Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Những tài xế công nghệ xứng đáng nhận 5 sao cho 'dịch vụ làm bố'

Lư Ngọc Minh và Nguyễn Minh Kha là 2 ông bố đơn thân chạy Grab được nhiều người yêu mến. Dù vất vả, họ luôn lạc quan và chăm chỉ với mục tiêu “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. 

Lư Ngọc Minh và Nguyễn Minh Kha là 2 ông bố đơn thân chạy Grab được nhiều người yêu mến. Dù vất vả, họ luôn lạc quan và chăm chỉ với mục tiêu “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Nghề tài xế công nghệ tuy đi sớm về khuya, rong ruổi suốt ngày trên đường, nhưng bù lại, có thể chủ động thu xếp thời gian dành cho gia đình và công việc một cách hợp lý. Những tài xế chịu cảnh gà trống nuôi con như anh Lư Ngọc Minh (sinh năm 1975) và Nguyễn Minh Kha (sinh năm 1991) là những người thấm thía rõ nhất áp lực của sự cân bằng này.

May mắn thay, suốt nhiều năm qua, các anh đều hoàn thành xuất sắc cả việc làm tài xế và làm bố, nhận đánh giá “5 sao” từ cả khách hàng lẫn các con.

Anh Lư Ngọc Minh đã ngoài 40 tuổi, nhưng sức vóc vẫn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Thuộc tuýp người năng động và biết tự chăm sóc bản thân, anh cho biết dù ngày nào cũng đi làm từ sáng tới đêm, quanh năm suốt tháng, nhưng anh chưa bao giờ quên tập thể dục và ăn uống điều độ.

Gia đình anh Minh có 4 người, trong đó mẹ già nay đã 83 tuổi, đứa con lớn 23 tuổi đi làm bưng bê, và đứa nhỏ đang học cấp 2 gần nhà. Tất cả tá túc trong một phòng trọ vẻn vẹn 30m2 tại quận 3. “Là lao động chính trong gia đình, tôi không được phép ốm, không được nghỉ dù chỉ một ngày”, anh Minh nói.

Nói về biến cố gia đình, anh Minh ngậm ngùi kể lại, anh từng có 2 đời vợ. Vợ đầu và anh chia tay năm 2000, khi đứa con trai đầu sắp vào lớp một. Năm 2007, anh nên duyên với người vợ thứ 2 và chào đón con gái nhỏ năm 2012.

Những tưởng từ đây, anh sẽ có một gia đình hạnh phúc, nhưng không ngờ 5 năm sau, bất hạnh lại tiếp diễn, anh và chị ly thân. Không suy nghĩ nhiều, anh quyết định nhận nuôi con thay vợ. Thời điểm ấy chỉ cách lúc anh tham gia Grab vài tháng.

“Tòa án cũng hòa giải mấy lần, nhưng chắc chúng tôi hết duyên rồi”, giọng anh chùng xuống. Theo vị tài xế ngoại tứ tuần, lý do nằm ở việc hai vợ chồng anh chẳng thể hòa hợp trong căn nhà quá nhỏ, xe máy còn có nhiều chỗ hơn người. “Con tôi mỗi khi ngủ phải nằm sát lối đi, còn tôi nằm cạnh chiếc xe luôn”, anh nhớ lại.

Vào thời điểm đó, anh không tính toán chuyện được hơn khi nhận nuôi con. “Tôi chỉ nghĩ con mình thì mình phải nuôi, phải cho nó ăn học tử tế. Chừng nào nó lớn, nó muốn về với mẹ hay tự lập là quyền của nó”, anh Minh tâm sự. Anh cho rằng nghề tài xế công nghệ có thể nuôi được cả nhà, nếu chăm chỉ và kỷ luật.

Quan niệm mình giúp người thì người sẽ giúp lại mình, anh Minh hoạt động khá tích cực trong các hội nhóm từ thiện tự phát của anh em tài xế Grab, không lấy tiền đi xe của người khuyết tật, thậm chí từng cứu người bị tai nạn giao thông giữa đêm khuya.

Anh Minh thở dài thừa nhận, việc đi làm từ sáng tới khuya khiến anh buộc phải vắng mặt ở nhà cả ngày. Tuy nhiên, anh không bao giờ thiếu quan tâm tới gia đình.

“Ở tuổi 83, sức khỏe mẹ tôi không còn được như lúc trước. Những ngày trong tuần, con cháu đi làm, đi học hết, chỉ có mình bà cụ ở nhà, nên tôi cũng ít nhiều lo lắng. Tôi chỉ nhận các cuốc không quá xa nhà để có thể chạy về ngay nếu có chuyện, hoặc đơn giản là ăn cơm cùng mẹ cho bà đỡ buồn”, anh Minh tâm sự.

Nói về con gái nhỏ, ánh mắt anh ánh lên niềm tự hào. Anh khoe con gái anh học rất giỏi, còn đam mê võ thuật. Anh dự định hè năm nay sẽ cho con đi học võ ở CLB để bé nâng cao sức khỏe, tự tin và có thêm nhiều bạn mới.

“Cuối tuần, tôi thường đưa con đi chơi loanh quanh, xem xiếc ở công viên Gia Định. Tôi thích cùng con ngồi trong công viên yên tĩnh, hai cha con tâm sự đủ thứ chuyện. Tôi hay dặn con nói chuyện với người lớn phải lễ phép, phải cố gắng học hành chăm chỉ, sau này chăm sóc mẹ”, anh Minh kể.

grab anh 1


Anh khoe con gái tuy mới vào cấp 2, nhưng đã chững chạc như người lớn, biết phụ giúp bà làm việc nhà, đến trường giúp đỡ các cô lao công. “Nó còn dặn tôi, nếu bố đi đường thấy người ta rơi tiền thì đừng dừng lại nhặt, sẽ bị xe đi sau tông vào”, anh Minh bật cười nhớ lại.

Tự hào vì con ngoan và hiểu chuyện, anh cho biết có lần dò hỏi con gái “sống với bố như vậy, con có thấy khổ không?”. Con gái trả lời một câu khiến anh rơi nước mắt: “Chỉ cần cả nhà mình ở với nhau, con chẳng thấy khổ gì cả”.

Không may mắn được gặp con mỗi ngày như anh Minh, anh Nguyễn Minh Kha, quê ở Gò Công (Tiền Giang), mỗi cuối tuần đều chạy xe hơn 60 km từ TP.HCM về nhà để thăm con trai 8 tuổi và người mẹ 55 tuổi.

“Tôi kết hôn rất sớm, khi cả 2 vợ chồng vẫn còn trẻ dại. Năm 2013, con trai mới được hơn một tuổi thì bố mẹ hết duyên”, anh Kha cười buồn nhớ lại. “Thú thực lúc đó, tôi cũng khá miễn cưỡng khi nhận trách nhiệm nuôi con. Nhà chẳng có tiền bạc, bố mất sớm, mẹ đã già. Đó quả thật là một bước ngoặt khó khăn”.

Vào thời điểm đó, anh Kha đang làm công nhân cho một công ty sản xuất bao bì gần nhà. Đến năm 2018, anh quyết định vào TP.HCM để chạy Grab. Vì phải đi đi về về giữa TP.HCM - Tiền Giang, anh thú nhận mình không có thu nhập đều như các tài xế khác, bù lại, anh có thêm thời gian ở bên con.

Có lần, con than phiền “Ở lớp, bạn bè đều có bố mẹ đi họp phụ huynh, mỗi con là chỉ có bà đi họp”. Nghe con kể vậy, anh lặng lẽ quay mặt đi khóc. Từ đó, anh tự nhủ phải dành cho con nhiều thời gian nhất có thể.

“Có những hôm đi làm về mệt mỏi rã rời, nhìn quãng đường xe máy hơn 60 km, tôi lại thấy nản. Nhưng nghĩ tới việc hai bà cháu phải thui thủi ở nhà một mình, tôi không đành lòng lại đứng dậy xách xe đi”, anh Kha bộc bạch. Con đường từ thành phố về nhà với anh giờ đã trở nên quen thuộc và thân thương hơn bất kỳ con phố đô thị lung linh nào khác.

Nhiều buổi trưa nắng chang chang, vừa hoàn thành một cuốc xe dài mà được nghe cái giọng lanh lảnh của con, hỏi thăm bố đã về chưa, đã ăn cơm chưa… là bao mệt mỏi trong anh tan biến.

Không chỉ nhận được sự động viên về tinh thần của con trai, anh Kha còn được các đồng nghiệp trong tổ Grab của mình yêu quý, bởi sự chịu thương, chịu khó, không bao giờ nề hà khi giúp đỡ anh em.

“Bản thân mình vẫn còn may mắn chán. Tôi biết trong đội Grab, có những anh em khó khăn hơn mình rất nhiều, mà họ chẳng bao giờ kêu than. Có anh phải một mình nuôi đứa con hơn 20 tuổi bị não úng thủy, lúc nào cũng lơ ngơ như trẻ con. Nhiều anh em khác cũng nặng gánh mẹ già, con nhỏ, vợ đau yếu… nên chúng tôi rất đoàn kết và yêu thương nhau như một gia đình lớn”, anh Kha xúc động cho biết.

Các đối tác tài xế Grab, không chỉ trong tổ của anh Kha, mà dù ở bất kỳ tổ đội nào, cũng luôn giữ liên lạc chặt chẽ với nhau để cùng chia sẻ thông tin đường xá, thông tin cảnh giác, giúp đỡ nhau khi gặp sự cố, cũng như tự lập ra các quỹ ủng hộ tài xế có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng hoặc mỗi quý. Nhờ đó, công việc của các bác tài trở nên thuận lợi hơn, bớt đi phần nào sự vất vả của nghề cầm lái.

Anh Kha cho biết, kể từ khi làm bố, rồi được anh em đồng nghiệp bảo ban, con người anh đã thay đổi rất nhiều so với trước kia.

“Ngày xưa, tôi dại dột và nhiều lo âu. Nhưng từ khi có con và nuôi con, tôi thấy mình trưởng thành hơn, biết sống có trách nhiệm, vì mọi người. Tôi còn trẻ, nên cố gắng làm việc hết mình để lo cho con một cuộc sống tốt nhất có thể”, anh Kha tâm sự.

Với mục tiêu “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, Kha chia sẻ anh chưa muốn nghĩ tới hạnh phúc riêng của mình. “Nếu giờ mình ích kỷ chỉ lo cho mình mà không quan tâm tới con, rốt cục sau này cả bố lẫn con đều khổ”, ông bố trẻ khẳng định.

Anh hy vọng sẽ lo được cho con trai tới năm 18 tuổi, sau đó, cho con quyền tự quyết cuộc đời mình. “Tôi chỉ mong con sẽ sống hạnh phúc, sẽ không phải chịu những nỗi buồn, mất mát mà cha nó từng gặp phải”, anh cho biết.

Tết năm nay, anh Kha dự định chạy xe tới tối 30, rồi trở về nhà để cả gia đình đón giao thừa cùng nhau. Mùng một, anh sẽ quay lại TP.HCM để tiếp tục nhận cuốc xe, tiếp tục nhiệm vụ làm một ông bố “5 sao” của con trai.

Giang Quốc Hoàng

Ảnh: Quỳnh Trang
Đồ họa: An Du

Bình luận

Bạn có thể quan tâm