Ở làng nhạc Hàn Quốc, những chàng trai, cô gái xinh đẹp đang ngày ngày hoạt động miệt mài để trước hết là kiếm lấy miếng cơm manh áo và sau rồi trở thành người nổi tiếng, được hàng triệu fan biết tới. Nhìn vào cuộc sống đó, biết bao fan đã vẽ ra trước mắt mình một bối cảnh thật xa hoa và hào nhoáng với đầy những ước ao và sự ngưỡng mộ.
Thế nhưng, thế giới màu hồng đó chẳng mấy chốc lụi tàn, thậm chí là hoàn toàn sụp đổ ngay trước mặt công chúng, nhất là khi hàng loạt vụ việc liên quan đến bóc lột hay gian lận trên bảng xếp hạng tại Kpop đang dần bị phanh phui thời gian gần đây.
Công ty không phải lúc nào cũng là ngôi nhà thân thiết
Để thực hiện ước mơ trở thành ca sĩ, các thần tượng Hàn phải dành nhiều năm trời luyện tập tại các công ty quản lý với tư cách là một thực tập sinh. Họ tập luyện, ăn uống, nghỉ ngơi, thậm chí là ngủ ngay tại các công ty giải trí. Kể cả khi đã trở thành một ca sĩ, họ cũng có rất ít có cơ hội để chuyển tới sống ở một nơi khác tiện nghi và thoải mái hơn.
Nghệ sĩ dành phần lớn thời gian tại công ty quản lý, bởi vậy, việc fan gọi công ty là ngôi nhà thứ 2 của nghệ sĩ âu cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, ngôi nhà ở đây còn có nhiều nghĩa khác nhau với từng trường hợp riêng biệt. Với 2PM, Wonder Girls, miss A hay GOT7… thì có lẽ công ty đúng là ngôi nhà thứ 2 khi đem đến cho họ những tiền bối, người anh, chị em đáng quý… Còn về phía SNSD, EXO, Nine Muses… thì ngôi nhà ở đây chỉ được hiểu là chỗ che chắn, giúp họ có nơi nghỉ ngơi, không hơn.
Trong khi JYP nổi tiếng là công ty giải trí thân thiết, luôn tôn trọng ý kiến của nghệ sĩ trực thuộc thì ngược lại, cuộc sống thần tượng tại SM, Star Empire, DSP… lại rất khắc nghiệt. Không chỉ bóc lột những đồng lương khó khăn lắm mới kiếm được của nghệ sĩ, một số công ty nói trên còn chèn ép, đánh đập nghệ sĩ thậm tệ.
Tại SM Ent, tất cả các nghệ sĩ của công ty luôn phải tuân thủ lịch làm việc cực kì áp lực trong thời hạn hợp đồng từ 7 –10 năm. Ngoài việc ghi âm, tập luyện, biểu diễn, đóng phim… họ còn phải tham gia các chương trình giải trí trên sóng phát thanh, truyền hình và đi tour triền miên, đến mức mỗi ngày chỉ được nghỉ 1 hoặc 2 tiếng.
Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu họ nhận được số tiền xứng đáng với số giờ họ làm việc. Thế nhưng, trên thực tế, thứ mà các nghệ sĩ nhận về lại chỉ là việc chia chác lợi nhuận không rõ ràng và không xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.
Luhan và Kris. |
Mới đây, khi đâm đơn kiện SM, cả Kris và Luhan đều cùng đưa ra một lý do là bị công ty quản lý bóc lột. Theo đó, dù sức khỏe ngày một suy giảm nghiêm trọng, thế nhưng, Kris và Luhan vẫn phải làm việc quần quật và không được chăm sóc đúng mực.
