Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giới trẻ không mặn mà chuyện kết hôn, sinh con

Nhiều người chọn kết hôn ở độ tuổi khá muộn, né tránh chuyện con cái vì chưa chuẩn bị tâm lý, kinh tế vững vàng.

Giới trẻ ngày càng không muốn kết hôn hay sinh con sớm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Hoàng Lịch (kế toán trưởng, TP.HCM) kết hôn ở tuổi 31, chồng chị lúc ấy cũng sắp bước qua ngưỡng 33.

Tưởng rằng sẽ có con ngay sau khi cưới, nhiều người bất ngờ khi cặp đôi này quyết định chưa vội có con cái, ưu tiên lo kinh tế, mặc gia đình nội ngoại 2 bên hối thúc.

"Lúc kết hôn, tôi thống nhất với chồng không sinh con ngay mà chờ ít nhất 2 năm. Khi ấy, tôi đang được cất nhắc lên vị trí kế toán trưởng. Nếu được thăng chức, sự nghiệp cũng vững vàng hơn, tôi có thể kiếm thêm thu nhập để chăm lo cho gia đình nhỏ và con cái sau này", cô chia sẻ.

Lo kinh tế trước, sinh con sau

Chồng chị Hoàng Lịch làm lao động tự do, có thể thu xếp thời gian phụ vợ chăm con nhưng thu nhập chưa ổn định. Do đó, dù muốn có con sớm, anh vẫn tôn trọng và chiều theo mong muốn của vợ.

"Có người khuyên tôi không chịu sinh đẻ thì hết trứng, người lại lấy bệnh tật ra để đe dọa. Nhưng làm sao tôi có thể sinh con khi chính tôi còn chưa sẵn sàng?", cô quả quyết.

Mãi đến 3 năm sau khi kết hôn, chị Lịch mang thai con đầu lòng vì áp lực tuổi tác và gia đình. May mắn, thời điểm này công việc của 2 vợ chồng ổn định hơn, gia đình đón thêm thành viên mới dù khá muộn so với bạn bè.

Nhắc đến chuyện kết hôn và sinh con, Thuỳ Trang (28 tuổi, ngụ TP.HCM) dửng dưng mỉm cười.

Trang vừa kết thúc chuyến du học 5 năm tại Nhật Bản. Trở lại Việt Nam, cô quay cuồng với công việc mới, làm quen nhịp sống, chuyện lập gia đình gần như không có trong kế hoạch.

“Tôi sợ chưa có kinh tế ổn định, khi sinh ra sẽ khổ con, khổ ba mẹ và hơn hết tôi phải đi làm liên tục, không có thời gian gần con. Như vậy, từ thương sẽ thành hại con”, Trang chia sẻ.

ket hon,  sinh con anh 1

Ở tuổi 28, Thùy Trang nỗ lực làm việc, tận hưởng cuộc sống độc thân và chuẩn bị đủ kinh tế, tâm lý mới nghĩ đến lập gia đình, con cái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Như nhiều người trẻ khác, Thùy Trang cũng có nỗi lo vô hình về chuyện gia đình, sinh nở, con cái. Ở tuổi 28, cô gái tự đặt áp lực chuyện nuôi dạy con không tốt sẽ khiến con bệnh tật, ốm đau. Đặc biệt, nếu vợ chồng khi kinh tế chưa vững sẽ càng khổ sở hơn.

"Tôi sợ chưa đủ sức để nuôi dạy và bảo vệ con thật tốt, nên bản thân phải chuẩn bị tâm lý, kinh tế thật vững mới đưa ra quyết định tiếp theo", Thùy Trang chia sẻ.

Nỗi sợ sinh con

Chia sẻ với Znews về câu chuyện này, TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định thực trạng giới trẻ ngại kết hôn, sợ sinh con là vấn đề nhìn thấy rõ trong khoảng một thập kỷ gần đây.

"5-10 năm trở lại đây, người trẻ dần trở nên ngại chuyện kết hôn. Cùng với sự phát triển của các phương pháp hỗ trợ sinh sản (như thụ tinh nhân tạo), ngày càng nhiều sản phụ sinh con khi độ tuổi đã ngoài 35, thậm chí là 40", tiến sĩ Trung nhận xét.

Với chuyên gia, việc các phương pháp hỗ trợ sinh sản ngày một tiến bộ và phát triển là một thành tựu đáng ghi nhân của y khoa đối với xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến độ tuổi sinh sản của nhiều phụ nữ Việt bị già hóa.

"Nhiều chị em muốn ổn định trước về kinh tế, sự nghiệp mới tính chuyện lập gia đình, có con. Nhưng càng lớn tuổi, phụ nữ càng giảm khả năng có con. Từ đó, xu hướng trữ trứng để làm thụ tinh ống nghiệm cũng ngày một phổ biến", tiến sĩ Trung phân tích.

Theo TS Trung, nhiều người trẻ quan niệm ổn định kinh tế mới đủ điều kiện chăm sóc con, tuy nhiên, việc này lại vô tình tạo ra khoảng cách độ tuổi tác rất xa giữa cha mẹ và con cái, sinh ra khoảng cách thế hệ. Lúc này, việc nắm bắt tâm lý con trẻ và giáo dục con cũng khó khăn hơn nhiều.

Theo chuyên gia, phụ nữ nên nghĩ đến chuyện lập gia đình, sinh con trong độ tuổi từ 24 đến 30. Đây là khoảng "thời gian vàng" để sinh con của người phụ nữ khi có thể đáp ứng được nhiều yếu tố về thể chất lẫn tâm lý.

Mới đây, tại hội thảo về ngày dân số Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó cục trưởng phụ trách Cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết quy mô dân số ở TP.HCM lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng trong khi mức sinh hiện tại rất thấp.

“Tổng tỷ suất sinh của TP.HCM là 1,39 (năm 2022), ước đạt 1,42 con vào năm 2023, số liệu này tiếp tục báo động về tình trạng mức sinh thấp rất thấp của thành phố”, ông Hoàng nói.

Bên cạnh đó, quy mô già hoá dân số tăng nhanh, người cao tuổi hơn một triệu người, với tỷ lệ hơn 11%, điều này đòi hỏi TP.HCM phải có sự đầu tư tương ứng.

Tuy nhiên, số liệu tích cực ở TP.HCM là chất lượng dân số đã được nâng cao, tuổi thọ trung bình của người dân ở mức 76,3 tuổi, cao hơn so với mặt bằng chung cả nước là 73,6 tuổi.

Theo báo cáo của Cục Dân số, Bộ Y tế, nước ta đang đối mặt với sự chênh lệch mức sinh lớn ở các vùng, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.

Điều đáng nói, mức sinh thấp không chỉ xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành có kinh tế phát triển. Nó còn xuất hiện tại những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện trung bình mỗi phụ nữ ở vùng Đông Nam Bộ có 1,56 con, vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con. Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc phụ nữ sinh trên 2,4 con. Mức sinh ở các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung đang tăng cao trở lại.

Tại Hà Nội, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố, cho biết hiện mỗi phụ nữ sinh 2,1 con, tỷ suất sinh thô giảm trung bình hàng năm 0,1%.

Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI

Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.

Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.

Người nổi tiếng quảng cáo lố, người dân 'lãnh đủ' rủi ro sức khỏe

Những người nổi tiếng, TikToker… quảng cáo lố và bị chỉ trích, sau đó họ đưa ra lời xin lỗi. Thế nhưng, nếu có rủi ro sức khỏe vì các sản phẩm này, ai chịu trách nhiệm?

Nguyễn Thuận - Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm