Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch tay chân miệng

Những việc cần làm khi chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng tại nhà

Đa số trẻ mắc tay chân miệng có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh cần đảm bảo con được xử trí kịp thời khi có diễn biến nặng.

Song song với sốt xuất huyết và cúm A, số bệnh nhi mắc tay chân miệng trên cả nước vẫn đang có xu hướng tăng. Điều này cũng đã nằm trong dự đoán của ngành y tế thông qua các báo cáo về tình hình dịch. Dù vậy, khả năng hồi phục của trẻ vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự chăm sóc từ gia đình.

Những việc nên làm tại nhà

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trong thời gian này, bệnh tay miệng thường xuyên xuất hiện ở các nhóm trẻ em, nhất là lứa tuổi mẫu giáo.

Vị chuyên gia nói: “Đây là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ trở thành dịch và do virus đường ruột gây ra. Từ đây, bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa với nguồn lây chính là nước bọt, phỏng nước hay phân của trẻ. Đây cũng là lý do khiến bệnh hay gặp ở trẻ có thói quen cho tay vào miệng”.

Các triệu chứng của tay chân miệng đa phần là sốt nhẹ hoặc cao, đau họng, lười ăn, nôn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Trẻ mắc tay chân miệng cũng thường có biểu hiện loét miệng, có các vết loét đỏ hay phỏng nước với đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây cảm giác đau, dẫn đến bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt.

cham soc tay chan mieng anh 1

Cha mẹ có thể theo dõi thân nhiệt của trẻ và cho con uống thuốc hạ sốt khi cần. Ảnh minh họa: tinybeans.

Các bệnh nhi này còn có phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông… Các phỏng nước này thường tồn tại trong thời gian ngắn (khoảng dưới 7 ngày), sau đó để lại vết thâm. Ở một vài trường hợp hiếm gặp, trẻ có thể loét hoặc bội nhiễm.

Thông thường, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn sau khoảng 8-10 ngày. Tuy nhiên, với các bé diễn biến nặng, biến chứng suy thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn… có thể xảy ra dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

BS Tiến cho biết: “Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nếu chỉ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, tỉnh táo, có thể chơi thường được bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú”.

Tuy nhiên, trong các trường hợp này, phụ huynh cần lưu ý một số vấn đề trong chăm sóc trẻ tại nhà.

Cụ thể, trẻ cần được uống thuốc theo toa của bác sĩ gồm thuốc hạ sốt, giảm đau và đa sinh tố. Cha mẹ nên hạ sốt cho con khi thân nhiệt của trẻ cao hơn 38 độ C với paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần uống, có thể lặp lại sau mỗi 4-6 giờ nếu sốt lại.

Ngoài ra, chúng ta nên đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ theo tuổi. Ưu tiên các thức ăn lỏng, dễ tiêu, tránh đồ chua, cay… Nếu trẻ còn bú, người lớn có thể tiếp tục cho bé ăn sữa mẹ.

“Khi mắc tay chân miệng, trẻ thường đau họng miệng do vết loét. Lúc này, chúng ta có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel, varogel hay trimafort… bằng cách ngậm nuốt 1-2 ml/lần để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn”, BS Tiến lưu ý.

Liên quan vấn đề này, bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết khi bị loét miệng, bé sẽ rất đau. Lúc này, phụ huynh cần thông cảm cho con thay vì cố tìm giải pháp nhanh chóng giúp trẻ ăn.

Theo vị chuyên gia, khi trẻ loét miệng do mắc tay chân miệng, phụ huynh có thể cho con ăn các thực phẩm mềm, dễ tiêu, thậm chí các món mát, lạnh vừa để làm vết loét dễ chịu hơn.

“Cảm giác tê, mát sẽ giúp các bé thoải mái hơn, từ đó chịu ăn”, bác sĩ Lưu nói.

Bà lấy ví dụ phụ huynh có thể để sữa nguội với các bé còn nhỏ tuổi. Với các bé lớn hơn, chúng ta có thể cho con uống sữa tươi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Ngoài ra, BS Tiến nhấn mạnh vai trò của việc vệ sinh răng miệng kỹ trong giai đoạn này. Phụ huynh nên cho trẻ nghỉ học tại nhà để nghỉ ngơi cũng như tránh kích thích cho các bạn trong lớp.

Trẻ cần được tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Tần suất tái khám thậm chí nên dày hơn (1 lần/ngày) trong ít nhất 48 giờ đầu nếu trẻ có sốt.

Dấu hiệu trẻ diễn biến nặng

BS tiến nhấn mạnh: “Các phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có một số biểu hiện bất thường, buộc phải đưa con tới bệnh viện ngay, kể cả trong đêm”.

Các triệu chứng này bao gồm:

  • Sốt cao
  • Thở bất thường
  • Quấy khóc liên tục
  • Khó ngủ hoặc ngủ li bì
  • Giật mình, hoảng hốt
  • Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng
  • Run tay, chân hoặc co giật
  • Vã mồ hôi
  • Nôn nhiều, bỏ ăn, bỏ bú
  • Yếu tay chân
  • Da nổi bông, vân tím hoặc tái xanh
cham soc tay chan mieng anh 2

Cần cho trẻ nhập viện ngay nếu có các dấu hiệu cảnh báo. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Mặt khác, để phòng ngừa mắc tay chân miệng cho trẻ, BS Tiến cho hay hiện chưa có vaccine phòng bệnh tổng quát, tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cách khác để hạn chế nguy cơ.

Cụ thể, phụ huynh nên cho con đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, nhất là sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc phân hoặc nước bọt trên khăn trải giường.

Chúng ta cũng cần rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà trong gia đình. Với sàn nhà, nên lau sạch bằng nước xà phòng hoặc các dung dịch chuyên dụng.

Cuối cùng, để đảm bảo tránh lây nhiễm, trẻ cần được cách ly tại nhà, không đến các nhà trẻ, trường học hay những nơi trẻ thường tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Cách phân biệt đậu mùa khỉ và tay chân miệng

Đậu mùa khỉ và tay chân miệng có điểm chung là đều gây ra các phát ban lan khắp cơ thể. Tuy nhiên, cách điều trị hai loại bệnh này khác nhau.

Những việc cần làm ngay khi say nắng

Không chỉ đối mặt với các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng... người dân còn đứng trước những mối nguy lớn khi có biểu hiện say nắng, say nóng.

Dịch tay chân miệng

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm