Nhà tư sản yêu nước Hoàng Thị Minh Hồ kể rằng trước khi lấy ông Trịnh Văn Bô, bà đã phải trốn cha mẹ đi học chỉ vì muốn biết chữ.
Khai dân trí
Chuyện học hành của con gái Hà Nội bắt đầu thay đổi khi cụ cử Lương Văn Can cùng các cộng sự là trí thức Nho học, Tây học mở trường “Đông Kinh nghĩa thục” ở phố Hàng Đào năm 1907. Trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Hán, tiếng Pháp, văn học... với mục đích khai dân trí cho nhiều đối tượng, trong đó có lớp dành cho phụ nữ.
Giờ tan trường tại trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là trường Trung học cơ sở Trưng Vương ở 26 Hàng Bài) ở Hà Nội đầu thế kỷ 20. |
Không chỉ khai dân trí, các nhà tổ chức phong trào này ngầm hướng tới mục tiêu cao hơn: “Muốn canh tân đất nước thì phải biết chữ quốc ngữ và tiếng Pháp”.
Chính cụ Lương Văn Can cũng bất ngờ vì lớp học dành cho phụ nữ lúc nào cũng đông đúc. Sau khi dập tắt “Đông Kinh nghĩa thục”, cùng với mở các trường tiểu học dành cho học sinh nam, chính quyền Pháp ở Hà Nội cũng mở trường học dành cho học sinh nữ.
Ngày 6/1/1908, trường nữ tiểu học Pháp - Việt khai giảng khóa đầu tiên với 178 học sinh. Trường nằm ở phố Takou (nay là trường THCS Thanh Quan ở phố Hàng Cót).
Hai năm sau, trường đổi tên thành “École Brieux” (tên nhà viết kịch người Pháp). Việc chính quyền mở trường dành riêng cho nữ ngoài lý do học sinh nữ có môn học riêng thì còn lý do theo quan niệm trong xã hội lúc đó “nam nữ thụ thụ bất thân”.
178 học sinh nữ ban đầu của trường “École Brieux” Hàng Cót không phải do các gia đình tự nguyện cho con đi học mà vì bị bắt buộc. Khi đó đã có chính sách, trẻ con cả trai và gái đến tuổi đi học mà không đến trường thì trưởng phố phải chịu trách nhiệm. Vậy nên, nhiều trưởng phố phải “nộp trẻ” cho trường bất chấp sự phản ứng của cha mẹ.
Mục đích việc cưỡng bức đi học của chính quyền Pháp không phải khai hóa văn minh cho dân chúng thuộc địa mà phục vụ cho mục đích cai trị của họ. Nhưng việc gì cũng có tính hai mặt, khi nhiều người biết chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, họ có cơ hội mở mang tri thức, từ đó đấu tranh đòi quyền cho bản thân và cho dân tộc.
Tuy bị cưỡng bức, song việc học đã mang lại hiệu quả tích cực cho xã hội. Một số học sinh khóa đầu của trường “École Brieux” Hàng Cót đã can đảm theo học lớp đỡ đẻ của Trường Y khoa Hà Nội.
Khi tốt nghiệp, người vào làm việc ở bệnh viện công, số khác mạnh dạn mở phòng hộ sinh tư góp phần hạn chế trẻ sơ sinh ở Hà Nội tử vong vì đẻ tại gia đình theo truyền thống. Cũng có các cô đi học cao đẳng sư phạm để trở thành giáo viên dạy chữ quốc ngữ và nữ công gia chánh.
Chấn dân khí
Nhờ đến trường, nhiều cô gái Hà Nội vốn quen sống phụ thuộc, chỉ ru rú trong nhà đã tự tin bước ra xã hội. Trước những kết quả đó, năm 1917, chính quyền Pháp mở “Cơ sở giáo dục nữ sinh Việt Nam” (Institution de Jeunes Filles Annamites) với hai bậc “Tiểu học” và “Cao đẳng tiểu học” tại phố Đồng Khánh (nay là phố Hàng Bài).
Các nữ sinh được học nhiều môn như chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, số học, địa lý, luân lý, phép xã giao, vệ sinh… do cô giáo người Pháp dạy. Còn các cô giáo người Việt sẽ dạy nữ công gia chánh như quản lý gia đình, may vá, thêu thùa, nấu ăn…
Trường nhận học sinh gái bắt đầu từ 8 tuổi. Năm 1937, do chương trình học thay đổi, trường Cao đẳng Tiểu học nữ sinh bản xứ (lúc này gồm “Cơ sở giáo dục nữ sinh người Việt” và “Cơ sở đào tạo nữ giáo viên người Việt”) được đổi tên thành trường Trung học nữ sinh Việt Nam (Collège de Jeunes Filles Annamites). Vì trường nằm trên phố Đồng Khánh nên dân chúng gọi là trường nữ trung học Đồng Khánh.
Cùng “Cơ sở giáo dục nữ sinh Việt Nam”, tại Hà Nội còn có nhiều trường nội trú dành cho nữ như trường Sainte Marie ở đại lộ Rollandes (nay là phố Hai Bà Trưng) của địa phận công giáo Hà Nội; trường nữ nội trú dành cho con lai ở phố Riquier (nay là phố Nguyễn Du) và Sergent Larrivée (nay là Nguyễn Công Trứ), cùng một số trường tư thục nổi tiếng như trường nữ “École Brieux” Hàng Cót.
Hàng ngày, trước khi vào giờ học, các nữ sinh Đồng Khánh phải xếp hàng dưới sân trường, vừa hát một bài tiếng Pháp, vừa kéo cờ Pháp và cờ Việt Nam. Nhiều nữ sinh thể hiện tinh thần yêu nước thường cố ý kéo cờ Việt Nam cao hơn.
Cũng nhờ được đi học nên phụ nữ Hà Nội đã thay đổi, xã hội cũng thay đổi. Phong trào “tân thời” của con gái Hà Nội là một cuộc “cách mạng” chống lại sự khắt khe trong đạo đức Nho giáo với phụ nữ, đó cũng là cuộc đấu tranh đòi bình quyền đầu tiên.
Một số nữ sinh tốt nghiệp tú tài có tư tưởng tiến bộ đã chuẩn bị hành trang cùng dân tộc bước vào cuộc kháng chiến khi Pháp tái chiếm Hà Nội năm 1946. Từ mái trường Đồng Khánh, sau này đã có những người phụ nữ thành danh trong khoa học như giáo sư Lê Thi, giáo sư Hoàng Xuân Sính…