General Motors xâm phạm đời tư “Người thổi còi”. Năm 1965, luật sư Ralph Nader xuất bản cuốn “Unsafe At Any Speed” (Không an toàn ở bất cứ tốc độ nào), đề cập việc thiếu trang thiết bị an toàn của ôtô, đặc biệt là mẫu xe Chevrolet Corvair của General Motors. Ngành xe hơi Mỹ rúng động dẫn tới việc ban hành các quy định về an toàn đối với ôtô ngay năm sau đó. Cay mũi với Ralph Nader, GM liền thuê thám tử theo dõi ông này. Nader kiện GM ra tòa và đã thắng kiện 425.000 USD vào năm 1970 (tương đương 2 triệu USD ngày nay). |
John DeLorean bị buộc tội buôn cocaine. Cha đẻ mẫu xe Pontiac GTO, cựu phó chủ tịch General Motors, đồng thời là nhà sáng lập DeLorean Motor Company bị FBI bắt năm 1982 vì sở hữu gần 27 kg cocain trị giá 24 triệu USD (hơn 60 triệu USD ngày nay). Luật sư của DeLorean lập luận rằng thân chủ của họ bị gài bẫy và được bồi thẩm đoàn tuyên bố vô tội. Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười mãi với DeLorean. Không lâu sau đó, ông lại ra tòa với cáo buộc gian dối. DeLorean phải trả hàng triệu USD cho luật sư biện hộ. |
Daimler hối lộ quan chức nhiều quốc gia. Cuộc điều tra năm 2010 của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) kết luận rằng công ty Daimler của Đức đã hối lộ quan chức nhiều quốc gia nhằm đổi lấy sự ủng hộ về mặt chính sách. Daimler được cho đã hối lộ hơn 56 triệu USD trong 10 năm cho quan chức các nước Nga, Trung Quốc, Nigeria, Hungary, Latvia, Croatia, Bosnia... |
Triệu hồi túi khí Takata. Vụ triệu hồi lớn nhất trong lịch sử ngành xe hơi thế giới ảnh hưởng tới 37 triệu xe, thu hồi 50 triệu túi khí Takata. Theo số liệu của Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), tính đến nay đã có hơn 250 người bị thương và 15 người thiệt mạng vì lỗi túi khí này. |
Volkswagen và thảm họa gian lận khí thải. Kéo dài suốt 11 năm, gian lận khí thải của Volkswagen là bài học cay đắng nhất trong ngành xe hơi thế giới. Bê bối khiến CEO Volkswagen Group, Martin Winterkorn, phải từ chức, công ty thiệt hại hàng chục tỷ USD. |
Xe Toyota tăng tốc đột ngột. Vốn là hãng có nhiều mẫu xe đáng tin cậy, sự cố xe tăng tốc đột ngột đã đánh mạnh vào uy tín Toyota. Hãng xe Nhật phải triệu hồi 5,5 triệu xe, nộp phạt 1,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ. |
Bộ đôi tử thần Ford - Firestone: Năm 2000, cơ quan chức năng Mỹ mở cuộc điều tra sau khi nhận được báo cáo về hiện tượng lốp Firestone trên Ford Explorer có vấn đề. Ford và Firestone tranh cãi nhau kịch liệt. CEO hai công ty buộc phải từ chức, quan hệ hợp tác hai bên chấm dứt. Đau xót hơn, 271 người đã thiệt mạng và hơn 800 người bị thương vì sự cố lốp Firestone trên Ford Explorer. |
Audi tăng tốc đột ngột. Chương trình 60 Minutes năm 1986 đề cập tới lỗi tăng tốc đột ngột của Audi 5000. Ngay lập tức, Audi nhận tới tấp đơn kiện khiến hãng xe Đức phải tháo chạy khỏi thị trường Mỹ. Tuy nhiên, khi NHTSA điều tra, họ không thể phát hiện ra lỗi máy móc nào. Hóa ra, mẫu xe Audi 5000 có chân phanh ở gần chân ga, và cả bàn đạp đều có chung một hình dáng khiến các tài xế Mỹ đạp nhầm chân. |
Ford Pinto phát hỏa. Pinto trỗi dậy từ những năm 1970 và được coi mẫu xe hạng C đầy tiềm năng với kiểu thân hatchback hoặc wagon. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, Pinto dính nghi án phát hỏa trong những vụ tai nạn bị đâm phía sau. Thiết kế bình nhiên liệu đặt giữa trục và tấm cản va phía sau chính là nguyên nhân dẫn tới sự cố này. Ford buộc phải triệu hồi 1,4 triệu chiếc Pinto, đồng thời bị truy tố trong một vụ tai nạn khiến ba người phụ nữ thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên một công ty Mỹ phải đối mặt với cáo buộc giết người. Dù được tuyên bố vô tội, sự cố này vẫn là thời khắc đen tối nhất trong lịch sử hãng xe Mỹ. |
Hộp số tự động của Ford bị lỗi. Hộp số tự động của Ford trong giai đoạn 1966-1980 có lỗi thiết kế mà đáng ra đã có thể khắc phục nếu nhà sản xuất chịu chi thêm 0,03 USD/hộp số. Nhưng Ford đã không làm, để rồi vài năm sau hãng này suýt phá sản khi phải đền bù 23 triệu USD cho khách hàng. NHTSA cho biết đã có 777 vụ tai nạn xảy ra, 259 người bị thương, 77 người thiệt mạng vì lỗi hộp số của Ford. |
Lỗi đánh lửa của General Motors. Nghe có vẻ không nghiêm trọng nhưng lỗi chuyển mạch đánh lửa trên xe GM lại vô hiệu hóa đánh lái, phanh và cảm biến túi khí. Hậu quả gây ra vô cùng nghiêm trọng: 124 người thiệt mạng, GM nộp phạt 900 triệu USD cho Bộ Tư pháp Mỹ, 35 triệu USD cho NHTSA và đền bù 594,5 triệu USD cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng. |