lên một chu trình điều trị với laser dài hạn. Việc này thường được đưa ra khi sử dụng laser không xâm lấn.
“Dù không cần nhiều thời gian nghỉ dưỡng sau thủ thuật, để đạt được kết quả, chúng ta vẫn cần thực hiện vài lần điều trị”, BS Phương nói.
Về việc chăm sóc sau khi điều trị với laser, vị chuyên gia khuyên mọi người thực hiện theo đúng những hướng dẫn của bác sĩ. Việc này sẽ giúp đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất và phòng tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra.
BS Phương cũng nhấn mạnh việc trị sẹo bằng laser cần thời gian để đạt được kết quả. Cụ thể, ở thời gian đầu, có thể chúng ta sẽ nhận thấy sự cải thiện không đáng kể. Quá trình này cần vài tháng để nhận thấy rõ được kết quả điều trị sẹo với laser.
Về chi phí, bảo hiểm y tế sẽ không chi trả chi phí cho việc điều trị sẹo bằng laser. Thực tế là việc điều trị sẹo bằng laser có thể giúp giảm cảm giác đau và ngứa đôi khi sẹo gây ra. Mặt khác, nếu sẹo làm hạn chế vận động, laser có thể giúp tăng biên độ vận động sau khi điều trị.
Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm hiện nay vẫn xem đây là phương pháp điều trị thẩm mỹ. Bảo hiểm y tế nói chung sẽ không bao gồm các chi phí cho việc điều trị thẩm mỹ.
Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.