Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người dễ mắc ung thư vú

Ung thư vú có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ, đặc biệt người từng dậy thì sớm hoặc mãn kinh muộn, có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn.

Ung thư vú là căn bệnh xảy ra phổ biến ở phụ nữ. Ảnh: HealthCentral.

Ung thư vú xảy ra khi các tế bào trong vú phát triển và phân chia mất kiểm soát, tạo ra khối mô được gọi là khối u. Căn bệnh này thường bắt đầu với các tế bào trong ống dẫn tiết sữa (ung thư biểu mô ống dẫn sữa xâm lấn). Ung thư vú cũng có thể bắt đầu trong mô tuyến được gọi là tiểu thùy (ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn) hoặc trong các tế bào hoặc mô khác trong vú.

Giống các bệnh ung thư khác, ung thư vú có thể xâm lấn và phát triển vào các mô xung quanh vú. Nó cũng có thể di căn đến những bộ phận khác của cơ thể và hình thành các khối u mới.

Theo Mayo Clinic, các nhà nghiên cứu đã xác định yếu tố nội tiết tố, lối sống và môi trường có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Dấu hiệu cảnh báo

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất là sự xuất hiện của các cục u. Khối u có thể cứng, mềm, cố định hoặc thậm chí di chuyển được. Nhưng nếu cảm thấy bất cứ điều gì không ổn, bạn nên đi khám.

Các triệu chứng khác có thể có của ung thư vú bao gồm:

- Đau sưng ngực: Vùng ngực của bạn có thể bị đau hoặc căng do mặc áo ngực sai hoặc sắp đến chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, bạn cần đi kiểm tra.

- Tĩnh mạch nhìn thấy được: Nếu bạn đột nhiên nhìn thấy các tĩnh mạch lồi lên và nhìn thấy được, đó có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú.

- Tiết dịch từ núm vú: Nếu bạn không cho con bú và có thứ gì đó chảy ra từ núm vú, đó là dấu hiệu báo động.

- Núm vú hoặc da đỏ, khô, bong tróc hoặc dày lên. Núm vú có thể co lại (quay vào trong).

- Da vùng ngực có thể bị lõm, đôi khi trông giống vỏ cam.

- Sưng hạch bạch huyết: Không nhiều phụ nữ biết rằng ung thư vú cũng có thể biểu hiện dưới dạng sưng hạch bạch huyết.

- Thay đổi kích thước của vú đột ngột.

Mặc dù hiếm gặp, nam giới có thể bị ung thư vú. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), khoảng một trong số 100 ca ung thư vú được chẩn đoán ở quốc gia này được phát hiện ở nam giới. Các triệu chứng phổ biến nhất ở nam giới cũng gần tương tự phụ nữ, bao gồm: Khối u hoặc sưng ở vú; da bị đỏ hoặc bong tróc ở vú; kích ứng hoặc lõm da vú; tiết dịch núm vú.

Nhiều triệu chứng trên cũng có thể do các tình trạng vú lành tính (không phải ung thư) gây ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn nên kiểm tra bất kỳ khối u hoặc thay đổi mới nào ở vú bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe có kinh nghiệm để tìm ra nguyên nhân và cách điều trị sớm.

Benh ung thu vu anh 1

Dù hiếm gặp, nam giới vẫn có nguy cơ mắc ung thư vú. Ảnh: Freepik.

Các yếu tố rủi ro

Các bác sĩ ước tính khoảng 5-10% trường hợp ung thư vú có liên quan đến đột biến gene di truyền qua nhiều thế hệ trong một gia đình.

Một số gene đột biến di truyền có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú đã được xác định. Điển hình nhất là gene ung thư vú 1 (BRCA1) và gene ung thư vú 2 (BRCA2). Cả hai đều làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Ngoài ra, người có tiền sử gặp các vấn đề về vú như ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS) hoặc tăng sản không điển hình của vú, có khả năng cao mắc căn bệnh này. Bên cạnh đó, nếu đã bị ung thư vú một bên, bạn sẽ có nguy cơ phát triển ung thư ở vú còn lại.

Ung thư vú có thể xảy ra ở cả 2 giới nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ. Đặc biệt, phụ nữ có kinh nguyệt trước 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn cũng có rủi ro mắc ung thư vú cao hơn. Những người sinh con đầu lòng muộn hoặc không có con hoặc không cho con bú cũng cần cảnh giác với căn bệnh này.

Bên cạnh đó, một số trường hợp khác cũng cần tầm soát ung thư vú thường xuyên bao gồm: Hay tiếp xúc nhiều hóa chất độc hại, tia xạ, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, béo phì, dùng hormone sau mãn kinh, uống rượu.

Ở nam giới, hội chứng klinefelter là tình trạng di truyền hiếm gặp có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tình trạng này khiến nam giới có thêm một nhiễm sắc thể X. Điều này dẫn đến việc cơ thể tạo ra lượng estrogen cao và lượng androgen thấp hơn (hormone giúp phát triển và duy trì các đặc điểm giới tính nam).

Một số điều kiện ảnh hưởng đến tinh hoàn như chấn thương, sưng tấy hoặc phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các vấn đề về gan như xơ gan có thể làm giảm nồng độ androgen và tăng nồng độ estrogen ở nam giới, làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Omega 3 có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Theo Healthline, một nghiên cứu cho biết chế độ ăn uống giàu omega 3 có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh bị béo phì.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm