Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những sự thật đáng lo về thời trang giá rẻ

Ngành công nghiệp thời trang bình dân mỗi năm thu về hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, phía sau món lợi khổng lồ này lại là những bí mật xấu xa đủ khiến bạn phải giật mình.

1. Quần áo giá rẻ chứa nhiều hóa chất độc hại

Trung tâm Sức khỏe môi trường Hoa Kỳ khẳng định nhiều nhãn hàng thời trang bình dân nổi tiếng nước này vẫn đang bán ví, thắt lưng hay giày cao gót bị nhiễm chì. Thường hàm lượng chì sẽ tăng lên sau vài năm ký thỏa ước hạn chế dùng kim loại nặng giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. 

Đây là một thủ đoạn tinh vi vì lợi nhuận. Bởi muốn giảm hàm lượng kim loại nặng buộc nhà sản xuất phải sử dụng nhiều kỹ thuật tốn kém hơn. Và vì thế, giá thành sẽ bị đội lên. Đồng nghĩa lợi nhuận thu về giảm sút và khó tồn tại trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Áp lực cân đối chi phí và lợi nhuận có thể khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc giá rẻ bỏ qua đạo đức trong kinh doanh.
Áp lực cân đối chi phí và lợi nhuận có thể khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng may mặc giá rẻ bỏ qua đạo đức trong kinh doanh.

Theo The New York Times, nhiều tổ chức như Trung tâm Y tế môi trường thành phố đang phải đẩy mạnh yêu cầu bức thiết với các hãng thời trang giá rẻ. Trong đó có việc cần giảm hàm lượng chì trong trang phục nữ. Mối lo chính là vì chì tích lũy trong xương có thể được cơ thể phóng thích khi mang thai, gây hại cho cả mẹ và thai nhi. 

Chưa kể các mối nguy không nhỏ khác nếu tiếp xúc quá thường xuyên với kim loại độc hại này. Chẳng hạn như hay mặc quần áo và trang phục lót chứa chì…Cơ thể nhiễm chì sẽ làm gia tăng tỷ lệ vô sinh ở phụ nữ, nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và cao huyết áp.

Một sự thật gây sốc khác mà bạn cần biết về thời trang giá rẻ. Ngoài chì, quần áo bình dân đôi khi còn chứa thuốc trừ sâu, formaldehyde, flame-retardants và một số chất có khả năng gây ung thư.

2. Quần áo giá rẻ rất mau xuống cấp

Đồ bình dân sử dụng chất liệu vải và phụ kiện rẻ tiền. Do đó việc áo quần nhanh phai màu, mau cũ và nhàu nhĩ là điều dễ xảy ra. Ngoài ra, đồ thời trang mau xuống cấp còn xuất phát từ chiến lược kinh doanh của các nhãn hàng giá rẻ. Lợi nhuận hàng năm của họ phụ thuộc vào mong muốn sắm sửa quần áo mới của người tiêu dùng thu nhập thấp.

Mỗi năm trung bình một người Mỹ bỏ hơn 30,6 kg quần áo trong bãi rác.
Mỗi năm trung bình một người Mỹ bỏ hơn 30,6 kg quần áo trong bãi rác.

Do đó mua trang phục giá rẻ, ngoài việc sẽ tốn kém hơn bạn tưởng chính là nguy cơ làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Một thống kê cho thấy trung bình mỗi năm người Mỹ bỏ đi trên 30,6 kg quần áo. Số liệu chưa kể đến lượng trang phục được tặng cho hoạt động từ thiện hoặc bán lại cho các cửa hiệu kinh doanh đồ cũ. 

Điều này có nghĩa là từng đó kg quần áo được mang ra bãi rác. Vì hầu hết quần áo loại này được làm bằng sợi tổng hợp, tơ nhân tạo nên sẽ phải mất hàng thập kỷ phân hủy. Thế nên nguy cơ gây hại cho môi trường là việc khó tránh khỏi.

3. Sử dụng lao động trẻ em

Các chi tiết trang trí bằng cườm, sequin hay thêu tinh tế trên thiết kế cao cấp thường được thực hiện bởi thợ thủ công chuyên nghiệp hoặc máy móc chuyên dụng rất đắt tiền. Giá thành thấp nên hàng bình dân không thể dùng cả 2 phương pháp này. Thay vào đó là việc thuê mướn lao động thủ công giá rẻ. 

Lucy Siegle, một chuyên gia trong lĩnh vực thời trang cho rằng có khoảng 20 – 60% các mặt hàng may mặc trong nhà máy được thêu, đính hoa văn trang trí bởi những lao động thời vụ.

Lao động trẻ em thường được sử dụng trong ngành thời trang vì chi phí nhân công rẻ mạt.
Lao động trẻ em thường được sử dụng trong ngành thời trang vì chi phí nhân công rẻ mạt.

Cũng trong một cuộc điều tra, Siegle đã phát hiện một thực tế gây sốc về hoạt động sản xuất trang phục bình dân. Đó là có hàng triệu gia đình, chủ yếu ở các quốc gia nghèo nhất thế giới đã nhận lãnh phần trang trí cườm, thêu hay đính sequin lên áo quần giá rẻ. “Cả gia đình phải gập người khâu từng hạt cườm, miếng sequin nhỏ vào váy áo. Không phải trong nhà máy sáng đèn, mà ở các khu nhà ổ chuột lụp xụp tối tăm. Và tất nhiên con em họ buộc phải phụ giúp cha mẹ để kiếm cái ăn”. 

Bà còn chua xót nhận xét: “Do không nhận hàng trực tiếp từ nhà máy, nên họ phải mất một khoảng chi phí cho người trung gian. Đó là lý do những người này lẫn con em họ phải còng lưng làm việc, với mức thu nhập được cho là thấp nhất trong ngành công nghiệp may mặc”.

4. “Giảm giá” đôi khi chỉ là chiêu bài buôn bán

Tác giả ấn phẩm Câu chuyện của Maxxinista, Jay Hallstein đã vạch một phần sự thật về “chiêu bài” giảm giá hàng hiệu ở cửa hàng bình dân trên tờ Huffingtonpost. Theo ông, các tín đồ thời trang thường thích mua sắm trang phục, phụ kiện cao cấp được giảm giá “khủng” ở các cửa hàng chuyên bán đồ vét kho (outlet) như TJ Maxx hay Marshall. Tuy nhiên, thật không may vì hầu hết đồ đạc ở đây chưa hẳn đúng là hàng hiệu. Đơn giản hơn, bạn chỉ đang mua nhầm hàng fake mà thôi.

Có thể bạn sẽ mua nhầm hàng fake vốn luôn đầy rẫy khắp các cửa hàng outlet.
Có thể bạn sẽ mua nhầm hàng fake vốn luôn đầy rẫy khắp các cửa hàng outlet.

Jay Hallstein cho biết: “Trái ngược với mong muốn của khách khi đến các cửa hàng “outlet”, hàng hiệu thật sự không bao giờ có mặt ở đây. Tất nhiên bạn sẽ tìm thấy quần áo mang thương hiệu cao cấp, nhưng chất lượng thì khác hẳn”.  Trên thực tế, các cửa hàng loại này thường cấu kết với các hãng may mặc nhỏ để sản xuất hàng fake. Tức là trang phục, phụ kiện giống y nguyên mẫu mã hàng hiệu, nhưng với nguyên liệu kém chất lượng và từ nhân công tay nghề kém”.

5. Trang phục giá rẻ rất mau lỗi mốt

Các công ty thời trang giá bình dân luôn có chiến lược kinh doanh rất khôn khéo. Đó là làm cho bạn cảm thấy trang phục vừa mua nhanh bị lỗi thời chỉ sau vài tuần sử dụng. Và vì thế cũng dễ dàng “móc túi” bạn bằng hàng loạt xu hướng mới thay đổi mỗi ngày. 

Người tiêu dùng rất dễ tốn kém chi phí mua sắm nếu luôn chạy theo xu hướng mốt mới nhất từ hàng giá rẻ.
Người tiêu dùng rất dễ tốn kém chi phí mua sắm nếu luôn chạy theo xu hướng mốt mới nhất từ hàng giá rẻ.

Trước đây, làng mốt chỉ có 2 mùa thời trang chính là xuân hè và thu đông. Đến năm 2014, ngành công nghiệp thời trang giá rẻ tung ra đến 52 mùa thời trang nhỏ hơn (micro - season). 

Bằng việc quảng cáo các xu hướng mới sắp ra mỗi tuần, mục tiêu của những ông lớn thời trang giá rẻ là gây tác động tâm lý làm người tiêu dùng mua càng nhiều quần áo và càng nhanh càng tốt. Có nhiều nhãn hàng giá rẻ ra mắt đồ may mặc mới mỗi ngày. Thậm chí một công ty thời trang bình dân còn giới thiệu đến 400 phong cách trong một tuần trên website riêng. Kết quả là khách hàng nhanh chóng rơi vào “ma trận” xu hướng mốt, và việc chi bộn tiền vì bị cám dỗ là chuyện rất dễ xảy ra.

Mi Quỳnh

(Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm