Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Những tấm thẻ BHYT 'nghĩa tình' từ Bệnh viện Chợ Rẫy

Giữa lúc bệnh tật bất ngờ ập đến, một tấm thẻ bảo hiểm y tế được trao đúng lúc có thể giúp người bệnh nhẹ gánh, tiếp tục chữa trị.

"Chị có bảo hiểm y tế không?", bác sĩ nhẹ giọng hỏi sau khi xem qua kết quả chẩn đoán.

"Dạ...chưa kịp làm. Tôi không nghĩ là bệnh trở nặng nhanh như thế", chị Nguyễn Thị Thanh Tâm cúi đầu, nghẹn giọng.

Vị bác sĩ không nói gì thêm, chỉ gật nhẹ rồi quay sang hướng dẫn người nhà làm thủ tục nhập viện. Khi ông vẫn đang giải thích với con trai chị về quá trình điều trị sắp tới, người phụ nữ 46 tuổi dường như đã chết lặng. Điều khiến chị ngã gục không chỉ là cơn đau, mà còn là kết luận vừa nhận được từ bác sĩ: căn bệnh ung thư vú đã di căn.

Đầu năm 2025, chị phát hiện bệnh. Không thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), lại trong tình thế cần được phẫu thuật gấp, cả gia đình phải xoay xở một số tiền lớn để chị bước vào phòng mổ. Không lâu sau, bác sĩ tiếp tục thông báo ung thư đã di căn. Trước mắt chị lại là những buổi xạ trị liên tục, những toa thuốc dài và những hóa đơn viện phí dồn dập.

Gia đình chị Tâm chạy vạy khắp nơi. Sau cùng, những lời chỉ dẫn đưa họ đến Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ở đó, chị được các nhân viên ân cần hướng dẫn làm thủ tục mua BHYT. Mọi việc lại diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. 2 ngày sau, khi được thông báo mình đã có thẻ, chị thở phào nhẹ nhõm.

“Cả gia đình mừng lắm, có BHYT là an tâm điều trị”, chị nói với Tri Thức - Znews.

Chị Tâm là một trong rất nhiều bệnh nhân từng được phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ mua BHYT. Sự giúp đỡ diễn ra lặng lẽ nhưng đúng lúc, đủ để người bệnh cảm thấy yên tâm giữa lúc chông chênh nhất.

bao hiem y te anh 1

Nhân viên phòng Công tác xã hội hướng dẫn người bệnh quy trình làm thẻ bảo hiểm y tế. Ảnh: BVCC.

Dò dẫm tìm đường vì "cái tâm" với người bệnh

Vào khoảng năm 2013, ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, trăn trở trước gánh nặng chi phí của các bệnh nhân nghèo, bắt đầu mày mò tìm hiểu và nung nấu các hoạt động liên quan đến quyền lợi BHYT cho người bệnh.

Đến năm 2015, Thông tư 43/2013/TT-BYT được ban hành, nhấn mạnh việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. ThS Hiển càng tự tin trên con đường mình và các cộng sự tại phòng CTXH đang đi.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy dù đã có thẻ BHYT nhưng vẫn không thể sử dụng, do không có căn cước công dân (chứng minh nhân dân trước đây) để đối chiếu danh tính theo yêu cầu của pháp luật. Khi đó, không ít người bệnh rơi vào cảnh thiệt thòi, đứng trước nguy cơ không được thanh toán chi phí khám chữa bệnh dù đang nắm trong tay tấm thẻ BHYT.

bao hiem y te anh 2

Chị Thanh Tâm trong quá trình điều trị. Ảnh: NVCC.

ThS Lê Minh Hiển, nhớ rất rõ những ngày ấy, ông cùng đồng nghiệp lụi cụi chụp tấm ảnh bệnh nhân bằng máy ảnh cũ, in ra, dán vào đơn xác nhận nhân thân gửi về địa phương. Sau khi đã xác nhận đúng người, bệnh nhận mới được sử dụng bảo hiểm y tế.

"Việc đồng hành, giúp đỡ bệnh nhân được hưởng các quyền lợi từ BHYT đã được bệnh viện thực hiện từ rất nhiều năm trước", ông nói.

Việc làm ấy ban đầu chỉ mang tính tình thế, làm vì cái tâm, vì không nỡ nhìn người bệnh bị từ chối quyền lợi giữa lúc khốn cùng. Nhưng càng làm, ThS Hiển và đồng nghiệp càng nhận ra đây không phải là giải pháp bền vững.

bao hiem y te anh 3

Chương trình mua BHYT giúp người bệnh nội trú được bệnh viện Chợ Rẫy triển khai từ tháng 4/2025. Ảnh: BVCC.

Khoảng năm 2018, cách làm bắt đầu có sự thay đổi. Trước thực tế vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế, phòng Công tác xã hội chủ động khảo sát, xác minh hoàn cảnh và tìm đến các nhà hảo tâm để vận động hỗ trợ.

Với những trường hợp có người thân ở quê, họ được hướng dẫn đến xã, phường mua thẻ BHYT, sau đó chụp phiếu thu gửi về để được hoàn lại chi phí. Riêng với những bệnh nhân quá khó khăn, không thể xoay sở, bệnh viện sẽ thay mặt liên hệ nhà tài trợ để người bệnh có thể mua thẻ BHYT ngay tại địa phương.

“Thẻ BHYT không chỉ là một tờ giấy. Nó là cánh cửa mở ra cơ hội được điều trị, là một năm được sống tiếp”, vị trưởng phòng cười nói với Tri Thức - Znews.

Đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình hỗ trợ mua thẻ BHYT cho bệnh nhân, thân nhân trên phạm vi cả nước.

Tích cực chuyển đổi

Tháng 3/2025, người đàn ông khoảng 50 tuổi từ Cà Mau được chuyển tuyến đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng viêm phúc mạc, thủng dạ dày nặng. Ông được tiếp nhận điều trị tại khoa Ngoại Tiêu hóa.

Viện phí cho ca bệnh lên đến vài chục triệu đồng, vượt ngoài khả năng chi trả của gia đình. Khi rà soát thông tin, Phòng Công tác xã hội sau khi tra cứu đã phát hiện ông chưa có thẻ BHYT. Dù đây không phải ca bệnh phức tạp, thời gian điều trị kéo dài cũng đủ để khiến người bệnh đối mặt với áp lực tài chính nặng nề. Vợ ông khi ấy đang túc trực chăm sóc tại bệnh viện, không thể về quê để mua thẻ.

Giữa thời điểm BHYT đang từng bước được tích hợp vào căn cước công dân, các nhân viên phòng Công tác xã hội đã linh hoạt tìm cách tháo gỡ. Họ kết nối nhà hảo tâm, thực hiện thủ tục mua BHYT ngay tại bệnh viện thông qua nền tảng số.

Đầu tháng 4, thẻ bắt đầu có hiệu lực. Người đàn ông trở về địa phương, tiếp tục khám bệnh với mức chi phí trong khả năng. Đó cũng là ca đầu tiên mà Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện mua BHYT giúp người bệnh thông qua căn cước công dân gắn chip.

bao hiem y te anh 4

Việc tham gia bảo hiểm y tế góp phần giảm gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Duy Hiệu.

"Cuối năm 2024, Chính phủ thúc đẩy đề án chuyển đổi số, tích hợp BHYT vào căn cước công dân. Nắm bắt xu hướng này, phòng Công tác xã hội âm thầm thử nghiệm. Đó là cột mốc.", thạc sĩ Lê Minh Hiển bày tỏ.

Từ tháng 4 đến nay, phòng CTXH đã hỗ trợ khoảng 60 trường hợp. Với những trường hợp bệnh nhân có thể tự xoay xở chi phí, phòng công tác xã hội sẽ hỗ trợ đăng ký. Với những người khó khăn, đơn vị này sẽ kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ. Với những chiếc thẻ được mua, nhóm thực hiện theo dõi từng ca, nhận tin nhắn từ bệnh nhân và thân nhân báo lại khi đã dùng được thẻ.

"Thấy bệnh nhân có BHYT trong tay, chúng tôi nhẹ lòng"

Là nơi tiếp nhận những ca bệnh nặng, điều trị dài ngày, PGS.TS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng khoa Tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy hiểu rất rõ vai trò của BHYT trong hành trình chữa trị của từng người bệnh. Theo PGS Khánh phần lớn người đến đây đều mang trong mình căn bệnh ung thư nên quá trình điều trị rất tốn kém.

“Ngay sau chẩn đoán, câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra luôn là: ‘Anh, chị có bảo hiểm y tế không?”, ông chia sẻ.

Với bác sĩ, câu hỏi ấy không chỉ để lấy thông tin hành chính, mà là cách để mở ra phương án điều trị hợp lý nhất cho từng người. Bởi chỉ khi biết người bệnh có quyền lợi bảo hiểm hay không, các bác sĩ mới cân nhắc được lộ trình điều trị: dùng thuốc nào, kỹ thuật nào, liệu trình ra sao, để vừa hiệu quả vừa không tạo áp lực tài chính khiến người bệnh chùn bước.

Bác sĩ Khánh cho biết với những trường hợp đã có bảo hiểm và được chuyển tuyến đúng, người bệnh sẽ hưởng trọn các quyền lợi theo quy định. Các loại thuốc, kỹ thuật điều trị, xét nghiệm, kể cả những biện pháp can thiệp chuyên sâu, đều không bị giới hạn. “Đó là điều khiến chúng tôi thực sự an tâm khi tiếp nhận điều trị”, ông nói với Tri Thức - Znews.

Cách đây vài năm, khi số người chưa có BHYT còn nhiều, việc điều trị không ít lần rơi vào bế tắc. Có bệnh nhân mới nghe đến chi phí đã muốn bỏ về, sợ cái giá phải trả không chỉ bằng tiền bạc mà còn là gánh nặng kéo dài cho cả gia đình. Với họ, ung thư là dấu chấm hết.

“Có người nói thẳng với tôi: Thôi bác sĩ ơi, tôi để dành tiền lại cho con, chữa làm gì… Mình hiểu, nhưng nghe vẫn thấy xót”, vị trưởng khoa nhớ lại.

Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của phòng Công tác xã hội, tỷ lệ người có BHYT tại đơn vị tuyến vú đã ở mức 80%. “Chỉ cần thấy bệnh nhân có BHYT trong tay, chúng tôi đã nhẹ lòng. Họ sẽ vững tâm hơn, ít lo lắng hơn, và nhờ đó, việc điều trị cũng thuận lợi hơn nhiều”, PGS Khánh cho biết.

Không chỉ dừng lại ở người bệnh, mô hình hỗ trợ còn được mở rộng đến cả thân nhân. Bên cạnh đó, ThS Hiển còn tiếp tục kết nối để mở rộng ra các bệnh viện khác như Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện E…

Sau tất cả, điều ThS Minh Hiển mong mỏi nhất là có thêm nhiều đồng nghiệp trên khắp cả nước cùng chung tay, để rồi một ngày không xa tấm thẻ bảo hiểm y tế sẽ hiện diện trong tay của tất cả người dân, như một cam kết an sinh vững chắc cho mỗi cuộc đời.

Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

Hà Tĩnh ghi nhận ca sốt rét ngoại lai có nguy cơ phát sinh ca thứ cấp

Sau khi ghi nhận ca sốt rét ngoại lai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) đã làm việc với chính quyền địa phương, tổ chức điều tra, giám sát, xử lý môi trường khu vực bệnh nhân sinh sống.

Ngừng tim sau bữa ăn lòng lợn, bác sĩ chạy đua từng phút cứu

Sau khi ăn lòng lợn, tiết canh tại quán quen gần nhà, người đàn ông ở Hà Nội diễn biến nguy kịch nhanh, chuyển cấp cứu trong tình trạng ngừng tim.

Bé trai 9 tuổi dập phổi trong vụ tai nạn cao tốc Vĩnh Hảo

Bé trai 9 tuổi được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận lên TP.HCM cấp cứu sau vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm