Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Niềm vui của bác sĩ ung thư phụ khoa ở TP.HCM: 'Em có thai rồi'

"Làm sao để người phụ nữ mắc ung thư được sinh con?" - câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy lại là khởi nguồn cho một hành trình dài đầy gian truân, thử thách của bác sĩ Nguyễn Văn Tiến.

bs Nguyen Van Tien anh 1

"Em có bầu rồi!"

Tin nhắn vỏn vẹn bốn chữ từ một bệnh nhân khiến bác sĩ Tiến không giấu nổi xúc động. Trái tim như nhảy ra khỏi lồng ngực, niềm vui trào dâng đến mức khiến vị trưởng khoa phải bật cười thành tiếng.

Hơn một năm trước, bệnh nhân ấy từng đứng trước nỗi lo mất đi thiên chức làm mẹ khi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Nhưng nhờ ca mổ bảo tồn sinh sản, cô không chỉ chiến thắng căn bệnh quái ác mà còn chuyển phôi thành công.

Thai nhi giờ đã 32 tuần - phép màu đến từ quyết định sáng suốt và một cuộc phẫu thuật mang tính đột phá.

Suốt hàng chục năm gắn bó với ngành ung thư phụ khoa, chứng kiến bao bệnh nhân rơi nước mắt vì phải cắt tử cung, từ bỏ ước mơ làm mẹ, đã khiến bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), không ngừng trăn trở, tìm kiếm giải pháp giúp họ giữ lại thiên chức thiêng liêng này.

Thương mẹ, thương vợ, thương những phụ nữ kém may mắn

"Tôi say mê những ca phẫu thuật, yêu thích cảm giác được trực tiếp cầm dao mổ, loại bỏ những khối u, giành lại sức khỏe và sự sống cho bệnh nhân", vị bác sĩ mở đầu câu chuyện.

bs Nguyen Van Tien anh 2

Bác sĩ Tiến vừa được trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Ngoại phụ khoa không phải là một chuyên ngành được nhiều người lựa chọn vào thời điểm đó. Công việc đòi hỏi chuyên môn cao, sự tỉ mỉ và kiên trì, trong khi áp lực và những ca bệnh nặng khiến nhiều người e ngại. Nhưng với bác sĩ Tiến, đây không chỉ là một chuyên ngành mà còn là hành trình mang lại hy vọng cho những người phụ nữ không may mắc bệnh.

Ông từng chứng kiến biết bao bệnh nhân phải chịu đựng nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần.

"Ai bị ung thư cũng tội lắm. Ung thư là điều khủng khiếp đối với bất kỳ ai, bất kể tuổi tác hay tầng lớp xã hội. Nhưng với những phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, thân tử cung, buồng trứng hay âm đạo, nỗi đau ấy nhân lên nhiều lần", ông nói.

Bác sĩ Tiến không quên những người phụ nữ cả đời vất vả lam lũ, đến khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn, phải tốn kém tiền bạc nhưng vẫn không thể cứu chữa. Ông cũng không quên hình ảnh những cô gái trẻ, khi biết mình mắc bệnh thì đã mất đi thiên chức làm mẹ, mất đi cả cơ hội được xây dựng hạnh phúc gia đình. Những câu chuyện ấy đã trở thành động lực để ông cống hiến hết mình, không chỉ để cứu người mà còn để mang lại cho bệnh nhân cơ hội được làm mẹ, được tiếp tục sống một cuộc đời trọn vẹn.

"Chính tình yêu thương dành cho mẹ, cho vợ, cho chị em gái đã giúp tôi thêm yêu thương và trân trọng những bệnh nhân của mình. Tôi xem họ như người thân, luôn cố gắng để mang lại cho họ những điều tốt đẹp nhất", vị bác sĩ chia sẻ.

Tìm kiếm kỹ thuật điều trị bảo tồn ung thư phụ khoa

Trong suốt nhiều thập kỷ làm nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến đã chứng kiến hàng nghìn phụ nữ đối mặt với ung thư phụ khoa. Trước đây, phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung gần như mặc định là cắt bỏ hoàn toàn tử cung, bất kể bệnh ở giai đoạn nào. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân mất đi khả năng sinh sản, vĩnh viễn không thể thực hiện thiên chức làm mẹ.

Chứng kiến những bệnh nhân trẻ tuổi, khao khát có con nhưng buộc phải đối diện với sự mất mát quá lớn, bác sĩ Tiến không khỏi trăn trở và day dứt. Ông tự hỏi: “Tại sao chúng ta không thể tìm ra một phương pháp điều trị giúp bệnh nhân khỏi bệnh mà vẫn giữ được khả năng làm mẹ?”

Khi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa, nắm trong tay quyền quyết định chuyên môn, ông mạnh dạn đề xuất ban lãnh đạo bệnh viện được cùng với đồng nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu về phương pháp bảo tồn tử cung.

Ý tưởng này ban đầu gặp không ít khó khăn, thậm chí vấp phải sự phản đối, bởi từ trước đến nay, điều trị ung thư cổ tử cung luôn gắn liền với phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, với sự kiên trì và quyết tâm, ông cùng các đồng nghiệp đã chứng minh được tính khả thi của phương pháp này - một bước tiến quan trọng mở ra hy vọng mới cho những bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

bs Nguyen Van Tien anh 3

Bác sĩ Tiến và ê-kíp thực hiện ca mổ loại bỏ khối bướu khủng lồ cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Hy vọng

Từ năm 2018, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến và các đồng nghiệp đã thực hiện hàng chục ca phẫu thuật bảo tồn cổ tử cung, mang đến cơ hội làm mẹ cho những phụ nữ trẻ mắc ung thư giai đoạn sớm.

Thay vì cắt bỏ toàn bộ tử cung, các bác sĩ giữ lại một phần tử cung và cải thiện phương pháp chăm sóc thai kỳ để giúp bệnh nhân có thể mang thai sau điều trị.

Một cột mốc quan trọng đã đến vào năm 2020, khi bệnh nhân đầu tiên sinh con thành công sau phẫu thuật bảo tồn. Đến nay, đã có 5 bệnh nhân sinh con thành công, và ca thứ 6 đang mang thai 32 tuần.

Những thành công này là cơ sở để ông tiếp tục nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, tăng tỷ lệ giữ thai an toàn cho bệnh nhân. "Hy vọng trong tương lai, số lượng ca phẫu thuật bảo tồn sẽ tăng lên, giúp nhiều phụ nữ chiến thắng bệnh tật mà không phải từ bỏ ước mơ làm mẹ", ông nói.

Bên cạnh những tiến bộ trong điều trị, một tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ ung thư cổ tử cung đang có xu hướng giảm. Nhờ nhận thức ngày càng cao, người dân chủ động tầm soát và điều trị kịp thời, giúp tăng khả năng khỏi bệnh.

Đặc biệt, việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh đã dẫn đến sự ra đời của vaccine HPV (Human Papillomavirus) - tác nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Các nghiên cứu cho thấy, tiêm vaccine HPV có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, thậm chí tỷ lệ mắc đã giảm tới 10 lần ở một số khu vực.

Tại các nước tiên tiến, nơi việc tiêm vaccine HPV được triển khai từ hàng chục năm trước, tỷ lệ ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể. Dự báo trong tương lai, căn bệnh này có thể biến mất hoàn toàn ở nữ giới.

Bác sĩ Tiến bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ mở rộng chương trình tiêm vaccine HPV đại trà, không chỉ dành cho những người chưa quan hệ tình dục mà cả những phụ nữ đã từng quan hệ. Việc đẩy mạnh tiêm chủng có thể giúp loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ tử cung trong tương lai.

Không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y

Nghề bác sĩ vất vả về mặt thời gian, tổn hao nhiều năng lượng và cảm xúc. Thế nhưng, trên thế gian này, không có nghề nào tuyệt vời hơn nghề y. Chạy trời không khỏi đau là tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.

'Sát thủ thầm lặng' gây hơn 3 triệu cái chết mỗi năm

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang nỗ lực tích hợp các chương trình kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vào chiến lược y tế cộng đồng.

5 loại thực phẩm là 'khắc tinh' của mỡ máu

Một số thực phẩm như tỏi, đậu phụ, súp lơ rất giàu các chất dinh dưỡng có tác dụng giảm lipid máu, hỗ trợ rất tốt cho người bị mỡ máu cao.

Muốn biết người già có sống thọ hay không hãy nhìn 4 dấu hiệu sau

Để sống thọ, sống khỏe người già cần duy trì những thói quen trong cuộc sống hàng ngày như ăn uống khoa học, tập luyện đều đặn, ngủ đủ giấc và kiểm soát tốt bệnh nền.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm