Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, ngành công nghiệp ôtô đã chứng kiến sự biến mất của nhiều trang bị tiện nghi hay một vài phong cách thiết kế nào đó. Có thể vì chúng không thực sự hữu ích, hay đơn giản là có sự thay thế khác tốt hơn.
Dưới đây là danh sách những tính năng, trang bị đáng chú ý đã bị khai tử trên các dòng ôtô hiện đại.
Đèn mắt ếch
Xuất hiện vào thập niên 1930 trên mẫu Alfa Romeo 8C 2900A, đèn mắt ếch (đèn pha xếp - hidden headlamp) là kiểu đèn có thể ẩn vào đầu xe và xuất hiện khi cần sử dụng. Đây là kiểu thiết kế đèn chiếu sáng từng thịnh hành trong giai đoạn những năm 1960-1990 tại châu Âu và Bắc Mỹ nhờ kiểu dáng thời trang và thú vị.
Nhiều dòng xe danh tiếng của thế kỷ 20 từng được trang bị đèn mắt ếch có thể đến như Honda NSX, BMW M1, Ferrari F40, Porsche 930s… Tuy nhiên, đèn mắt ếch lại có nhược điểm làm giảm tính khí động học của xe, kém bền và chi phí sản xuất cao khiến các nhà sản xuất không còn mặn mà với kiểu đèn này.
Đèn xếp từng là kiểu thiết kế thời thượng trong những năm 1990. Ảnh: Carbuzz. |
Mẫu xe thương mại nổi tiếng sau cùng sở hữu cặp đèn trước có khả năng đóng mở là Chevrolet Corvette C5 đời 2003. Từ đó đến nay, đèn ôtô được bố trí cố định và tập trung phát triển công nghệ chiếu sáng thay vì cạnh tranh nhau xem mẫu xe nào có đèn đóng mở ấn tượng hơn.
Đầu đọc băng cassette
Vào năm 1968, hãng Philips giới thiệu cụm giải trí ôtô đầu tiên có tích hợp radio và đầu đọc băng cassette ra thị trường. Tính năng giải trí này từng bước được hoàn thiện với chất lượng âm thanh tốt hơn trước và trở thành trang bị phổ biến cho xe hơi trong thập niên 70, 80 thế kỷ trước.
Đến khi đầu đĩa CD cho ôtô do Pioneer sản xuất ra đời vào năm 1984, đầu đọc băng cassette bắt đầu thoái trào và ít xuất hiện hơn trước. Tuy nhiên, đến tận năm 2010 Lexus vẫn cung cấp tính năng này cho mẫu SC430. Đáng tiếc thay, chỉ một năm sau đó băng cassette và Lexus SC430 đã cùng nhau biến mất khỏi bản đồ ôtô thế giới.
Hệ thống giải trí của Lexus SC430 2010 có trang bị đầu đọc băng casstte. Ảnh: Lexus. |
Ngày nay, vẫn có một vài dòng xe còn giữ lại đầu đọc đĩa DVD trong hệ thống giải trí. Còn lại, hầu hết nhà sản xuất cung cấp cho người dùng các chuẩn kết nối như USB, AUX, HDMI hay Bluetooth để liên kết với điện thoại thông minh.
Cửa kính lấy gió
Khi hệ thống điều hòa trên ôtô chưa xuất hiện, các nhà sản xuất thiết kế một ô cửa kính nhỏ ở góc chữ A có thể đóng mở được để hỗ trợ lấy gió vào bên trong nội thất khi xe chạy.
Chi tiết này có tên gọi là cửa lấy gió (front vent window) và bắt đầu xuất hiện vào thập niên 1940 của thế kỷ trước. Đến những năm 80 khi điều hòa không khí bắt đầu trở nên phổ biến, cửa kính lấy gió dần bị loại bỏ trên ôtô.
Cửa lấy gió có tác dụng đưa không khí vào cabin khi hệ thống điều hòa chưa phát triển. Ảnh: CZmarlin. |
Đến năm 1996 và 1997, cửa lấy gió phía trước vẫn hiện diện trên một vài dòng bán tải và xe van ở Mỹ trước khi biết mất hoàn toàn. Đó là Chevrolet G-Classic, Ford Bronco, Ford F-150 và Dodge Ram.
Băng ghế liền phía trước
Băng ghế liền ở phía trước cabin tưởng chừng chỉ trang bị cho xe tải, thực tế đã từng góp mặt trên các dòng ôtô du lịch trong suốt hàng thập kỷ trước đây. Tại Mỹ, kiểu ghế này từng rất được ưa chuộng nhờ không gian sử dụng rộng rãi khi kết hợp với cách bố trí cần số trên vô-lăng.
Kiểu ghế liền phía trước từng phổ biến trên các ôtô sản xuất tại Mỹ trong thế kỷ 20. Ảnh: Nytimes. |
Một trong những mẫu xe cuối cùng có tùy chọn băng ghế liền phía trước là phiên bản tiêu chuẩn của Chevrolet Impala thế hệ thứ 9 bán ra từ 2006 đến 2016. Trang bị này có thể gập 40:20:40 để tùy biến theo mục đích sử dụng của người lái và hành khách đi cùng.
Mặc dù giúp tối ưu không gian cabin nhưng kiểu dáng không mấy sang trọng và tựa lưng kém thoải mái được cho là 2 nguyên nhân chính khiến ghế liền phía trước bị loại bỏ. Ngày nay, hàng ghế trước của xe ôtô mặc định là 2 ghế rời riêng biệt dành cho người lái và hành khách.
Mui xe chữ T
Mui xe chữ T (T-top) là một dạng biến hóa của xe mui trần với một thanh kim loại nối liền khung kính chắn gió phía trước và phần mái phía sau xe. Trong đó, mui xe gồm 2 phần có thể tháo rời độc lập bằng tay.
Kiểu thiết kế này được cấp bằng sáng chế vào năm 1951 và mẫu xe đầu tiên tại Mỹ sử dụng mui chữ T là chiếc Chevrolet Corvette 1968. Ngoài ra, một vài các tên đáng chú ý khác từng có thiết kế mui chữ T như Chevrolet Camaro, Ford Mustang (thế hệ thứ 2 và 3), Dodge Daytona…
Chevrolet Camaro đời 2002 có tùy chọn mui chữ T. Ảnh: GM. |
Tuy độc đáo và ấn tượng hơn so với kiểu mui trần truyền thống, mui xe chữ T lại đem đến bất tiện khi sử dụng. Vì vậy, không nhiều dòng xe mui trần ứng dụng kiểu mui này. Chevrolet Camaro thế hệ thứ 3 là dòng xe cuối cùng sử dụng thiết kế mui chữ T ở phiên bản nâng cấp năm 2002 như một tùy chọn.