Lớp 12 tự mày mò châm cứu cho cha
Cơ duyên đến với nghề y của bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), khá thụ động bởi anh từng bị gia đình ép dù không muốn. Gia đình không ai làm nghề, nhưng cha mẹ bác sĩ luôn ước ao và sớm định hướng sao cho con cái có ít nhất một người theo ngành y, đơn giản là để chữa bệnh cho cả nhà.“Cuối cùng trong nhà không ai chọn ngành y, chỉ có tôi, chắc dễ bảo, nên mới theo định hướng đó”, bác sĩ Thái nhớ lại.
Một yếu tố nữa đã tác động đến lựa chọn này của anh đó là người cha bị tai biến mạch máu não, chỉ ngồi được một chỗ. Ban đầu gia đình thường mời người bấm huyệt và châm cứu cho ông, sau đó, khi đang học lớp 12, bác sĩ Thái đã tự tìm tòi, học cách châm cứu cho cha. Phương pháp này chỉ giúp cho người cha hồi phục vận động sau cơn tai biến, nhưng không thể ngăn ngừa được các đợt tai biến tiếp theo. Năm 1993, người cha của anh qua đời trước khi được chứng kiến đứa con trai chính thức bước chan vào giảng đường ĐH Y Hà Nội.
Vì dễ bảo bác sĩ Thái theo ngành y, nhưng đến nay, anh vẫn luôn cảm ơn vì định hướng này của cha mẹ. |
Hai năm đầu học tại trường Y với các môn đại cương khiến chàng tân sinh viên đôi lúc chán nản. Đến khi bắt đầu được thực hành tại các bệnh viện, anh mới cảm thấy hứng thú với nghề. Từ đó, chàng sinh viên luôn dành thời gian rảnh để được đến bệnh viện học hỏi và sẵn sàng trực thay các bạn ở xa muốn về quê dịp hè.
Bác sĩ Thái cho biết, so với các trường khác, cường độ học của trường Y cao hơn gấp 2-3 lần và xong 6 năm vẫn chưa thể sống được bằng nghề.
Tốt nghiệp năm 2000, sau gần một năm thất nghiệp và dành thời gian học thêm về chuyên ngành tiêu hoá, chẩn đoán hình ảnh, anh Thái quyết định ôn thi bác sĩ nội trú và lựa chọn chuyên ngành truyền nhiễm để theo đuổi.
Bác sĩ và những lần ám ảnh nghi bệnh
Môn truyền nhiễm còn gọi là lây và luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh, vì thế khi quyết định theo đuổi ngành này bác sĩ Thái cũng trăn trở rất nhiều.
“Một người thầy đã nói với tôi rằng, có 2 ngành đáng để theo đuổi, đó là ngoại và lây. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ mình cận thị, không nên chọn mổ xẻ, dao kéo. Bệnh lây thường chữa khỏi được bằng thuốc đặc trị. Lựa chọn chuyên ngành này, tôi sẽ giúp được nhiều người. Một lý do đặc biệt là hầu như không có ai đăng ký thi nội trú vào khoa lây nên cơ hội của tôi cũng rộng mở hơn”, bác sĩ Thái chia sẻ.
Trong thời gian học tại Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới (BV Bạch Mai), bác sĩ Nguyễn Quốc Thái đã có được những cơ hội vàng để hiểu sâu thêm về các bệnh truyền nhiễm. Dịch SARS năm 2003 là giúp anh học được nhiều điều, cả chuyên môn cũng như cuộc sống. Mối đe doạ lây truyền bệnh khi đó đã làm cho không ít nhân viên nao núng, bác sĩ Thái cũng sợ, nhưng không còn đường lùi. Kết quả cuối cùng là dịch bệnh nguy hiểm được dập tắt và anh được nhận bằng khen của Thủ tướng.
Làm việc tại đây, bác sĩ Thái thường xuyên phải chứng kiến nhiều cái chết cho dù đã tiến hành mọi cách để cứu chữa bệnh nhân. Điều đó khiến anh dường như nhìn thấy giới hạn của chuyên môn và của chính mình.
Để nâng cao nghiệp vụ, bác sĩ Thái dành số tiền tiền phụ cấp chống dịch 120.000 đồng/ngày để mua máy ảnh, máy in màu phục vụ công việc.
Sau khi tốt nghiệp nội trú, trải qua nhiều đơn vị công tác khác nhau trong và ngoài bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái quay về công tác ở phòng Cấp cứu, khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai vào năm 2013.
Phải đối mặt thường xuyên với các loại bệnh tật, nhất là các bệnh có nguy cơ lây truyền như lao, HIV, bác sĩ Thái chia sẻ: "Tôi từng bị ám ảnh vì nghĩ mình bị nhiễm bệnh. Đó là thời gian tôi bị viêm phế quản kéo dài và cho rằng đã mắc lao. Tôi phải tự mình tránh xa vợ con, bạn bè, đồng nghiệp để xét nghiệm loại trừ nguy cơ mắc bệnh".
Theo anh, dù trang bị phòng hộ đầy đủ, nhưng khi chăm sóc phải tiếp xúc với máu, chất nôn, phân, các nhân viên y tế vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm.
Bác sĩ Thái còn tâm sự: "Khi gặp trường hợp bệnh có tổn thương bên ngoài, hoặc những hình ảnh vi sinh vật đặc biệt, tôi thường dùng điện thoại chụp lại để báo cáo. Có lần con lớn mở điện thoại của bố nghịch, nó đã sợ tái mặt khi nhìn những hình ảnh đó”.
Cũng từ đó, điện thoại của anh bắt đầu có mật khẩu để tránh cho con phải tiếp xúc hình ảnh không đẹp và gây ám ảnh.
Niềm vui của anh đó là những đứa con mình rất ý thức giữ gìn vệ sinh, nhất là trong ăn uống. Đến bữa cơm, nếu người lớn chưa rửa tay, các cháu sẽ lập tức nhắc nhở. Khi nói đến món tiết canh là chúng hô lên "liên cầu lợn".
Khi nói đến món tiết canh, hai đứa trẻ nhà bác sĩ Nguyễn Quốc Thái liền hô lên "liên cầu lợn". |
Sau nhiều năm gắn bó với nghề, bác sĩ Thái cho rằng: "Khi đã vượt qua nỗi sợ hãi bằng sự hiểu biết, tôi tin rằng các bác sĩ sẽ bình tâm vững chí dù đang ở giữa tâm điểm dịch bệnh”.
Nói về những khó khăn, nỗi buồn trong ngành, bác sĩ này không khỏi trăn trở bởi những tiêu cực của ngành thường bị dư luận lên án khi chưa tìm hiểu, phân tích sâu sắc. "Dường như những người làm nghề y đang bị đẩy đến chỗ “phản kháng hoặc bỏ cuộc”. Nhưng tôi cho rằng, điều chúng ta muốn hướng đến là một hệ thống y tế được kiện toàn, có chất lượng và vì người bệnh. Muốn vậy, ngành y rất cần những góp ý trên tinh thần xây dựng của toàn xã hội. Tôi hy vọng, khi nhìn nhận bác sĩ, mong các bạn hãy khắt khe, nhưng xin đừng chụp mũ”, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái tâm sự.