Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người mưu sinh ở phố đi bộ Hà Nội

Phố đi bộ hồ Gươm hoạt động trở lại cũng là cơ hội để nhiều người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

muu sinh tren pho di bo anh 1

Phố đi bộ bên hồ Gươm sau gần 1 năm dừng hoạt động đã đón khách trở lại. Nhiều người đã đến từ sáng sớm để chọn một vị trí cho công việc của mình.

muu sinh tren pho di bo anh 2

Hình ảnh các nhóm nhạc đường phố không còn xa lạ đối với nhiều người trong đó có cả các "nghệ sĩ" khiếm thị. Họ hoạt động văn nghệ trên phố đi bộ cả hai ngày cuối tuần và tối thứ 6.

muu sinh tren pho di bo anh 3

Chị Linh, một trong những người mở dịch vụ cho thuê xe mô hình điều khiển từ xa, vừa trở lại với công việc quen thuộc. Chị cho biết mỗi ngày thu được khoảng 800.000 đồng. Trước đó, mỗi chiếc xe cho trẻ nhỏ này, chị đầu tư 4-8 triệu đồng, đã phải bỏ xó chúng gần một năm qua. “Khi dịch Covid-19 tại Hà Nội căng thẳng, phố đi bộ bị đóng, cuộc sống của tôi cũng trở nên khó khăn hơn vì gia đình còn có con nhỏ. Thời gian đó tôi cũng đã xoay xở chuyển sang bán hàng online nhưng tiền thu lại được cũng không được nhiều", chị nói.

muu sinh tren pho di bo anh 4

Phố đi bộ ngày càng có nhiều người vẽ ký họa mưu sinh. Một năm qua khi phố đi bộ đóng cửa, các họa sĩ tại đây thường chỉ nhận vẽ online. Giá mỗi bức 100.000-150.000 đồng.

muu sinh tren pho di bo anh 5

Anh Đặng Sơn Tùng (33 tuổi) vào những ngày cuối tuần đi xe máy từ Mỹ Đình lên phố đi bộ bên hồ Gươm để hành nghề vẽ tranh chân dung. “Không khí hôm nay rất náo nhiệt, khác hẳn so với trước đây. Tôi cảm thấy rất phấn khởi khi phố đi bộ được mở lại. Công việc này giúp tôi có thêm tiền để trang trải cuộc sống", anh tâm sự.

muu sinh tren pho di bo anh 6

Anh Tùng phải học vẽ trong 5 năm để có thể tự tin hoàn thiện mỗi bức tranh chân dung trong vòng 15-20 phút.

muu sinh tren pho di bo anh 7

Anh Dương Hữu Phúc (27 tuổi, đến từ Lạng Sơn) là một kiến trúc sư. Anh phụ giúp mẹ bán đồ chơi cho trẻ em trên phố đi bộ nay đã được khoảng 4 năm vào những ngày cuối tuần. "Công việc này chỉ là phụ, làm thêm những lúc rảnh rỗi tuy nhiên thu nhập không cao. Có những hôm tôi đứng mỏi rã rời chân tay mà không có một khách ghé thăm”, anh Phúc nói.

muu sinh tren pho di bo anh 8

Bà Huệ (80 tuổi) mưu sinh ở trung tâm thủ đô đã được hơn 20 năm. Khi có phố đi bộ vài năm nay, bà có cơ hội kiếm tiền nhiều hơn vì khách qua lại đông. “Thời gian nghỉ dịch không có khách, tôi đi nhặt nhạnh ve chai ở ngoài đường rồi đem đi bán. Khi phố đi bộ được mở lại tôi đem bán ít sữa, bật lửa, bút bi...nhưng cũng chỉ lác đác vài khách ghé mua ủng hộ”, bà nói.

muu sinh tren pho di bo anh 9

“Khi dịch Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, nhiều hàng quán đóng cửa, phố đi bộ tạm dừng hoạt động, việc mưu sinh của tôi gặp đôi chút khó khăn. Khi nghe tin phố đi bộ được mở cửa trở lại tôi cảm thấy rất phấn khởi”, anh Tuấn (người bán bóng bay) nói.

muu sinh tren pho di bo anh 10

Bà Chén (71 tuổi, bên trái) bán đồ chơi bên hồ Gươm kể trước dịch bà đi nhặt ve chai. Bây giờ, nhiều khách du lịch hơn nhưng mỗi ngày bà cũng chỉ kiếm được khoảng 20.000-30.000 đồng. "Công việc này không biết đã gắn bó với tôi bao lâu nhưng chỉ biết nó giúp tôi đủ bữa qua ngày”, bà tâm sự.

muu sinh tren pho di bo anh 11

UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lại hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn quận từ ngày 18/3 tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; tuyến phố đi bộ thương mại, dịch vụ Hàng Đào đến Hàng Giấy; không gian đi bộ mở rộng sang Khu bảo tồn cấp I - Khu phố cổ Hà Nội; không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối với phía Bắc không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Tuấn Anh

Bạn có thể quan tâm