Thời gian gần đây, việc Moon Junyoung - trưởng nhóm Ze:A đã tố cáo rằng anh bị công ty quản lý và đặc biệt là CEO Shin Joo Hak áp bức, bóc lột, thậm chí là biến mình thành một "kẻ giết người". Moon Junyoung từng viết: “Số tiền làm ra bằng mồ hôi nước mắt của 9 đứa con ông… nó đang ở đâu? Hãy trả lời với sự chân thành nhất đi”. Được biết, mỗi thành viên Ze:A chỉ nhận được 3,3% tiền lương từ số lợi nhuận mà họ kiếm được cho công ty.
Đây không phải lần đầu tiên Star Empire dính phải những rắc rối liên quan đến vấn đề bóc lột nghệ sĩ. Trước đó, công ty này cũng từng gây sốc khi thẳng tay đánh đập và chửi bới Nine Muses ngay trên sóng truyền hình.
Rất khó tồn tại tình bạn thân thiết giữa các nhóm nhạc nữ
Đây không phải lần đầu câu chuyện tình cảm giữa thành viên các nhóm nhạc nữ gây xôn xao làng nhạc Hàn. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, khi scandal giữa Jessica và SNSD xảy ra, fan mới thực sự chú ý tới vấn đề này.
T-ara (Hwayoung đứng ngoài cùng bên trái). |
Một trong những nhóm nhạc đầu tiên bị nhắc tới về vấn đề bắt nạt, lục đục nội bộ chắc phải kể đến T-ara. Năm 2012, những chia sẻ tưởng như vô thưởng vô phạt của Eunjung, Hyomin và Jiyeon lại trở thành ngòi nổ khiến fan quay sang kết tội các thành viên T-ara bắt nạt Hwayoung. Những bằng chứng như Jiyeon tát Hwayoung, Eunjung ép Hwayoung ăn bánh… cứ thế được tuồn lên mạng bằng mọi hình thức từ tin đồn cho tới hình ảnh.
Câu chuyện giữa Hwayoung và T-ara là ví dụ điển hình cho thấy nội bộ trong các nhóm nhạc nữ rất khó hòa hợp, thân thiết như chị em. Tuy vậy, ở thời điểm đó, còn một “bức tường” khổng lồ là SNSD đang hoạt động với 9 thành viên liên tục giúp đỡ, cười đùa với nhau, nên fan vẫn đặt niềm tin vào thứ gọi là tình đoàn kết. Chỉ đến gần đây, khi ngay cả SNSD – nhóm nhạc nữ được xem là thân thiết nhất Kpop xảy ra mâu thuẫn, nhiều fan mới chợt nhận ra một điều là kiếm được girl group chị em thật khó như “mò kim đáy biển”.
Ngay khi bị SM và cả 8 thành viên đồng thuận loại khỏi nhóm, Jessica đã lập tức lên trang cá nhân kể tội các chị em. Cô cho rằng họ đã đối xử với mình quá bất công khi yêu cầu cô rời nhóm, điều này khiến Jessica cảm thấy bị phản bội bởi chính những người mà cô từng coi là chị em.
SNSD (Jessica ở chính giữa). |
Trong một tập của chương trình Night By Night, thành viên cũ của Jewelry là Seo In Young cũng gây bất ngờ khi thổ lộ rằng: "Lúc đầu tôi đã bị tổn thương vì sự lạnh nhạt từ các thành viên trong nhóm", "Chúng tôi chào nhau nhưng lại không chấp nhận nhau. Sau đó họ tiếp tục chỉ trích tôi khi tôi không chào họ. Có những mâu thuẫn nhỏ trong nhóm", "Tôi là người bị tẩy chay trong Jewelry"…
Không riêng gì T-ara, Jewelry, SNSD, vấn đề nội bộ của Fin.K.L, miss A hay After School cũng bị đem ra bàn cãi. Trước đó, khi tham gia một sự kiện thể thao, nghi án miss A lục đục nội bộ đã nổi lên khi Suzy luôn đứng một mình hoặc trò chuyện với thần tượng khác, thay vì đứng cạnh các thành viên miss A. Kể từ đó, fan cũng rất ít khi thấy Suzy tiếp xúc cùng 3 thành viên Min, Jia và Fei. Trong khi đó, Lee Hyori kết hôn mà không có bất cứ một thành viên nào của Fin.K.L tham dự lễ cưới, còn cựu trưởng nhóm Kahi lại lên tiếng khẳng định rằng từng bị các thành viên nhóm After School tẩy chay.
Những bằng chứng sống trên đã phần nào cho thấy bộ mặt thật giữa các nhóm nhạc nữ xứ Hàn. Họ thân thiết, cười nói với nhau, nhưng tất cả có thể đó chỉ là một vở kịch trước mặt fan, công chúng và truyền thông. Chỉ đến khi những sự việc không thể giấu nổ ra, sự bất đồng giữa họ mới được bộc lộ rõ.
BXH đầy rẫy gian lận
Vào khoảng cuối tháng 9, Jun. K – thành viên nhóm nhạc nam 2PM đã gây xôn xao dư luận khi bất ngờ lên Twitter chia sẻ một dòng trạng thái có liên quan đến việc gian lận trên các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc. Trên trang cá nhân, Jun. K tweet: "Sajaegi? #EVERYBODYKNOWS". Sau khi dòng tweet của Jun. K được chia sẻ, các fan đã ngay lập tức hướng sự chú ý tới Teen Top – người đã đánh bại 2PM để giành cup ít ngày trước đó.
Theo một bài viết được chia sẻ trên Naver, tất cả các bình luận có lượng bình chọn cao nhất đều tố cáo Teen Top đã gian lận. Trước đó, Teen Top cũng không ít lần bị rơi vào vòng nghi vấn khi bán được 12.000 album chỉ trong 10 phút vào đêm chủ nhật ngay trước khi bảng xếp hạng kết thúc.
Teen Top không phải trường hợp duy nhất bị nghi vấn là gian lận. Ở Kpop, Sistar có lẽ là nhóm nhạc bị nhắc đến nhiều nhất xung quanh đề tài này. Việc Sistar hễ ra bài nào là allkill bài đấy đã khiến fan rất nghi ngờ.
Teen Top bị nghi gian lận. |
Thực tế, những bảng xếp hạng như Bugs, Mnet, Olleh Music, Soribada, Monkey3… được tiếng là uy tín, thế nhưng với thông tin được đưa ra bởi tờ Ilgan Sports, thứ hạng trên các bảng xếp hạng trên đã không còn chính xác và trung thực, thay vào đó, nó hoàn toàn có thể mua được bằng tiền.
Thông qua những nhà môi giới, các công ty quản lý sẽ chi ra một khoản tiền lớn nhằm tăng lượng người nghe cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Theo đó, để trụ vững trong top 20 từ 4-5 ngày, các nghệ sĩ có tiếng sẽ phải chi ra 300.000 đô la Mỹ (khoảng 6 tỉ đồng) còn đối với các "ma mới", cái giá đó sẽ tăng thêm 200.000 đô la Mỹ. Những nhà môi giới hầu hết đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực marketing nên việc giúp một ca khúc tăng lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng chục ngàn lượt nghe chỉ trong một thời gian ngắn là điều không quá khó khăn.
Inkigayo là cái tên gây tranh cãi nhất trong số các chương trình âm nhạc, lý do là bởi Inkigayo không đưa ra điểm số cụ thể khi công bố người thắng cuộc. Điều này làm người xem không biết được cách tính điểm cũng như điểm số chính xác của mỗi ứng viên.
Thời gian gần đây, Inkigayo đã quyết định thay đổi cách tính điểm và công bố kết quả. Tuy nhiên điều đó cũng không làm vừa lòng khán giả. Theo đó, có tới 35% tổng số điểm trong chương trình là dựa vào tiêu chí SNS (số lượt xem trên Youtube và mention trên Twitter). Công thức tính điểm này bị cho là không hợp lý, bởi nó khiến các nghệ sĩ bất chấp mọi giá để thu hút sự chú ý và tăng view cho sản phẩm của mình.