"Thun ố vàng gây trở ngại mỗi khi tôi gọi video với khách hàng, đồng nghiệp", Văn Ngân nói.
Chỉnh nha là phương pháp được nhiều người chọn để cải thiện thẩm mỹ và sức khỏe. Trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, không ít người không thể đến phòng khám. Hầu hết có chung thắc mắc về khả năng tiếp tục điều trị sau dịch.
Zing chia sẻ trải nghiệm của những bạn trẻ đang niềng răng và giải đáp của bác sĩ về vấn đề này.
Rớt 4 khâu, đứt dây cung khi ở nhà
Hạnh Vy (Quận 8, TP.HCM)
Tôi bắt đầu niềng răng từ tháng 3/2021 và dự kiến hoàn thành sau 2,5 năm. Từ khi TP.HCM giãn cách đến nay, tôi đã không tái khám khoảng 4 tháng.
Vì hiểu trong thời điểm này khó gặp được nha sĩ, nên suốt mùa dịch, tôi đã ăn uống và vệ sinh răng miệng khá cẩn thận bằng tăm nước, bàn chải. Dù vậy, tôi cũng rơi 4 chiếc khâu, mắc cài, thậm chí suýt nuốt một mảnh nhỏ dây cung đứt khi đang ăn.
May mắn là răng tôi không xê dịch quá nhiều. Hiện, tôi vẫn đang đợi phòng khám quen ở quận 10 hoạt động trở lại để tiếp tục chỉnh nha. Tôi mong được tháo niềng đúng hạn, hoặc ít nhất là tình trạng răng có tiến triển tốt để kịp ăn Tết 2022.
Chăm sóc răng miệng cẩn thận hơn
Đức Duy (Quận 9, TP. Thủ Đức)
Ngày nhỏ, tôi nghịch rồi bị ngã nên răng mọc lệch. Điều này dù không ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá hay thẩm mỹ nhưng vẫn khiến tôi không tự tin. Năm ngoái, khi tài chính đã tương đối ổn định, tôi quyết định niềng răng để giải quyết nỗi lo của mình.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ nói răng tôi được chỉnh ở mức độ 1, nghĩa là chỉ cần xoay, kéo răng. Quá trình không quá phức tạp, dự kiến kéo dài khoảng 1,5 năm. Đến nay, tôi đã niềng hơn 2/3 thời gian.
Mấy tháng qua, tôi ăn uống khá vô tư, không kiêng cả đồ cứng, rau muống, nấm - những món dễ mắc răng. Dây cung lâu ngày không siết có lẽ không còn đảm bảo như trước, nhưng cá nhân tôi thấy răng mình không có vấn đề gì.
Nếu có điều gì mới trong giãn cách, thì đó là tôi chăm chỉ vệ sinh răng miệng hơn. Tôi ngại bị bệnh nha chu, sâu răng,...
Thời gian qua đã có nhiều mệt mỏi. Do đó, việc đầu tiên tôi sẽ làm sau khi hết dịch là gặp bác sĩ, yêu cầu một bộ thun màu đẹp để bản thân thấy tích cực hơn.
Tiết kiệm từng sợi thun niềng răng
Kim Tuyến (Quận Bình Tân, TP.HCM)
Tính đến tháng 9/2021, tôi đã niềng răng được 2 năm 8 tháng tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM.
Theo kế hoạch, tôi sẽ gỡ niềng vào giữa năm sau. Nhưng, vì đã hơn 5 tháng không đến bệnh viện, nên tôi đoán thời gian phải lâu hơn một chút.
Nhiều tháng qua, mỗi ngày tôi đều lo lắng khi cảm nhận sự thay đổi của răng. Tôi ăn uống bất tiện vì dây cung rời khỏi mắc cài và thun kéo răng thường xuyên đứt.
Trước dịch, bác sĩ có cho tôi thêm 2 bịch thun để thay tại nhà. Tôi thuộc tuýp người thoải mái, ít chăm sóc răng kỹ lưỡng. Những lần trước, tôi không quan tâm nhiều khi thun đứt. Tuy nhiên, với số thun ít ỏi hiện tại, tôi đành cầm cự, nhai thức ăn cẩn thận và chờ ngày được siết niềng.
Đi 11 km để gặp nha sĩ
Văn Ngân (Quận 2, TP. Thủ Đức)
Sau 3 tháng ở nhà, hôm Trung thu, tôi cuối cùng đã được siết răng, thay thun mới.
Việc rơi mắc cài hơn 2 tháng qua ảnh hưởng nhiều đến vấn đề ăn uống của tôi và gây đau nhức răng. Ngoài ra, bộ thun tôi đang đeo đã ố vàng, gây trở ngại mỗi khi tôi gọi video với khách hàng, đồng nghiệp. Đó là lý do tôi buộc phải gọi nha khoa, hẹn lịch khám ngay khi có thể.
Từ nhà tôi đến quận 5 khoảng 11 km. Với xác nhận khám chữa răng từ nha khoa, tôi không gặp khó khăn khi đi đường.
Như dự đoán, răng tôi bị lệch khá nặng nên nha sĩ phải cố định lại. Nếu như trước dịch, nha sĩ dự kiến ca của tôi hoàn thành vào tháng 4/2022, thì hiện thời gian là 10/2022 và có thể lâu hơn.
Bác sĩ nha khoa nói gì?
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Phạm Hòa Hiệp, chuyên khoa Chỉnh Hình Răng Mặt, cho biết:
Thứ nhất, việc không đến nha khoa 4-5 tháng thực tế không ảnh hưởng đến kết quả chỉnh nha. Dù vậy, thời gian điều trị có thể bị kéo dài vì dây cung hoặc thun giảm lực kéo.
Nếu bạn đang ở giai đoạn làm thẳng hàng răng, thì trung bình thời gian làm việc của dây cung là từ 1 đến 3 tháng.
Thun buộc mắc cài có tác dụng khoảng 2 tháng, còn thun chuỗi liên hàm thường hết tác dụng sau 4 tuần.
Thứ hai, trong lúc đợi gặp nha sĩ, người niềng răng có thể khắc phục các vấn đề thường gặp như sau:
- Thun vàng ố: Liên hệ các nha khoa được phép hoạt động để xin thun mới. Với loại thun kéo đơn tự thay tại nhà, bạn có thể đổi thun mới 3 ngày/lần theo hướng dẫn của nha sĩ.
- Dư dây cung: Việc dư dây cung dễ tổn thương má trong. Nếu khó chịu, bạn có thể chủ động dùng kềm cắt móng thông thường cắt dây cung ngắn lại.
- Chạy dây cung: Dây cung có xu hướng chạy sang bên bạn hay nhai thức ăn. Cách xử lý nhanh là bạn dùng đầu móng tay đẩy dây cung theo hướng ngược lại.
- Trầy xước niêm mạc do dây cung/mắc cài: Bạn có thể tạm dùng vỏ bưởi rửa sạch đắp vào vùng tổn thương vài giờ trước khi ngủ, hoặc liên hệ phòng khám để nhận thêm sáp nha khoa.
- Bung mắc cài hay khâu: Trong trường hợp khâu rơi ra, bạn nên tháo rời hoàn toàn vì để lâu có thể dẫn đến sâu răng. Với mắc cài, bạn không cần xử lý nếu chúng không ảnh hưởng đến ăn nhai.
- Vệ sinh răng miệng cẩn thận: Dùng bàn chải lông mềm chải nhẹ, hạn chế để thức ăn bám các kẽ răng.