Mới đây, Hailey Bieber, nữ người mẫu 25 tuổi nổi tiếng ở Mỹ, phải nhập viện cấp cứu vì có các triệu chứng giống đột quỵ như choáng, khó khăn khi di chuyển. Các bác sĩ phát hiện Hailey có một cục máu đông nhỏ trong não. Do được cấp cứu kịp thời, cô đã bình phục trong vòng vài giờ.
Tình huống như thế này có thể xảy ra với bất kỳ ai, do đó, mọi người cần chuẩn bị đủ kiến thức nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng để đối phó với nó. Đột quỵ là trường hợp cấp cứu y tế và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Hành động sớm có thể làm giảm tổn thương não và các biến chứng khác.
Mặc dù thông thường đột quỵ có biểu hiện rõ ràng, đôi khi triệu chứng của nó trùng lặp với nhiều bệnh khác, gây khó phân biệt, đặc biệt ở thế hệ trẻ.
Nguyên nhân gây đột quỵ
Theo Mayo Clinic, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng máu và oxy cung cấp đến các mô của não bị tắc nghẽn do mạch máu bị vỡ, chảy máu hoặc đông máu. Thiếu oxy, các tế bào não bắt đầu chết.
Hai nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ là động mạch bị tắc nghẽn (đột quỵ do thiếu máu cục bộ); rò rỉ hoặc vỡ mạch máu (đột quỵ xuất huyết). Ngoài ra, một số người có thể bị gián đoạn tạm thời lưu lượng máu đến não, được gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), không gây ra các triệu chứng lâu dài.
Hailey Bieber gặp các triệu chứng giống đột quỵ khi mới 25 tuổi. Ảnh: Self. |
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Thiếu máu cục bộ là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm 87% tổng số trường hợp bị đột quỵ. Nó xảy ra khi các mạch máu của não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, làm giảm lưu lượng máu nghiêm trọng (thiếu máu cục bộ). Các mạch máu bị tắc nghẽn/thu hẹp là do chất béo tích tụ trong mạch máu hoặc do cục máu đông hay mảnh vụn khác di chuyển qua mạch máu, thường là từ tim và đọng lại ở mạch máu trong não.
Đột quỵ xuất huyết
Tình trạng này xảy ra khi một động mạch trong não bị rò rỉ máu hoặc vỡ. Máu thấm từ động mạch tạo ra áp lực trong hộp sọ và làm sưng não, dẫn đến tổn thương tế bào. Loại đột quỵ này chiếm 13% trường hợp còn lại và ít phổ biến hơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Xuất huyết não có thể do nhiều bệnh lý ảnh hưởng mạch máu. Các yếu tố liên quan đột quỵ xuất huyết bao gồm:
- Huyết áp cao không kiểm soát được.
- Điều trị quá mức bằng thuốc chống đông máu.
- Phình động mạch.
- Chấn thương (chẳng hạn tai nạn xe hơi).
- Protein lắng đọng trong thành mạch máu dẫn đến thành mạch bị suy yếu.
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)
TIA là giai đoạn tạm thời có các triệu chứng tương tự cơn đột quỵ. TIA không gây ra thiệt hại vĩnh viễn, nó là do sự giảm cung cấp máu tạm thời cho một phần của não, có thể kéo dài ít nhất 5 phút. Giống đột quỵ do thiếu máu cục bộ, TIA xảy ra khi một cục máu đông hoặc mảnh vỡ làm giảm/chặn dòng máu đến một phần của hệ thần kinh.
Tình trạng này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng về lâu dài, nó là dấu hiệu cảnh báo các cơn đột quỵ trong tương lai. Những người có tiền sử bị thiếu máu cục bộ thoáng qua có nguy cơ đột quỵ cao gấp 10 lần so với nhóm còn lại.
Đột quỵ ảnh hưởng thế hệ trẻ tương tự người lớn tuổi, đặc biệt khi mắc các bệnh mạn tính. Ảnh: Diag. |
Trường hợp dễ bị đột quỵ
Theo India Times, mặc dù đột quỵ thường liên quan đến người lớn tuổi, thế hệ trẻ cũng có nguy cơ gặp tình trạng này tương tự. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn ở những người mắc bất kỳ bệnh mạn tính nào như huyết áp cao, có nồng độ cholesterol cao, béo phì, rối loạn tim, khuyết tật van tim, bệnh hồng cầu hình liềm, tiểu đường, rối loạn đông máu, tiền sử đột quỵ.
Ngoài tình trạng sức khỏe cơ bản, các yếu tố khác làm tăng nguy cơ đột quỵ bao gồm: Không hoạt động thể chất, uống quá nhiều rượu, hút thuốc, chế độ ăn giàu muối và chất béo không lành mạnh, tiền sử gia đình bị đột quỵ.
Cách nhận biết dấu hiệu đột quỵ
Nếu bạn hoặc ai đó đi cùng có thể bị đột quỵ, hãy đặc biệt chú ý đến thời gian bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Một số phương pháp điều trị có hiệu quả cao nhất ngay sau khi xảy ra cơn đột quỵ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ bao gồm:
- Khó nói và hiểu những gì người khác đang nói: Bạn có thể bị nhầm lẫn, nói ngọng hoặc khó hiểu lời nói.
- Tê bì vùng mặt, cánh tay hoặc chân: Bạn có thể bị tê đột ngột, yếu hoặc liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân. Điều này thường chỉ ảnh hưởng một bên của cơ thể. Lúc này, người bệnh cố gắng đồng thời nâng cả hai tay qua đầu. Nếu một cánh tay rơi xuống, người đó có thể bị đột quỵ. Ngoài ra, một bên miệng có thể bị xệ xuống khi người bệnh cố gắng cười.
- Vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Đau đầu: Đau đầu đột ngột, dữ dội, có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt hoặc thay đổi ý thức.
- Đi lại khó khăn: Người bệnh có thể bị vấp ngã hoặc mất thăng bằng, kèm theo chóng mặt đột ngột hoặc mất khả năng phối hợp.
Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu này, bạn nên gọi cấp cứu ngay lập tức, đừng đợi xem các triệu chứng có dừng lại hay không vì với đột quỵ, mỗi phút đều có giá trị. Đột quỵ càng lâu không được điều trị, nguy cơ tổn thương não và tàn tật càng lớn.