Cuối tháng 7, một nhà hàng tại Jordan không bảo quản thịt giữa thời tiết 40 độ C và gây ngộ độc thực phẩm cho hàng trăm người. Kết quả, một cậu bé 5 tuổi thiệt mạng, 826 nạn nhân khác nhập viện.
Tuy nhiên, đây không phải là lần duy nhất các vụ ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của những bệnh nhân.
Năm 2017, Peter Vobiller tại thị trấn Ravensburg, Đức, bị kết án 12,5 năm tù với tội danh cố ý giết người và tống tiền. Người đàn ông này thừa nhận trộn 5 hộp thức ăn trẻ em chứa chất độc ethylene glycol vào kệ trong các siêu thị của thành phố Friedrichshafen.
Theo DW, liều lượng chất độc trong mỗi hộp thức ăn đủ để giết chết một đứa trẻ. Chất độc được sử dụng là ethylene glycol, thường có trong hỗn hợp chống đông. May mắn, không có nạn nhân nào trong vụ việc này.
Năm 2016, 143 thực khách tại 9 bang của Mỹ nhiễm viêm gan A sau khi uống sinh tố dâu tây tại các chuỗi nhà hàng Tropical Smoothie Café. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho hay loại dâu tây làm đồ uống cho bệnh nhân được cấp đông và nhập khẩu từ Ai Cập.
Trong số 143 người nhiễm virus viêm gan A, 56 bệnh nhân phải nhập viện do tình trạng nặng. Không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận.
Năm 2008-2009, Mỹ phát hiện vụ ngộ độc đậu phộng lớn tại 46 bang. 714 người ăn đậu phộng của Peanut Corporation of America (PCA) và nhiễm khuẩn Salmonella. Trong đó, 9 bệnh nhân tử vong.
Hơn 50% người nhiễm khuẩn là trẻ em và 23% bệnh nhân nặng, phải nhập viện. Gần 4.000 sản phẩm khác nhau của PCA đã bị thu hồi. Công ty này sau đó cũng phá sản.
Năm 1998-1999, xúc xích bị nhiễm khuẩn Listeria khiến 100 người tại 24 tiểu bang của Mỹ ngộ độc. 14 người trong số đó tử vong, 4 sản phụ sảy thai.
Độc tố trong thực phẩm bị ô nhiễm có thể gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là phụ nữ có thai. Ảnh: Freepik. |
Năm 1993, 732 người bị ảnh hưởng sau vụ ngộ độc thực phẩm tại Mỹ. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Jack in the Box đã bán hamburger có bò xay chưa nấu chín, khiến hàng trăm thực khách bị nhiễm khuẩn E.coli. Vụ ngộ độc thực phẩm trên diện rộng của Mỹ đã gây ra cái chết cho 4 trẻ em, 178 bệnh nhân tổn thương thận và não vĩnh viễn.
E.coli là khuẩn nguy hiểm và phổ biến, thường có trong các thực phẩm không được nấu chín. Bệnh nhân nhiễm khuẩn E.coli bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy, phân kèm máu và nôn sau 3-4 ngày. Khoảng 5-10% người nhiễm khuẩn E.coli gặp biến chứng nguy hiểm, tiên lượng tử vong.
Năm 1858, Anh xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm gây chấn động khiến hơn 200 người nhập viện. Trong đó, 21 bệnh nhân tử vong. Theo tạp chí Food Safety, nguyên nhân của sự việc này đến từ đồ ngọt bày bán ở chợ Green, Bradford, vô tình nhiễm thạch tín. Cơ sở sản xuất kẹo thay thế đường bằng loại chất tạo ngọt rẻ hơn. Tuy nhiên, dược sĩ đã bán nhầm arsen cho họ và gây ra vụ ngộ độc này.
Những vụ ngộ độc trên là lời cảnh báo khi chế biến và sử dụng thực phẩm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hầu hết bệnh nhân ngộ độc thực phẩm thường nhẹ, triệu chứng kéo dài vài giờ đến vài ngày.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người bệnh gặp nhiều biến chứng về sức khỏe lâu dài như viêm khớp mạn tính, tổn thương não và thần kinh, hội chứng urê huyết tán huyết dẫn đến suy thận, thậm chí tử vong.
Do đó, khi bảo quản, chế biến thực phẩm, bạn cần lưu ý nguyên tắc ăn chín - uống sôi. Ngoài ra, chúng ta nên rửa sạch tay trước, trong, sau khi nấu ăn bằng xà bông và nước sạch.