Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những quy tắc cần biết khi đi ăn cùng đối tác

Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn giữ được hình ảnh đẹp và lịch sự khi đi ăn cùng đối tác, bất kể bạn ở đâu đi chăng nữa.

Trước bữa ăn             

1. Hãy ăn nhẹ: Bạn có thể sẽ gặp đối tác ở một nhà hàng nổi tiếng vì đồ ăn ngon, nhưng không vì thế mà để bụng đói mèm, vì có thể bạn sẽ chú tâm đến đồ ăn hơn là nói chuyện. Hãy ăn một chút đồ ăn nhẹ trước khi đi, dù chỉ là một miếng trái cây hay bánh quy nhỏ.

2. Ăn mặc phù hợp: Việc bạn mặc trang phù gì tùy thuộc vào đối tác. Hãy ăn mặc lịch sự nếu đó là một chuyên viên tài chính, hoặc chọn trang phục thoải mái nếu đó là một người chuyên về kỹ thuật. Một cách khác là nên dựa vào kiểu nhà hàng để chọn trang phục. Nếu bạn vẫn không chắc chắn, ăn mặc cẩn thận một chút vẫn tốt hơn là xuềnh xoàng.

3. Để điện thoại ở chế độ yên lặng: Hãy chuyển chế độ điện thoại và để riêng một chỗ. Đừng sử dụng điện thoại khi đi ăn.

4. Đến đúng giờ: Hãy đi sớm một chút để đảm bảo bạn sẽ tới buổi hẹn đúng giờ, thậm chí sớm hơn một chút cho an toàn. Nếu bạn đến muộn, hãy gọi cho đối tác hoặc nhà hàng để thông báo. Trong trường hợp đối tác đến trễ, hãy đợi ít nhất 15 phút trước khi liên lạc với họ.

Khi đến nơi

5. Bắt tay mọi người: Chào mọi người bằng một cái bắt tay thật chặt và nhìn thẳng vào mắt họ, đồng thời giới thiệu bản thân với những người bạn không biết. Hãy cố gắng nhớ tên mọi người, đặc biệt là người chủ trì bữa tiệc vì bạn sẽ phải cảm ơn họ sau đó.

6. Để đồ dưới ghế của mình: Sẽ thật bất tiện nếu bạn phải tìm túi, kính, điện thoại của mình trong nhà hàng. Quy tắc số một ở đây là không nên để bất cứ thứ gì dưới bàn ăn dù là nhỏ đến đâu. Bạn nên để đồ dưới ghế hoặc sau lưng mình.

7. Chờ cho người chủ trì ngồi xuống trước: Ở nhiều nước, phép lịch sự là mọi người đều phải đứng cho tới khi người chủ trì bữa tiệc ngồi xuống. Nếu không có người chủ trì, hãy đợi cho người cao cấp nhất hoặc lớn tuổi nhất ngồi trước. Tuy nhiên, ở một số nước, người chủ trì không bao giờ ngồi xuống trước khách. Hãy kiểm tra quy tắc cẩn thận nếu bạn ở một nước xa lạ.

8. Đặt khăn ăn vào lòng: Ngay khi ngồi xuống, hãy lấy khăn ăn trên bàn, tháo ra và đặt lên lòng mình. Đừng giắt khăn ăn vào áo ở phía trước. Nếu bạn phải rời bàn ăn, hãy gấp nhẹ, đặt khăn ăn lên ghế chứ đừng đặt lên bàn phía trước mặt. Điều này ngầm báo với người phục vụ rằng bạn sẽ vẫn quay trở lại.

Cách bày dụng cụ trên bàn ăn. Ảnh: The kitchn.

Việt hóa: Vũ Vi.

9. Làm quen với các món đồ trên bàn: Ở các bữa ăn trang trọng, bạn sẽ thấy rất nhiều dao, nĩa, thìa dành cho các món ăn khác nhau. Hãy ghi nhớ công dụng của từng món. Nếu không nắm chắc, hãy bắt đầu sử dụng các dụng cụ từ phía ngoài vào. Thông thường, các món ăn đặc thường ở bên trái, còn các món súp và đồ uống sẽ nằm ở phía bên phải. Các loại nĩa nằm ở bên trái, riêng nĩa ăn hải sản được đặt ở bên phải. Ly nước nằm ở bên trái ly rượu.

Gọi đồ ăn

10. Gọi soda và chanh: Thông thường, bạn không nên gọi đồ uống có cồn trong bữa ăn với đối tác. Thay vì đó, hãy gọi soda chanh hoặc trà đá. Nếu người chủ trì khuyến khích, hãy gọi một cốc bia hoặc một ly rượu, và hãy để ý xem tốc độ uống của người chủ trì như thế nào. Bạn nên uống chậm hơn họ một chút. Ở một số nước như Nga, mời rượu là tín hiệu của sự tin tưởng và tình bạn, vì vậy đừng từ chối.

11. Để ý xem người chủ trì gọi món gì: Bằng cách này, bạn sẽ biết bạn nên gọi món gì. Nếu họ chưa gọi món, bạn có thể hỏi ý kiến của họ.

12. Sẵn sàng gọi món: Bạn có thể hỏi người phục vụ một hoặc hai câu hỏi, nhưng đừng bắt họ phải giải thích mọi thứ trong thực đơn, trừ khi bạn bị dị ứng với một số đồ ăn.

13. Đừng gọi món đắt nhất: Điều này là rất thô lỗ. Hãy để món tôm hùm hay những món đắt đỏ cho một dịp khác.

14. Đừng gọi những món khó ăn: Những đồ dễ ăn gồm gà, cá hay salad. Các loại khó để ăn một cách đẹp mắt là burger, spaghetti, tôm hùm, các món cầm tay, hoặc những món ăn có nhiều xốt hay dễ bị mắc răng.

Phần tiếp: Ăn như thế nào?

Thúy Nguyễn

Bạn có thể quan tâm