Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự đáng sợ đằng sau bộ lọc đang hot nhất TikTok

Hiệu ứng mới, gây chú ý vì khiến người dùng trông trẻ trung và “đẹp không tỳ vết”, đã khơi dậy cuộc tranh luận về tiêu chuẩn sắc đẹp cũng như sức khỏe tinh thần.

Đó là điều xảy ra thường ngày. Bất kể ở đâu, mọi người cũng dễ dàng bắt gặp những thanh thiếu niên đứng trước màn hình điện thoại để quay video với sự hỗ trợ của hàng tá phụ kiện. Một số có thể được giữ ở chế độ riêng tư, số khác được đăng công khai trên mạng và chịu sự phán xét của người xem.

Mạng xã hội đầy rẫy điều khó lường, trong khi áp lực đồng trang lứa khiến người trẻ gồng mình để tỏ ra không thua kém trên đó. Nhưng một số người dùng đang cảnh báo về rủi ro của bộ lọc mới đang lan truyền chóng mặt trên TikTok, theo EL PAÍS.

Bộ lọc, có tên là “Bold Glamour”, áp dụng thuật toán giúp khuôn mặt trẻ hóa, xóa nếp nhăn và làm nổi bật những đường nét trên mặt. Khác với những bộ lọc trước đó, hiệu ứng mới này biến đổi vẻ ngoài với độ chính xác chưa từng có.

“Hoàn hảo” đến đáng sợ

Bộ lọc hoạt động theo cách thông thường: người dùng mở TikTok, nhấn vào biểu tượng “+” rồi “Hiệu ứng”, tại đây sẽ tìm thấy “Bold Glamour”.

Sau khi được kích hoạt, bộ lọc này sử dụng trí thông minh nhân tạo với độ chính xác cao để loại bỏ nếp nhăn, sự nhợt nhạt, đường nét và mọi thứ khiến khuôn mặt trở nên kém sắc.

Độ chân thực của nó có thể gây sốc cho nhiều người. Câu hỏi được đặt ra là: “Tác động của ứng dụng thuật toán làm đẹp tức thì đối với thanh thiếu niên là gì?”.

Bo loc TikTok anh 1

TikToker @jugrandoni như biến thành người khác sau khi trang điểm và dùng bộ lọc của TikTok. Ảnh: @jugrandoni.

TikToker nổi tiếng Kelly Strack dùng hiệu ứng “Bold Glamour” và nhận xét: “Bộ lọc này nên bị cấm”.

Strack minh họa lời của mình bằng hình ảnh cho thấy khuôn mặt được trang điểm lung linh dù mới ra khỏi giường. Sau đó, người xem nhận ra đó chỉ là ảo khi cô tắt bộ lọc và làm lộ ra dáng vẻ ngái ngủ với bọng mắt, làn da nhợt nhạt.

Quá trình chuyển đổi diễn ra trong thời gian thực, ngay trước mắt. Phát hiện việc dùng bộ lọc có vẻ dễ dàng, nhưng không phải vậy: trong khi một số thay đổi khá rõ rệt (lớp trang điểm hoàn hảo, không có nếp nhăn), những thứ khác lại che giấu khá khéo léo như đường nét của khuôn mặt.

Có hại

Sự ám ảnh về sắc đẹp trên mạng xã hội và độ “ảo” của bộ lọc đang hot nhất TikTok gây nên cuộc tranh luận không ngừng về việc: “Thanh thiếu niên bị nô lệ bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp ở mức độ nào?”.

Nhà tâm lý học Tây Ban Nha Juan Bautista Jordán, người điều trị cho một số bệnh nhân trẻ mắc các bệnh liên quan đến mạng xã hội, giải thích: “Đặt tất cả giá trị của chúng ta vào hình ảnh của mình là có hại”.

Chuyên gia ám chỉ đến sự củng cố lòng tự ái đi kèm với các bộ lọc làm đẹp này, cũng như hậu quả của chúng là gây ra bế tắc tinh thần trong giai đoạn phát triển rất sớm.

TikToker người Tây Ban Nha Claudia García thường sử dụng bộ lọc để xuất hiện trước hơn 5 triệu người theo dõi. Mặc dù thừa nhận các bộ lọc có thể “thú vị”, như giúp thay đổi màu tóc hoặc lông mày, cô cho biết một số hiệu ứng có thể gây ra nhiều bất an.

García đề cập đến những phương pháp chỉnh sửa khuôn mặt như khiến cho đôi môi dày hơn, chỉnh xương gò má và làm cho đầu bé lại. Cô nói những bộ lọc này hiển thị cho người dùng “theo cách được cho là hoàn hảo hoặc đẹp đẽ và cuối cùng tạo ra sự bối rối mà tôi nghĩ rằng mọi người không nên sử dụng”.

Bo loc TikTok anh 2

Sự “ảo diệu” của các bộ lọc trên TikTok khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: Watson/sabeth vela.

Tranh cãi kiểu này không phải mới trên TikTok. Tháng 4/2020, @mzznofilter, người dùng ở Australia, lan truyền nhanh chóng với hashtag #catfish sau khi đăng video về việc thuật toán của Snapchat thao túng, khiến diện mạo của cô khác thế nào so với đời thực.

Sau đó, mạng xã hội tràn ngập bài đăng tương tự, trong đó người dùng đăng hình ảnh trước và sau khi dùng bộ lọc.

Hiệu ứng “Bold Glamour” nâng cao tiêu chuẩn về sự hoàn hảo trong việc áp dụng thuật toán, đồng thời khiến tiêu chuẩn về cái đẹp chi phối hàng triệu thanh niên trên mạng xã hội ngày càng xa rời thực tế.

TikTok khiến giới trẻ lệch lạc trong tình yêu

Các chuyên gia cảnh báo nhiều thử thách trên TikTok truyền cho thanh thiếu niên những suy nghĩ không lành mạnh về chuyện tình cảm và cần được ngăn chặn.

Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn

Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm