Tham gia chiến đấu ở mọi trận tuyến, mọi lĩnh vực khác nhau của lực lượng công an, dù ở lĩnh vực nào từ nữ CSGT, nữ Cảnh sát khu vực, nữ quản giáo, nữ trinh sát hình sự, hậu cần, xây dựng lực lượng, y bác sĩ… những nữ chiến sĩ mang trên mình bộ sắc phục công an nhân dân đều luôn cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ góp phần không nhỏ vào thành tích chung của lực lượng Công an nhân dân trong việc giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Nữ cảnh sát giao thông
Từ gần 2 năm qua, hình ảnh của những nữ chiến sĩ CSGT Công an TP.Hà Nội đứng trên bục chỉ huy điều khiển giao thông tại những chốt giao thông lớn đã trở thành một phần quen thuộc đối với người dân Thủ đô.
Bất kể thời tiết dù rét cắt da cắt thịt, mưa phùn gió bấc hay những ngày hè nóng như đổ lửa và ngay cả trong những cơn mưa rào thì những nữ chiến sĩ CSGT Công an Hà Nội vẫn cứ bám trụ với vị trí và công việc của mình. Sự xuất hiện của những “bóng hồng” trong những khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tại những chốt giao thông trọng điểm thành phố đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân.
Chúng tôi có mặt ở ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương, khi ca trực của Thiếu úy Vương Thu Thảo, cán bộ Đội 7 - Phòng CSGT - Công an TP.Hà Nội chuẩn bị bắt đầu. Nghiêm trang trong bộ cảnh phục màu vàng nắng nhưng Thiếu úy Vương Thu Thảo vẫn để lại cho người đối diện ấn tượng bởi sự nữ tính với khuôn mặt được trang điểm nhẹ nhàng.
Ra trường rồi được phân công về Đội CSGT số 7, từ hơn 1 năm nay tuần đều đặn 3 buổi, Thiếu úy Thảo thường thức dậy từ 5h30 đến đội tập trung thay quân tư trang rồi “hành quân” ra chốt.
Bắt đầu ca làm việc buổi sáng từ 6h45 - 8h và buổi chiều từ 16h45 - 18h. Những ngày đầu ra chốt là một thử thách thực sự đối với Thảo, hơn 1 giờ đứng trên bục khiến đôi chân mỏi nhừ, cảm giác như kiệt sức, khí quản thì bị “tra tấn” bởi bụi và mùi khói xe.
Tuy nhiên dần dần mọi thứ đã trở nên quen thuộc và Thảo đã rất nhanh chóng thích nghi với nhiệm vụ của mình. Cô tâm sự: “Chỉ huy giao thông trong giờ cao điểm lúc nào cũng là một việc khó khăn, tuy nhiên có sự hỗ trợ của các đồng chí nam nên cũng dễ dàng hơn. Đối với nữ, đứng trên bục điều tiết giao thông mình phải linh hoạt, phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt tình hình, từ đó đưa ra những chỉ huy dứt khoát để cho người dân đi lại được dễ dàng. Càng ngày thì ý thức người dân cũng nâng cao, khi mình điều tiết giao thông người dân cũng vui vẻ chấp hành như vậy là việc tốt cho mình rồi”.
Hơn 1 năm đứng chốt, có rất nhiều kỷ niệm với người nữ chiến sỹ CSGT trẻ tuổi này mà với Thảo kỷ niệm nào cũng đáng nhớ và chỉ riêng có ở những người đứng chốt.
Cách đây không lâu, trong khi Thảo đang tham gia điều tiết giao thông thì bất ngờ có một người thanh niên dừng xe trước bục và đưa cho Thảo một tờ giấy kèm theo một nụ cười rất tươi. Đến cuối ca trực Thảo giở tờ giấy ra xem, thì ra đó là những tâm sự của một người ngày nào cũng đi qua ngã tư này.
“Có lẽ là một người tham gia giao thông quen thuộc nên anh ấy viết những lời động viên tôi và cám ơn cô Cảnh sát giao thông đã giúp cho hôm nay đi làm sớm, không bị tắc đường. Anh ấy còn làm cả một bài thơ rất dài viết về người nữ cảnh sát giao thông. Thực sự là rất xúc động”, Thảo kể.
Trước lúc chia tay để Thảo bắt đầu với công việc của mình, tôi hỏi Thảo nếu trong ngày 20/10 mà vẫn phải làm việc đứng phân luồng giao thông Thảo có mong ước gì không, cô gái trẻ chỉ cười bẽn lẽn: “Trong ngày 20/10, em mong mọi người sẽ ưu ái hơn với những nữ Cảnh sát Giao thông chúng em. Mong mọi người sẽ vui vẻ tự giác chấp hành luật giao thông, và giả sử nếu có thêm những lời động viên từ những người tham gia giao thông nữa thế là vui lắm rồi”.
Hạnh phúc vì hoàn thành nhiệm vụ
Có dịp tham gia giao thông qua những nút giao thông, được chứng kiến những nữ CSGT đứng lên bục chỉ huy điều khiển giao thông thực sự mới thấy được hết những khó khăn, vất vả mà họ phải chịu đựng. 15 chốt giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội có sự tham gia của các nữ CSGT đều là những nút giao thông trọng điểm có sự tham gia của rất nhiều phương tiện.
Đứng điều tiết giao thông tại những địa điểm này, trong hơn 1 giờ mỗi ca trực những nữ CSGT phải liên tục thực hiện những động tác điều khiển giao thông từ đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái, dừng lại… đòi hỏi phải luôn chính xác và mạch lạc để tránh cảnh lộn xộn và ùn tắc.
Đối với mỗi người nữ cảnh sát giao thông tham gia đứng chốt, mỗi ca trực của họ thực sự luôn căng thẳng và mệt mỏi với lượng phương tiện tham gia giao thông luôn ở mức cao nhất. Sau mỗi hồi còi lệnh dứt khoát vang lên, từng đoàn xe lại nhịp nhàng nối đuôi nhau qua ngã tư, hoặc dừng lại ngay ngắn trật tự trước vạch sơn dành cho người đi bộ.
Thượng sỹ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cán bộ của đội CSGT số 14 dù đã có 1 năm kinh nghiệm đứng ở cửa ngõ giao thông phía Nam của thành phố chia sẻ về công việc của mình: “Mặc dù công việc hết sức vất vả, trong giờ cao điểm hàng ngày phải điều tiết một lượng lớn xe cộ, có những lúc cũng cảm thấy thực sự mệt mỏi nhưng tôi luôn hạnh phúc sau mỗi ca trực vì thấy mình đã hoàn thành được nhiệm vụ”.
Hạnh tâm sự dù bố mẹ ở nhà nhiều lúc rất thương con gái phải vất vả với công việc nhưng lại luôn tự hào vì có con gái là CSGT. Còn với bản thân Hạnh, cô luôn xác định mình phải cố gắng vượt qua những khó khăn trong công việc bởi một điều đơn giản là công việc của Hạnh ở chốt giao thông này chính là sự lựa chọn của cô và Hạnh luôn hết mình với sự lựa chọn đó.
Có lẽ những tâm sự của Hạnh cũng chính là suy nghĩ của rất nhiều những nữ chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ tại các chốt giao thông. Dù cho nhiều người tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng tất cả họ đều không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng hy sinh những công việc riêng tư của bản thân và gia đình để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trên mặt trận phòng chống ma túy
Còn ở một trận tuyến khác, khốc liệt hơn, đó là công việc của các nữ trinh sát phòng chống tội phạm về ma túy. Cũng giống như các nam đồng nghiệp là phải mật phục, theo dõi các đối tượng đi giao “hàng”, xác định các đại lý buôn bán lẻ, luân chuyển “hàng” đi khắp nơi, rồi lại theo dõi, nay theo dõi ở chốt này, mai chuyển sang địa bàn khác… cứ như vậy, các nữ trinh sát phải liên tục bám theo. Đó là câu chuyện của Thượng úy Lê Thị Giang, Đội Cảnh sát điều tra Tội phạm về ma túy, Công an huyện Thanh Trì.
Thượng úy Lê Thị Giang chia sẻ. Là một nữ trinh sát chống tội phạm ma túy thì đương nhiên là phải xác định sẽ cùng các đồng đội nam tham gia điều tra những chuyên án ma túy lớn, có tính chất liên tỉnh, đối mặt với những tên tội phạm cực kỳ manh động khiến sự phức tạp, nguy hiểm không thể kể hết.
Phải làm quen với những chuyến đi công tác dài ngày, trèo đèo lội suối, vượt núi băng rừng hay phải ăn ngủ hàng tháng trời trong hang đá giáp biên giới không phải chỉ là một lần hai lần, một ngày hai ngày mà thậm chí là triền miên. Ít thì một vài tuần, nhiều thì hàng tháng trời.
Lợi nhuận khổng lồ và cả cái án tử hình luôn treo lơ lửng trên đầu khiến những kẻ này lúc nào cũng găm hàng “nóng” theo người, sẵn sàng chống trả quyết liệt nếu bị phát hiện, bắt giữ. Trong bóng tối của rừng già, những con “rắn độc” cứ trườn mình thoăn thoắt, lúc ẩn lúc hiện, móc nối cấu kết với những chân rết nhằm tập kết và vận chuyển “hàng” bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi tạo nên vô vàn khó khăn cho các chiến sĩ công an.
Chiến đấu ở một mặt trận vô cùng nóng bỏng và nguy hiểm, nhưng nữ trinh sát Lê Thị Giang đã biết vượt qua nỗi sợ hãi trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết để không ít lần thâm nhập vào hang ổ, đường dây ma túy khét tiếng để cùng đồng đội lập nên những chiến công.
“Trong số hàng chục vụ án ma túy lớn nhỏ đã triệt phá, vụ án bắt giữ 2 vợ chồng Phạm Huy Hùng - Nguyễn Thị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) rất điển hình và khiến tôi nhớ nhất. Vợ chồng Hùng - Hạnh cầm đầu một đường dây mua bán ma túy lớn từ Sơn La, Nghệ An về tới Hà Nội. Đến hẹn lại lên, cứ nửa tháng một lần, Hùng - Hạnh di chuyển bằng ôtô từ Hà Nội lên theo một cung đường nhất định lên Sơn La, Nghệ An hoặc vùng giáp biên giới Việt - Lào để lấy hàng", thượng uý kể.
Đầu tiên cảnh sát chỉ phát hiện được đầu mối, đó là một đại lý nhỏ chuyên bán lẻ. Chủ cơ sở thường xuyên lấy hàng của Hùng - Hạnh; sau nhiều lần bám sát mục tiêu, phân tích sơ bộ, chúng tôi xác định đây là một đường dây ma túy rất lớn. Chuyên án ngay lập tức được lập để quyết tâm đấu tranh. Hùng - Hạnh là cặp tội phạm rất khó tiếp cận, chúng có sự cảnh giác rất cao với những diễn tiến xung quanh mình.
Sự tinh vi được thể hiện rõ qua việc đối tượng chỉ giao tiếp với người quen. Ngay lập tức chúng tôi thay đổi phương án, bắt buộc phải đánh các “chân rết” trước, cắt đứt hoặc khống chế những điểm nhỏ nhất rồi dần triển khai tiếp cận đối tượng.
Đây là một chuyên án mất rất nhiều thời gian và công sức của cảnh sát. Theo dõi rất nhiều, vất vả đi theo, bọn chúng liên tục di chuyển địa điểm, có những lần bọn chúng gom tiền đi lấy hàng, lên tới nơi bỗng dưng… đổi ý không lấy hàng nữa do linh tính có chuyện không hay, sợ “có biến”. Những lần đó chúng tôi trở về tay trắng mà không thu được bất kỳ một chút kết quả nào.
Diễn ra nhiều lần như thế nếu không có lòng kiên trì và quyết tâm triệt phá tội phạm sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái chán nản, rồi bỏ cuộc. Và cái gì đến rồi cũng sẽ đến, vào một ngày mật phục, theo dõi, thượng uý Giang cùng tổ công tác bí mật dùng xe máy bám theo chiếc ôtô của vợ chồng Hùng - Hạnh lên Sơn La lấy “hàng”.
Sau 1 ngày đêm theo dõi, bám sát, lăn lộn trong rừng, sớm tinh mơ ngày hôm sau vợ chồng Hùng - Hạnh cùng 3 bánh heroin và 1 khẩu súng K59 với 4 viên đạn đã lên nòng đã không kịp kháng cự khi công an ập vào rất nhanh, trấn áp đối tượng với chiếc còng số tám.
Chuyên án tiếp tục được mở rộng, Vì Văn Hương - “ông trùm” chuyên cung cấp ma túy cho Hùng - Hạnh ở bản Bó Sập, xã Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La cũng đã bị chúng tôi bắt giữ ngay sau đó. Khó khăn chưa hết, bọn chúng đều đã bị bắt nhưng ròng rã đấu tranh mất gần 1 tháng sau 2 tên Hùng - Hạnh mới chịu nhận tội.
Ý thức luôn hoàn thành tốt công việc
Trong thời buổi kinh tế hội nhập, tội phạm kinh tế nói chung và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng cũng ngày càng phức tạp. Việc đảm bảo an ninh trong lĩnh vực này luôn gặp phải những thách thức lớn, và không phải ai cũng có thể đảm nhiệm trọng trách ấy, nhất là ở vị trí của một nữ chiến sĩ như Thiếu tá Hoàng Thị Bích Hạnh, thuộc Đội Ngân hàng và chống tội phạm tiền giả - Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, CATP.Hà Nội.
Là trinh sát “cứng” của Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, trong suy nghĩ của nữ Thiếu tá sinh năm 1979 luôn luôn là câu hỏi làm thế nào để hoàn thành một cách tốt nhất nhiệm vụ được giao. Tài chính ngân hàng là một trong những lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, chính vì thế, việc đảm bảo an ninh tuyệt đối cho các địa bàn được phân công luôn là nhiệm vụ được Thiếu tá Hoàng Thị Bích Hạnh đặt lên hàng đầu.
“Tôi luôn ý thức được việc phải làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản tại địa bàn được phân công theo dõi, thường xuyên tham mưu hướng dẫn cho thủ trưởng các cơ quan doanh nghiệp giải quyết tốt các vụ việc liên quan đến an ninh chính trị, kinh tế và trật tự an toàn xã hội”, chị chia sẻ.
Với Thiếu tá Hoàng Thị Bích Hạnh, một trinh sát an ninh phải luôn giữ được trái tim nóng với nghề, nhưng cũng đồng thời phải có cái đầu lạnh, tỉnh táo để phân tích, đánh giá cặn kẽ và chính xác tình hình, qua đó đưa ra những giải pháp hiệu quả và triệt để nhất.
Thiếu tá Hoàng Thị Bích Hạnh cho biết: “Tội phạm kinh tế và tiền giả là tội phạm có tri thức, có kiến thức chuyên môn sâu. Vì thế, công tác giáo dục chính trị tư tưởng lại càng quan trọng và cần phải khéo léo”. Trong thời gian gần đây, Thiếu tá Bích Hạnh đã trực tiếp tham gia giải quyết, xác minh nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, mà nếu không được khám phá kịp thời, có thể gây thiệt hại rất lớn cho xã hội.
Bên cạnh đó, thiếu tá Hoàng Thị Bích Hạnh còn phối hợp với Chi cục quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối trong hoạt động kinh doanh tại nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, ngăn chặn được nhiều hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép.
“Công việc đem lại cho chúng tôi tình yêu và sự gắn bó với cuộc sống sôi động này. Chúng tôi làm việc với một tâm niệm hết mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó”, Thiếu tá Hoàng Thị Bích Hạnh bộc bạch.
Nữ chỉ huy tận tụy
Nếu tính riêng 12 quận và 1 thị xã trên địa bàn thành phố thì hiện nay Hà Nội có khoảng gần 180 đơn vị hành chính cấp phường. Và tương ứng với các đơn vị hành chính đó cũng là ngần ấy đơn vị công an cấp cơ sở. Tuy nhiên, ít người biết rằng trong con số không phải là nhỏ này chỉ có duy nhất một người chỉ huy là nữ. Chị là Trung tá Khúc Thị Bạch Liên, Trưởng Công an phường Phúc La, quận Hà Đông.
Trung tá Khúc Thị Bạch Liên được chính thức bổ nhiệm là Trưởng Công an phường Phúc La năm 2012. Phụ trách một địa bàn khá “nóng” về tình hình ANTT với 19 tổ dân phố và trên 20.000 nhân khẩu đòi hỏi người nữ Trưởng công an phường này không chỉ phải vững về nghiệp vụ mà còn phải phát huy được vai trò của người chỉ huy trong công tác điều hành chỉ đạo.
Chị Liên tâm sự: “Trước mỗi khó khăn, tôi luôn tự động viên mình phải phát huy được đoàn kết nội bộ, từ chỉ huy đến cán bộ chiến sĩ. Đã là công việc thì đều phải đồng lòng, đặt hiệu quả công việc là mục đích cuối cùng”.
Với tinh thần và sự quyết tâm đó đã có rất nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn phường Phúc La đã được cán bộ chiến sỹ của phường xử lý một cách nhanh gọn, kịp thời.
Điển hình như vụ trộm cắp xe máy xảy ra trên địa bàn phường vào tháng 9 năm 2013. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ lúc nhận được tin báo, công an phường Phúc La đã bắt được đối tượng, thu hồi tang vật để trả cho người bị hại.
Khi phát hiện ra vụ việc, kẻ phạm tội lúc đó đã bỏ trốn khỏi Hà Nội. Tuy nhiên, từ những đầu mối của vụ việc, Trung tá Liên đã chỉ đạo lực lượng CSHS của phường kịp thời xác minh, đấu tranh để tìm ra đầu mối. Sau khi xác định được kẻ nghi vấn, ngay trong đêm hôm đó, Công an phường Phúc La đã kịp thời tổ chức truy bắt thủ phạm ở tỉnh Tuyên Quang.
Chị Liên cho biết bất cứ thông tin gì người dân cũng đều có thể tìm đến với lực lượng công an cơ sở. Bởi đó là lực lượng gần dân nhất và có thể coi như cầu nối của người dân với lực lượng công an. Đó là bài học đầu tiên mà Trung tá Khúc Thị Bạch Liên nằm lòng khi về nhận công tác ở địa bàn cơ sở.
Chị Liên kể, năm 2008 khi chị vừa chân ướt chân ráo chuyển từ Đội An ninh nhân dân của Quận Hà Đông về vị trí Phó trưởng Công an phường Văn Quán, chị được anh em kể về những câu chuyện kiểu “con cá, lá rau” mà công an phường vẫn phải giải quyết. Lúc đó trong đầu chị nghĩ đó chỉ là những chuyện anh em đùa trêu cho vui chứ thực tế thì chẳng đến mức như vậy.
Nhưng rồi qua thực tế chị mới thấy, đó đúng là những câu chuyện chẳng thể có được trong sách vở nhà trường. Nào là chuyện nhà kia hai vợ chồng trí thức hẳn hoi vậy mà chỉ vì tị nạnh nhau cái chuyện thay bỉm cho con nhỏ rồi quay ra mâu thuẫn, to tiếng với nhau, đỉnh điểm là kéo nhau lên công an phường. Rồi lại có chuyện một nhà anh chồng nọ nửa đêm đi uống rượu say về muốn đòi vợ không được quay ra đánh chửi, cô vợ sợ quá phải chạy ra công an phường.
Hài hước hơn là chuyện hai nhà hàng xóm ở sát vách nhau, chỉ vì chó bậy ra đường, nhà nọ trách nhà kia cũng thành ra cãi nhau cuối cùng, mâu thuẫn lên đỉnh điểm đến mức công an phường phải can thiệp.
Chị Liên tâm sự, với những vụ việc như vậy nếu cứ căng theo luật thì cũng có thể giải quyết được, nhưng tôi vẫn thường căn dặn cán bộ của mình phải xử lý một cách hợp tình hợp lý. Nếu cần thiết phải huy động tổ hòa giải vào cuộc, thậm chí nếu thấy cần thiết phải đưa ra kiểm điểm trước tổ dân khu phố để tránh những tình huống mâu thuẫn phát sinh.
“Với trách nhiệm người đứng đầu của một phường, tôi luôn quán triệt với cán bộ của mình, nếu người dân tìm đến Công an phường dù cho là thiếu hiểu biết hay thiếu thông tin thì người cán bộ cứ hướng dẫn, giúp đỡ hết lòng, hết trách nhiệm của mình đi đừng sợ thiệt thòi, rồi sẽ có lúc người dân sẽ lại bù đắp cho mình. Còn nếu lợi dụng quyền hạn để sách nhiễu người dân phản ánh thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chế tài xử lý cán bộ nghiêm túc là động lực để tiếng nói có hiệu quả hơn”…
Trong một lần trò chuyện với một nữ trinh sát nhiều năm công tác chiến đấu trong lực lượng, chúng tôi đã hỏi chị thích nhất điều gì và thật bất ngờ khi nghe câu trả lời của chị - đó là chị thích những chiều thảnh thơi, được đi chợ nấu cơm cho chồng và các con. Một ước mơ giản dị, tưởng như rất đỗi bình thường với vạn vạn người phụ nữ trên thế gian này thế mà lại là quý giá đối với những người nữ trinh sát.
Và tôi hiểu, chẳng phải riêng chị, đó là nỗi niềm chung của tất cả các nữ chiến sỹ đang khoác trên mình sắc phục Công an nhân dân. Để gắn bó với nghề - họ đã phải hy sinh một phần hạnh phúc riêng tư… Như chị Khúc Thị Bạch Liên tâm sự là luôn phải giành nhiều thời gian cho công việc thế nhưng bất cứ khi nào rảnh rỗi là chị lại tìm cách bù đắp cho gia đình của mình: “Đôi khi không phải là điều gì lớn lao mà chỉ cần có một bữa ăn ngon, một ngày nghỉ trọn vẹn để chăm sóc cho các con như vậy đã là rất quý rồi!”.
Còn với nữ trinh sát trẻ Phạm Thị Giang, công việc của chị ranh giới giữa sự sống và cái chết nhiều lúc chỉ cách nhau như sợi chỉ mỏng. Nhưng bỏ lại sau tất cả, chị cho biết: “Tôi và đồng đội của mình vẫn sẽ đương đầu với cuộc chiến khốc liệt ấy khi tội phạm ma túy vẫn chưa bị loại trừ ra khỏi xã hội”…