Sự trỗi dậy của thời trang, phong cách Y2K (năm 2000) không có dấu hiệu chậm lại. Trong khi ủng hộ quần jeans sặc sỡ và sự nghiệp của Lindsay Lohan “hồi sinh”, Michelle Konstantinovsky, nhà báo Mỹ từng viết cho nhiều ấn phẩm nổi tiếng, có một nỗi lo khác: xu hướng ăn uống vô độ, tôn sùng gầy gò và ám ảnh xã hội về việc thu nhỏ cơ thể bằng mọi giá cũng len lỏi trở lại, theo Glamour.
Năm 2022, khi chia sẻ về những điều làm sai lệch nghiêm trọng quan điểm của cả một thế hệ về chuyện ăn uống, thể lực, cân nặng,... Konstantinovsky bám vào niềm lạc quan ngây thơ rằng chứng rối loạn tâm thần văn hóa này sẽ không bao giờ quay trở lại.
Bởi lẽ, sự đa dạng cơ thể được hàng loạt ngôi sao nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ủng hộ mạnh mẽ.
Tuy nhiên, cô phải suy ngẫm lại khi chứng kiến Kim Kardashian khoe khoang quá trình giảm cân khắc nghiệt để mặc vừa chiếc váy của Marilyn Monroe tại Met Gala 2022; tờ New York Post chạy dòng tiêu đề: “Tạm biệt sự đẫy đà: ‘Nét đẹp nghiệp ngập’ đã trở lại”; mỡ má đột nhiên trở thành đặc điểm bị ghét nhất năm 2023.
Trong khi đó, thứ được thèm muốn nhất dường như là Ozempic (được chỉ định trong điều trị đái tháo đường tuýp 2) và các loại thuốc trị tiểu đường lan truyền rộng rãi nhờ khả năng hoạt động như thuốc giảm cân tăng cường độ nhạy insulin và ngăn chặn cảm giác thèm ăn.
Sự trở lại của áo crop top và quần jean cạp trễ dường như để người mặc có thể lộ phần xương hông gầy gò.
Tất cả sự thụt lùi về văn hóa này khiến Konstantinovsky cảm thấy kiệt sức.
Chưa bao giờ biến mất?
Đó cũng là cảm nhận của TS Erin Parks, người đồng sáng lập nền tảng chăm sóc sức khỏe Equip - nơi cung cấp phương pháp điều trị chứng rối loạn ăn uống cho bệnh nhân trong độ tuổi 6-24, vốn là nhóm nhân khẩu học có nhiều khả năng tiếp thu phần lớn thông điệp sai lệch.
“Thế hệ Z, phong trào chấp nhận cơ thể,… rất nhiều điều khiến tôi cảm thấy lạc quan rằng cuối cùng chúng ta cũng chứng kiến làn sóng thay đổi văn hóa ăn kiêng. Mặc dù thất vọng, ‘cú đánh ngược’ trở lại những năm 1990 và 2000 này sẽ dạy cho chúng ta bài học gì đó trong cuộc chiến tiếp theo chống lại sự gầy gò độc hại hiệu quả hơn”, bà nói.
Konstantinovsky nhớ lại phong trào tích cực về cơ thể phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm 2010, nhưng đồng thời bị chỉ trích (một cách không chính xác và thiếu hiểu biết) là “tôn vinh bệnh béo phì”.
“Dường như chúng ta đang phải hứng chịu phản ứng dữ dội từ những bước đi đã thực hiện kể từ đầu thế kỷ 21. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi liệu chúng ta có thực sự đạt được tiến bộ nào không”, cô nói.
Mặc dù sự tồn tại của các tiêu đề liên quan đến Ozempic và người nổi tiếng sẽ không gây ra chứng rối loạn ăn uống, môi trường mà chúng tạo ra khiến những cá nhân dễ bị tổn thương có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hơn.
Kate Moss (giữa) được cho là "siêu mỏng một cách sang trọng" vào những năm 1990. Bây giờ, Kim Kardashian, em gái Khloé Kardashian, người mẫu Miu Miu và Bella Hadid (từ trái qua) đang thu hút sự chú ý trở lại vào thân hình "gầy gò nghiện ngập" (heroin chick), theo New York Post. Ảnh: WireImage. |
Ella Halikas, người mẫu tự xưng là “CEO của sự tự tin” với hơn 840.000 người theo dõi trên mạng xã hội, bày tỏ: “Nền văn hóa của chúng ta đã đạt được những bước tiến đáng kể về nhận thức về chứng rối loạn ăn uống. Tuy nhiên, chúng ta cần tập trung nhiều nỗ lực hơn vào Ozempic và việc giảm cân cực đoan của người nổi tiếng vì tần suất báo chí đưa tin về các chủ đề này rất nguy hiểm cho xã hội”.
Halikas đã đúng. Việc tiếp tục ca ngợi quá trình theo đuổi thân hình mảnh mai bằng mọi giá chắc chắn đang góp phần làm gia tăng chứng rối loạn ăn uống, củng cố niềm tin rằng điều đó thực sự vì “sức khỏe”.
TS Erin Parks nhận định: “Đó không phải là việc mặc vừa vặn trang phục hay trông theo một phong cách nhất định cho một sự kiện. Đây là chứng rối loạn não bộ đe dọa tính mạng với tỷ lệ tử vong cao thứ 2 trong tất cả bệnh tâm thần mà mọi người cần phải xem xét một cách nghiêm túc”.
Tương tự Konstantinovsky, các chuyên gia tự hỏi liệu phong trào ăn kiêng của những năm 2000 có thực sự quay trở lại, hay thông điệp độc hại của thời đại đó chưa bao giờ thực sự biến mất.
