Muốn tập trung cho sự nghiệp, tạo dựng tài chính hay tùy duyên là lý do của nhiều người trẻ sống tại các thành phố lớn quyết định không kết hôn hay sinh con.
Tri Thức - Znews đã phỏng vấn 4 bạn trẻ ở 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng để lắng nghe câu chuyện của họ.
Chưa muốn bị ràng buộc
Thanh Nhàn (29 tuổi, TP.HCM)
Nghề nghiệp: Chủ nhà trẻ thú cưng và kinh doanh online
Đơn giản là tôi chưa muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân và gia đình. Tôi đang dồn hết sức mình cho công việc và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn.
Thanh Nhàn dành thời gian tập trung cho công việc và không áp lực chuyện lập gia đình. |
Tôi cũng từng có tình yêu và cũng đổ vỡ trong tình yêu. Do đó, dù có gặp áp lực kết hôn từ gia đình hay nhìn bạn bè xung quanh lần lượt lên xe hoa, đối với tôi, chuyện này cũng bình thường.
Phải đến khi có nhà, xe và sự nghiệp thật vững, tài khoản tiết kiệm ở mức kha khá, tôi mới tính đến kết hôn và sinh con.
Tôi thấy hạnh phúc trong công việc và quan trọng hơn là có 6 chú cún rất đáng yêu bên cạnh.
Tôi xem “tụi nhỏ” như con và chăm sóc, yêu thương như mẹ con, nên mặc dù chưa có kế hoạch hôn nhân nhưng cuộc sống của mình vốn đã loanh quanh với “các con” cả ngày.
Tuổi tác với tôi không quan trọng. Chậm một chút cũng không sao, miễn là đúng người và sống hạnh phúc.
Đau đầu vì bị thúc ép chuyện con cái
Hoài Thương (27 tuổi, Hà Nội)
Riêng chuyện con cái thì vấn đề này nhức đầu đến mức mà hai vợ chồng gần như rất “sợ” góp mặt trong những bữa ăn gia đình, họ hàng.
Lần nào gặp là tôi luôn có cảm giác mọi người sẽ nhìn vóc dáng, bụng tôi để xem có “tin vui” gì chưa. Vợ chồng tôi cưới nhau hơn một năm rồi nhưng chưa có ý định. Nhưng khi họ hàng nhìn vào cứ tưởng là cả hai đứa có vấn đề hay sao mà giờ chưa có. Thậm chí, có người họ hàng còn bảo hai vợ chồng đi tìm thầy chữa.
Vợ chồng Hoài Thương chưa muốn có con vì tuổi còn trẻ và muốn tập trung tạo dựng kinh tế. |
Tôi nghĩ những cặp vợ chồng trẻ như chúng tôi trước hết đều nghĩ đến vấn đề kinh tế đầu tiên. Ông bà ngày xưa hay nói “trời sinh voi sinh cỏ” nhưng thế hệ trẻ bây giờ không còn nghĩ vậy nữa.
Nhất là khi sống ở những thành phố lớn. Vợ chồng trẻ thường có tâm lý muốn con phải được học ở trường tốt, có sự đầu tư ngay từ khi còn nhỏ. Mà điều kiện tốt nhất cho con phải từ kinh tế vững vàng mà ra.
Tiếp theo là tâm lý “đang tuổi ăn chơi” mà đã cưới nên phải chơi cho đã rồi mới có con. Ví dụ, vợ chồng tôi có dự định đi du lịch nhiều nước nên chưa có ý định có con. Vì nghĩ rằng nếu sinh con xong sẽ phải xác định ở nhà vài năm để tập trung nuôi dưỡng con.
Tôi thì quan niệm con cái là trời cho và cũng hy vọng năm sau gia đình sẽ đón thêm thành viên mới.
Phân vân trữ đông tinh trùng
Quốc Hoàng (31 tuổi, Hà Nội)
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng
Độc thân trong một thời gian dài cộng thêm công việc bận rộn, tôi dần ù lì, lười kiếm bạn gái chứ đừng nói đến chuyện kết hôn. Trước đây, tôi cũng lên kế hoạch cho việc kết hôn của mình nhưng lâu dần, tôi thấy nên để cho "vạn sự tùy duyên".
Mọi người bắt đầu giục tôi lập gia đình nhiều năm trước, từ gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng tôi chưa tìm thấy ai phù hợp. Dần dà, họ cũng không muốn đả động đến chuyện này nữa vì biết trước tôi sẽ làm lơ hoặc trả lời cho qua chuyện.
Quốc Hoàng từ bỏ lên kế hoạch kết hôn và đang phân vân sẽ đi trữ đông tinh trùng. |
Tôi biết sức khỏe sinh sản sẽ giảm sút khi ngày một lớn tuổi nên cũng từng có ý định trữ đông tinh trùng. Tuy nhiên, tôi vẫn chần chừ vì bản thân vẫn thích thuận theo tự nhiên.
Dù gì đi chăng nữa, cuộc sống gia đình vẫn phải có gốc rễ căn bản là 2 người thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Nếu chưa tìm được đối tượng phù hợp, tôi có lẽ vẫn cứ tiếp tục như vậy thôi.
Mua nhà trước, sinh con sau
Lê Thảo (31 tuổi, Đà Nẵng)
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng
Tôi và chồng từ tỉnh lẻ đến thành phố này sinh sống, nên sau khi kết hôn, cả 2 thống nhất sẽ có con sau khi mua được nhà ở đây. Có thể, lúc đó tôi đã 32 hoặc đến 34 tuổi.
Vấn đề lớn nhất khiến chúng tôi quyết định chưa có con ngay là vẫn đang ở trọ. Ở Đà Nẵng, mức sống không cao như TP.HCM hay Hà Nội, nhưng để mua được nhà thì cần sự nỗ lực, tích cóp lâu dài.
Một căn chung cư tầm trung ở Đà Nẵng dao động khoản 700 triệu - 1,2 tỷ đồng. Nhưng thu nhập nhân viên văn phòng lại không cao, chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng. Khoảng chênh lệch đó buộc chúng tôi phải làm việc nhiều hơn nếu muốn mua được một căn chung cư bình dân.
Sau gần 10 năm ở trọ, từ thời sinh viên đến bây giờ, tôi hiểu được những khó khăn khi ở trọ. Tôi không muốn con mình phải trải qua những vất vả ấy. Tôi xác định khi quyết định có con phải để cho con được sinh ra và lớn lên ở môi trường tốt nhất, về vật chất lẫn tinh thần.
Nghĩ đến cảnh vợ chồng, con ở trong một phòng trọ nhỏ, hàng ngày ba mẹ tất bật công việc, con cái loay hoay trong 4 bức tường chật chội, thực sự tôi ám ảnh.
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.