1. Tháp Rùa có dấu ấn của phong cách kiến trúc nào?
Tháp Rùa nằm trên đảo đất tự nhiên khoảng 350 m2 ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Kiến trúc tháp có sự kết hợp phong cách châu Âu với hàng cửa cuốn Gothic hai tầng dưới và kiến trúc Việt Nam ở phần mái cong. Ngày nay, tháp Rùa cùng nhiều di tích quanh hồ Hoàn Kiếm như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc được coi là biểu tượng thành phố, điểm đến du khách không thể bỏ qua. Ảnh: Chopsticksontheloose. |
2. Tháp bát giác cổ cao nhất Việt Nam có tên gì?
Chùa Thiên Mụ nép mình bên dòng sông Hương thơ mộng. Nổi bật giữa ngôi chùa là tháp Phước Duyên. Tháp có hình khối bát giác cao 21 m, gồm 7 tầng, được xây dựng năm 1844. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng. Ảnh: Blushblushtomato. |
3. Nha Trang (Khánh Hòa) có tòa tháp nổi tiếng nào?
Tháp Trầm Hương, biểu tượng của thành phố biển Nha Trang, nằm ở quảng trường 2/4 cạnh bờ biển, được xây dựng vào tháng 12/2008. Tháp là nơi trưng bày những hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật về địa phương, con người Khánh Hòa và giới thiệu sản vật của địa phương. Phần đỉnh tháp là không gian tâm linh, điện thờ anh hùng liệt sĩ. Ảnh: An Bình, Hải Đình. |
4. Tháp nào được xem là biểu tượng mới ở Phú Yên?
Tháp Nghinh Phong tọa lạc tại quảng trường Nghinh Phong (ngã tư Nguyễn Hữu Thọ và Độc Lập, Tuy Hòa) với thiết kế lấy cảm hứng từ Gành Đá Đĩa - biểu tượng du lịch của Phú Yên. Tòa tháp đá được chia thành hai bên đối xứng, mỗi bên gồm 50 khối đá từ lớn đến nhỏ. Điều này cũng gợi đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh trăm trứng. Ảnh: Chill.bwi. |
5. Ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á nằm ở tỉnh nào?
Cụm tháp Dương Long (xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) được xây vào vào cuối thế kỷ 12, thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn hóa nghệ thuật Chămpa. Đây là ngôi tháp gạch cao nhất Đông Nam Á với chiều cao tháp Giữa 42 m, tháp Nam 36 m, tháp Bắc 34 m. Không chỉ có quy mô cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam, cụm tháp Dương Long còn sở hữu kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, họa tiết chạm khắc tinh tế trên những phiến đá. Ảnh: Minh Hoàng. |
6. Tháp đồng hồ cao nhất Việt Nam nằm ở đâu?
Tháp đồng hồ nằm trong một khu nghỉ dưỡng tại đảo ngọc Phú Quốc tái hiện tháp chuông St. Mark's Campanile giữa quảng trường San Marco (Venice, Italy). Tháp chuông cao 75 m, tựa như ngọn hải đăng trước biển, đem đến cho du khách tầm nhìn rộng ngắm đại dương lộng gió hay quan sát những cabin cáp treo Hòn Thơm lướt giữa không trung. Ảnh: Ánh Dương. |
7. Tháp đồng hồ ở chợ Bến Thành (TP.HCM) nằm ở cửa nào?
Chợ Bến Thành là công trình kiến trúc hơn 100 năm tuổi nổi tiếng. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, không khí nơi đây khá sầm uất. Tháp đồng hồ ở cửa Nam chợ Bến Thành (nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang) được xem là một trong những hình ảnh đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Fyhtravel. |