Nhiều người có thói quen uống một cốc sữa vào buổi tối để giúp ngủ ngon hơn. Ảnh minh họa: Fittify. |
Uống sữa vào buổi tối trước khi đi ngủ dường như là điều quen thuộc của rất nhiều người. Sữa không chỉ giúp bạn cảm thấy bình tĩnh, thư giãn, nhiều nghiên cứu đã phát hiện uống sữa trước khi đi ngủ có những tác động tích cực.
Tuy nhiên, việc uống sữa và tiêu thụ các sản phẩm của sữa thường xuyên vào buổi tối cũng gây ra nhiều tác dụng phụ với sức khỏe.
Uống sữa buổi tối có tác dụng gì?
Theo Healthshots, tiến sĩ Deepali Sharma, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Bệnh viện CK Birla, New Delhi (Ấn Độ), cho biết uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ là thói quen từ rất lâu đời của con người và điều này cũng mang lại nhiều lợi ích tiềm tàng.
Giúp ngủ ngon
Sữa, cùng với các sản phẩm từ sữa khác, là nguồn cung cấp tryptophan - loại axit amin nổi tiếng với đặc tính thúc đẩy giấc ngủ. Tryptophan đóng vai trò là tiền chất để tổng hợp cả melatonin và serotonin trong cơ thể. Melatonin, thường được gọi là "hormone giấc ngủ", đảm bảo chu kỳ ngủ - thức được kiểm soát, tăng chất lượng giấc ngủ ban đêm.
Bên cạnh đó, serotonin có chức năng là chất dẫn truyền thần kinh đa diện, không chỉ góp phần điều chỉnh tâm trạng mà còn đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát sự thèm ăn, điều chỉnh giấc ngủ và nhận thức cơn đau.
"Sự kết hợp của các phân tử này tạo ra cảm giác yên bình, nhẹ nhàng, giúp bạn có giấc ngủ yên bình", chuyên gia này nhận định.
Tác dụng của tryptophan không chỉ giới hạn ở việc điều hòa giấc ngủ. Gan của bạn cũng sử dụng axit amin này để tạo ra niacin - thành phần không thể thiếu của phức hợp vitamin B3. Niacin cũng giúp chuyển hóa năng lượng và tổng hợp DNA, nuôi dưỡng các chức năng thiết yếu của cơ thể.
Làm đẹp da
Theo First Cry Parenting, uống sữa thường xuyên có thể cải thiện tình trạng da bằng cách mang lại vẻ ngoài trẻ trung. Sữa chứa vitamin B12 có thể giúp ngăn ngừa sự mất độ đàn hồi của da và truyền collagen giúp da có vẻ ngoài tươi sáng.
Vitamin A có trong sữa có thể thúc đẩy sự hình thành tế bào mới và giúp chống lại các bệnh về da khác nhau, khiến da trở nên rạng rỡ và hoàn hảo.
Giảm căng thẳng
Uống một cốc sữa ấm trước khi đi ngủ là cách hiệu quả giúp bạn giảm căng thẳng. Protein lactium trong sữa có thể xoa dịu cơ thể bằng cách giảm huyết áp, thư giãn cơ bắp và giảm mức cortisol, một loại hormone được cơ thể tiết ra khi bị căng thẳng. Lactium có thể ảnh hưởng đến thụ thể não để giúp kiểm soát căng thẳng và lo lắng.
Uống sữa có thể giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn. Ảnh minh họa: Firstcry. |
Ai không nên uống sữa vào buổi tối?
Mặc dù nhấm nháp sữa ấm có thể giúp bạn ngủ ngon hơn, nó có thể không phù hợp với nhiều người.
Chuyên gia Sharma cho biết thêm các yếu tố như sức chịu đựng của cá nhân, sở thích ăn kiêng và sức khỏe tổng thể đều phải được tính đến khi xem xét thời gian và số lượng sữa tiêu thụ trước khi ngủ.
Người muốn giảm cân
Uống sữa vào buổi tối là ý tưởng hay nếu bạn muốn có giấc ngủ ngon nhưng nó không tốt cho những người đang cố gắng giảm cân.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, uống sữa vào ban đêm có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và ảnh hưởng đến chức năng gan. Quá trình này tác động đến tốc độ trao đổi chất của cơ thể và có thể dẫn đến tích mỡ, tăng cân.
Uống sữa thường xuyên cũng góp phần làm tăng đáng kể lượng calo hàng ngày của bạn, điều này có thể gây tăng cân.
Uống sữa vào ban đêm thậm chí có thể kích hoạt giải phóng insulin do carbohydrate có trong sữa, có khả năng làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể bạn.
Phụ nữ bị thay đổi nội tiết tố
Thông thường, phụ nữ được khuyên không nên uống sữa vào ban đêm nếu họ đang gặp phải bất kỳ sự thay đổi nội tiết tố nào. Việc uống quá nhiều sữa có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên bằng cách kích hoạt các yếu tố tăng trưởng insulin, đặc biệt ở những người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Một số nghiên cứu đã phát hiện sữa có chứa một lượng nhỏ các loại hormone khác nhau, bao gồm progesterone và estrogen có thể gây thay đổi nội tiết tố và làm trầm trọng thêm vấn đề này ở nữ giới.
Chuyên gia khuyến nghị nên tiêu thụ sữa và các sản phẩm của sữa để hấp thụ giá trị dinh dưỡng của thực phẩm này nhưng nên ở mức độ vừa phải.
Ngoài ra, bạn cần bổ sung đủ các chất dinh dưỡng khác như protein và canxi để không gặp phải bất kỳ sự thiếu hụt nào ngay cả khi bạn cắt giảm lượng sữa tiêu thụ.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, cuốn sách "Tâm hơn thuốc" của tác giả Lissa Rankin chỉ ra rằng biện pháp cải thiện tâm lý, suy nghĩ tích cực có thể phòng tránh bệnh tật và giải quyết một số vấn đề về sức khỏe của con người. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo, thư giãn, sống thật với chính mình... là những phương pháp đơn giản giúp giảm căng thẳng trong công việc và cải thiện tình trạng sức khỏe.