“Có lẽ văn hóa ăn kiêng không bao giờ thoái trào mà chỉ đổi tên thành ‘sức khỏe’. Ít nhất bây giờ, chúng ta không tự lừa dối mình rằng ăn cải xoăn vì nó ngon. Chúng ta đang làm những điều này để phù hợp với lý tưởng gầy gò về văn hóa”, Parks nói.
Cần hành động
Mối lo ngại gia tăng về mốt gầy trơ xương có thể là tác dụng phụ của sự phát triển mạng xã hội.
Việc coi gầy gò là mục tiêu cuối cùng, như Kim Kardashian tuyên bố tại Met Gala, đánh đồng quan điểm sai lầm về cơ thể săn chắc với thành công, kỷ luật và sức khỏe.
Không phải ngẫu nhiên mà mọi xu hướng “chăm sóc sức khỏe” tên TikTok (như trào lưu “That girl”) dường như tập trung vào những người có ảnh hưởng thân hình mảnh mai.
Chrissy King, tác giả của Dự án giải phóng cơ thể, chỉ ra vấn đề là bất chấp tất cả sự phát triển và nâng cao nhận thức, chúng ta vẫn đang kết hợp sự gầy gò với sức khỏe và đánh đồng cả hai với sự vượt trội về mặt đạo đức. Tất cả điều đó đều là kỳ thị béo phì, chủ nghĩa duy khả năng và phân biệt chủng tộc.
“Áp lực để phù hợp với tiêu chuẩn về cái đẹp của người châu Âu và theo kịp cơ thể ‘lý tưởng’ bằng mọi giá đang được cung cấp cho chúng ta dưới chiêu bài ‘sức khỏe’ thay vì bản chất của chúng là chứng rối loạn ăn uống. Ngày càng có nhiều người bị thu hút bởi việc dùng thuốc theo toa để giảm cân, nhưng dưới chiêu trò rằng giảm cân là cần thiết để khỏe mạnh, hoặc giảm cân sẽ khắc phục các hành vi ăn uống rối loạn. Điều này đơn giản là không đúng”, bà khẳng định.
Tuy nhiên, với tất cả điểm tương đồng rõ ràng giữa văn hóa ăn kiêng từ những năm 2000 và bối cảnh hiện tại, có một số khác biệt quan trọng thực sự có thể giúp chấm dứt chu kỳ này. Một trong số đó là tiếng nói của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Kim Kardashian trở thành tiêu đề trên nhiều bài báo gần đây liên quan đến giảm cân không lành mạnh. Ảnh: @takeyourzoloft. |
Trên Instagram, HLV Nia Patterson thường xuyên giải quyết các vấn đề như chứng sợ béo, đặc biệt là trong các cộng đồng bị thiệt thòi. Cô tin rằng để ngăn chặn sự tồn tại của những lý tưởng độc hại về cơ thể, các tổ chức và người có ảnh hưởng phải thực sự cam kết thực hiện thay đổi, chứ không chỉ nâng cao nhận thức.
King đồng ý rằng để tránh những cạm bẫy tương tự của văn hóa ăn kiêng kiểu cũ, chúng ta phải bắt đầu nhận ra và giải quyết thực tế về các cá nhân có thể phải chịu đựng hậu quả của những thông điệp liên tục này.
“Rất nhiều người có suy nghĩ rằng chứng rối loạn ăn uống chỉ ảnh hưởng đến người có cơ thể gầy gò. Điều này đơn giản là không đúng. Sẽ rất hữu ích nếu có những cuộc trò chuyện thẳng thắn hơn về hành vi ăn uống không điều độ thực sự trông như thế nào. Một người có thể trông khỏe mạnh, nhưng thực sự đang ốm yếu hoặc đang phải đối mặt với những hành vi ăn uống rối loạn”, bà nói.
Theo các chuyên gia, cách duy nhất để chúng ta có thể thực sự lật tẩy những lầm tưởng đầy rẫy về việc ăn uống không điều độ và chỉ ra tác hại của văn hóa ăn kiêng là sử dụng tiếng nói của mình.
“Rối loạn ăn uống tồn tại và phát triển theo thời gian, không phải chỉ sau một đêm. Chúng ta càng ít bàn luận, chúng càng trở nên tồi tệ hơn”, Alyssa Mass, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, cho biết.
Halikas tin rằng những người có ảnh hưởng, nhãn hàng và tất cả phương tiện truyền thông đều phải chịu trách nhiệm khơi dậy các cuộc trò chuyện về các “chiến thuật” giảm cân có hại và phá bỏ thành kiến có hệ thống đã biến cơ thể gầy gò thành xu hướng.
Cô kêu gọi mọi người suy nghĩ chín chắn về những hình ảnh và thông điệp tràn ngập nguồn cấp dữ liệu của họ và chống lại việc tuân theo mà không cần cân nhắc.
“Chúng ta không cần phải thay đổi cơ thể để cảm thấy ‘có giá’. Chúng ta cũng không cần phải chạy theo xu hướng và những người nổi tiếng. Không có chiến thắng khi nói đến tiêu chuẩn sắc đẹp. Vì vậy, chỉ cần xuất hiện với tư cách là chính mình là đủ”, Halikas nói.
Về phía Konstantinovsky, cô nhắn nhủ: “Ai cũng có quyền lựa chọn cho mình, nhưng tôi chính thức loại bỏ các loại thuốc ức chế cảm giác thèm ăn, chế độ ăn kiêng cấp tốc và kiểu cơ thể theo xu hướng là di tích của quá khứ. Tuy nhiên, denim sặc sỡ, punk-pop và LiLo đều có thể ở lại”.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.