Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nguyên nhân khiến ngành y tế thiếu thuốc, vật tư y tế

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư tiêu hao xuất phát từ cả yếu tố khách quan và chủ quan như dịch Covid-19, tâm lý nhà quản lý...

Sáng 12/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế với sự có mặt của đại diện, lãnh đạo Bộ Y tế, bệnh viện, Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Phát biểu tại tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định tình trạng này đến từ nhiều nguyên nhân gồm cả chủ quan và khách quan. Sau khi xác định được, chúng ta mới có thể có hướng xử lý phù hợp.

Nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong thời gian qua là vấn đề rất nóng trong toàn ngành.

“Trong hơn 2 năm chống dịch, nhiều người dân không được đến các bệnh viện chuyên sâu. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, bắt đầu từ quý II vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai có xu hướng tăng đột biến”, vị lãnh đạo thông tin.

Cụ thể, hầu hết chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian qua tiếp nhận số lượng bệnh nhân tăng đến 5 lần. Con số này khiến áp lực về việc thiếu trang thiết bị y tế, thuốc - vốn có từ trước - tăng lên trầm trọng.

benh vien thieu thuoc anh 1

Ngành y tế gặp nhiều khó khăn sau hơn 2 năm phòng chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Với riêng Bệnh viện Bạch Mai, trong hơn 2 năm chống dịch, nhân lực của cơ sở y tế này có mặt ở hầu hết trận tuyến. Thực tế này cũng dẫn đến những ảnh hưởng nhất định khi trở về khám, điều trị cho người bệnh thông thường.

Song song với đó còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp trúng thầu vật tư tiêu hao, sinh phẩm y tế nhưng không thể cung cấp đủ số lượng hàng. Nhiều đơn vị bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thậm chí phá sản.

Ngoài ra, vấn đề về giá, lợi nhuận cho các doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến các đơn vị này không tham gia đấu thầu.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, tái khẳng định tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao hiện nay là trầm trọng.

“Mức độ trầm trọng trải dài ở tất cả đơn vị khám, chữa bệnh các cấp, tuyến, từ trung tâm y tế xã, phường, bệnh viện cấp tỉnh, thành phố đến cơ sở khám, chữa bệnh tuyến cuối”, ông Quang nói.

Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng khám, chữa bệnh. Sau khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể phải bỏ tiền túi để mua thuốc bên ngoài với mức giá cao hơn nhiều lần, trong khi chất lượng không được đảm bảo.

Mặt khác, vị chuyên gia cho rằng để đưa ra được giải pháp hiệu quả, chúng ta cần tìm rõ nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan của vấn đề.

Về mặt khách quan, tương tự PGS Cơ, TS Quang nhận định hơn 2 năm chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới y tế trong nước cũng như quốc tế. Từ đây, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị cắt đứt. Việc bảo quản, cung ứng thuốc Việt Nam, thậm chí lương thưởng cho nhân lực logistic bị tác động tiêu cực.

Dịch Covid-19 cũng khiến người bệnh có nhu cầu không đến được các cơ sở khám, chữa bệnh. Khi dịch lắng xuống, số lượng người bệnh tăng đột biến dẫn đến thiếu thuốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ việc thiếu nguồn cung dược liệu từ Trung Quốc khi quốc gia này đóng cửa, thực hiện “Zero Covid-19”.

Về mặt chủ quan, TS Nguyễn Huy Quang nhận định nguyên nhân chủ yếu là mặt pháp lý còn tồn tại vướng mắc ở nhiều khía cạnh.

“Nếu tháo gỡ được vấn đề này, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế sẽ được giải quyết hiệu quả”, ông Quang nói.

Vị chuyên gia cũng thừa nhận một số vấn đề liên quan thể chế còn chưa rõ ràng, minh bạch, cụ thể, từ đó khiến các đơn vị tham gia, kể cả Bộ Y tế, các sở y tế, bệnh viện chưa có hành lang pháp lý đầy đủ.

Từ đây, các đơn vị này có thể xuất hiện tâm lý e ngại, cộng thêm tác động của các cơ quan kiểm tra, điều tra cũng như các vụ án trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân chủ quan thứ 3 được TS Quang nêu lên là năng lực tham gia đấu thầu ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở còn có hạn chế nhất định.

“Những người đứng ra thực hiện cần am hiểu về vật tư y tế, thuốc, nhưng đồng thời cũng cần kiến thức liên quan quy định của pháp luật trong đấu thầu”, ông nhấn mạnh.

Cuối cùng, các doanh nghiệp tham gia cung ứng và đấu thầu thuốc, vật tư y tế hiện nay không có được lợi nhuận như mong muốn. Giá thuốc tăng cao nhưng tiêu chí mời thầu thấp hơn.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như cấp số đăng ký, danh mục đấu thầu quốc gia, ảnh hưởng từ nguồn cung…

Gỡ rối như thế nào?

Sau khi trao đổi cùng các chuyên gia, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, nhấn mạnh cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế.

Bà nhận định: “Không giống với các ngành khác, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế có sự phức tạp và đa dạng. Do đó, khó có thể đưa ra sự chi tiết trong vấn đề. Tuy nhiên, tôi cho rằng chắc chắn có thể gỡ được”.

Từ đây, PGS An cho rằng có 2 vấn đề cần khắc phục gồm cơ chế và con người.

Về mặt cơ chế, trong một đất nước phát triển, các văn bản quy phạm pháp luật sẽ có tuổi thọ nhất định. Nhiều văn bản sẽ phải sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế trong thời điểm hiện tại.

benh vien thieu thuoc anh 2

Sự thiếu hụt thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần sự phối hợp giải quyết từ cả Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng như Bộ Ngoại giao. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

“Bộ Y tế sẽ cần rà soát ngay. Xem chỗ nào sai, không phù hợp thì đề xuất sửa ngay. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng phải trực tiếp xuống các bệnh viện để xem xét, đánh giá thay vì chờ báo cáo từ dưới gửi lên”, bà nói.

Mặt khác, liên quan yếu tố con người, PGS An khẳng định các đơn vị cũng cần rà soát, đánh giá lại những người không đủ năng lực, không phù hợp, từ đó mạnh dạn thanh lọc.

Ngoài ra, phải phân cấp triệt để, quản lý dựa trên cơ sở pháp luật, quy trách nhiệm cho người đứng đầu.

PGS An nói thêm: “Toàn bộ hệ thống phải vào cuộc. Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao phối hợp để thẩm định giá, đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng về chất lượng, từ đó làm nền tảng cho công tác đấu thầu”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Huy Quang bổ sung khi hệ thống chưa rõ ràng, cụ thể, các lãnh đạo, dù không vì lợi ích cá nhân, cũng có tâm lý e ngại vì cơ quan quản lý.

“Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cho Bộ Y tế đề xuất giải pháp. Tuy nhiên, những đề xuất này có thể đè lên quy định ở phạm vi khác. Lúc này, Chính phủ sẽ có trách nhiệm xử lý”, ông nói.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính liên quan vấn đề đấu thầu thuốc, thiết bị y tế…

“Về vấn đề này, chúng ta phải có các nghiên cứu, đề xuất để tìm hướng gia hạn, đáp ứng các yêu cầu đặt ra”, TS Quang nhấn mạnh.

Địa phương sợ sai, không dám đấu thầu thuốc và vật tư y tế

Theo Bộ Y tế, hiện có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, vật tư y tế thông dụng.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm