Cuối tháng 12/2019, thế giới chấn động bởi dịch Covid-19. Bắt nguồn từ Vũ Hán, đến thời điểm ngày 23/2, virus corona đã lan rộng Trung Quốc và ra toàn cầu khiến nhiều quốc gia lo lắng. Đặc biệt, ngày càng nhiều ‘ổ dịch’ phức tạp khác ngoài Vũ Hán nhiều công dân toàn thế giới lo ngại.
Vũ Hán: Tâm chấn Covid-19
Ngay khi những ca tử vong đầu tiên phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vào thời điểm Tết Nguyên đán, nỗi lo của một đại dịch lớn dần lên. Cảm giác sợ hãi bao trùm toàn thế giới vì loại virus chưa từng được biết đến lây lan từ Trung Quốc sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Ở Vũ Hán - tâm chấn của dịch Covid-19, chính quyền áp lệnh phong tỏa, khóa chặt thành phố. Ngày 23/1, giới chức ở thành phố lớn nhất tỉnh Hồ Bắc tuyên bố rằng Vũ Hán sẽ bị phong tỏa. Đó là động thái chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc và trên thế giới.
Vũ Hán vắng lặng và căng thẳng đến nghẹt thở vì Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Vũ Hán vắng lặng, giao thông tê liệt, bệnh viện quá tải. Trung Quốc chật vật tìm cách kiểm soát dịch. Đỉnh điểm ngày 6/2, số người tử vong vì virus corona trên toàn Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục, 73 người. Hàng nghìn bác sĩ được gửi tới Vũ Hán để chiến đấu với “con quỷ corona”. Tất cả y bác sĩ đều phải làm việc hết công suất để đương đầu với dịch.
Đến thời điểm ngày 23/2, số ca tử vong vì virus corona ở Trung Quốc tăng lên 2.442 với 97 trường hợp tử vong mới. Tổng số ca nhiễm ở nước này là 76.936. Trong khi tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm của dịch, ghi nhận 630 ca nhiễm mới trong ngày 22/2, tăng gần gấp đôi so với 366 ca ngày trước đó, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Diamond Princess: Ổ dịch trên đại dương
Đây là một trong những điểm mang dịch di động chưa từng có trong lịch sử dịch bệnh toàn cầu. Theo số thống kê ngày 21/2, tổng cộng 621 người từ du thuyền đã được xác nhận dương tính với virus corona. Chiếc du thuyền hạng sang Diamond Princess chuyên chở hơn 3.700 người đã trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc.
3.700 hành khách trên Diamond Princess bị cách ly trên đại dương, 621 người đã phát hiện dương tính với virus corona. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, con thuyền này phải lênh đênh trên đại dương nhiều ngày khi bị 5 quốc gia từ chối cập cảng vì sợ lây lan dịch bệnh. Diamond Princess trở thành nỗi khiếp sợ với nhiều quốc gia. Ngày 22/2, các hành khách còn lại của con tàu được xuống đất liền sau 14 ngày cách ly. Nhưng cơn ác mộng còn lâu mới kết thúc với hơn 1.000 thành viên thủy thủ đoàn, lúc này, họ lại phải lao vào thời điểm cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ hành khách của mình.
Riêng Nhật Bản, tình hình càng trở nên căng thẳng khi những hành khách vừa xuống tàu, quốc gia này đã phát hiện thêm ca tử vong đã từng đi chung trên con thuyền. Ngày 23/2, Nhật Bản ghi nhận người thứ 3 tử vong sau khi nhiễm virus corona trên du thuyền Diamond Princess. Tới nay, số ca nhiễm tại Nhật đã lên tới 773.
Hàn Quốc: 7 ca tử vong, số người tăng nhanh phức tạp
Ngày 24/2, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận ca tử vong thứ 7. Trước đó, tình hình dịch Covid-19 tại đây sôi sục lên theo từng giờ khi phát hiện ca “siêu lây nhiễm” ở Daegu, liên quan đến một sự kiện trong nhà thờ của giáo phái Shincheonji. Đây là nơi một phụ nữ 61 tuổi tham dự hai hoạt động trước khi xét nghiệm dương tính với virus..
Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Daegu được phát hiện vào hôm 18/2. Đến ngày 21/2, cả thành phố và các khu vực lân cận có 152 ca nhiễm, bao gồm cả 2 trường hợp tử vong đầu tiên của Hàn Quốc do Covid-19.
Đến thời điểm này, Hàn Quốc đã ghi nhận 602 ca dương tính với virus corona, trong đó có 329 ca được ghi nhận có liên quan tới nhà thờ nói trên. Hàn Quốc là "ổ dịch" lớn thứ 3 trên toàn thế giới, sau Trung Quốc và Nhật Bản,
Italy: Ổ dịch đầu tiên của châu Âu
Chiều ngày 23/2, người đứng đầu vùng Lombardy thông báo số ca nhiễm virus corona tại đây đã lên 89 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Italy lên hơn 100, trong đó, có 2 ca tử vong, theo Reuters. Italy là quốc gia đầu tiên tại châu Âu phát hiện bệnh nhân ngoài Trung Quốc tử vong vì virus corona.
Khoảng 10 thị trấn tại miền Bắc Italy bị phong tỏa, giao thông tê liệt. Thủ phủ của Lombardy là Milan cũng đóng cửa các cơ quan hành chính.