Trước buổi họp, tôi chuẩn bị khá kỹ từ nội dung cho tới công tác hậu cần. Thậm chí, tôi còn thức mấy đêm, soạn đủ 45 slide trình chiếu phần đánh giá, nhận xét, kết quả của từng em học sinh cho các bậc phụ huynh nắm rõ.
Lớp có 45 em, thuộc nhiều thành phần gia đình khác nhau nên sự khác biệt về trình độ, suy nghĩ, thói quen của các bậc phụ huynh là đương nhiên. Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho mình và tự nhủ sẽ cố gắng để có một buổi họp hiệu quả mà không căng thẳng.
Ảnh minh họa. |
"Cô dạy lớp con tôi phải không?"
7h30 mới bắt đầu cuộc họp, nhưng tôi đến trường từ 7h để nhắc nhở các em học sinh hướng dẫn phụ huynh gửi xe đúng vị trí, mời phụ huynh vào phòng, mời nước các bác phụ huynh chu đáo.
Tôi cũng tranh thủ thời gian chờ đợi để nói chuyện với phụ huynh của mình. Với tôi, đây là kênh thông tin quý báu để mình hiểu học sinh hơn, cũng là cơ hội nhìn nhận lại hiệu quả trong phương pháp chủ nhiệm của mình.
7h30, lác đác khoảng ¼ số phụ huynh trong lớp có mặt. Đến gần 8h, cũng chỉ hơn một nửa.
Đã quá muộn và nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc, tôi đành phải bắt đầu cuộc họp.
Cũng vì thế, cuộc họp liên tiếp bị gián đoạn bởi thỉnh thoảng lại có một bác phụ huynh ló đầu vào hỏi: “Cô dạy lớp con tôi phải không?” “Bác ơi, thế em tên gì và học lớp nào ạ?”… Có bậc phụ huynh bước vào phòng khi cuộc họp chuẩn bị kết thúc với nụ cười hối lỗi: “Cô giáo thông cảm, em phải tranh thủ buổi chợ rồi mới chạy lên đây được, nhà chẳng còn ai”.
"Họp phụ huynh hay họp chợ"
Không kể đến những bậc phụ huynh đến đúng giờ, ngồi nghiêm túc, vẫn có những bác phụ huynh ngật ngưỡng vào phòng với khuôn mặt đỏ gay, mùi rượu nồng nặc, thậm chí lè nhè phát biểu hết nội dung này đến nội dung khác chẳng cần biết có ai nghe hay không.
Có bác phụ huynh ngồi trong phòng mà vẫn đội mũ, gác cả chân lên ghế, miệng vẫn phì phèo thuốc lá, giọng ồm ồm chen ngang, thi thoảng lại vỗ đùi đánh đét khi gặp được ý kiến tâm đắc.
Có cả cụ đã già, tuổi đã cao, nghễnh ngãng vẫn đi họp cho cháu. Dù tôi đã mời cụ lên bàn trên cùng, ngay ở chỗ gần tôi nhất, nhưng mỗi lần thông báo nội dung gì mới, cụ đều hỏi: “Cô giáo nói lại cho tôi nghe được không?”
Phụ huynh là các mẹ đi họp thì thường ngồi túm tụm lại nói chuyện rôm rả với nhau, át cả tiếng cô giáo. Nhưng khi tôi mời phát biểu trước cuộc họp thì các mẹ cứ đùn đẩy nhau, chẳng mẹ nào đứng lên cả.
Những em học sinh cá biệt hoặc học yếu, tôi mời phụ huynh ở lại gặp riêng mới té ngửa, hóa ra đó là cô, là chú họ hàng chẳng biết mấy đời đi thế chỗ cho bố mẹ. Sau đó, khi tìm hiểu kĩ, tôi mới biết thực chất học sinh đã thuê người đi họp hộ cho bố mẹ mình.
"Cho tôi nộp tiền để tôi về"
Điều đáng buồn nhất là không ít phụ huynh xem buổi họp phụ huynh chỉ đơn giản là việc đến để nộp tiền. Bởi thế có trường hợp, tôi đang thông báo tình hình học tập thì một phụ huynh chạy lên nhẹ nhàng ghé vào tai tôi nói nhỏ:“Cô giáo thông cảm, cho tôi nộp tiền để tôi về, nhà hôm nay có việc gia đình”.
Cũng vì chuyện thu tiền mà cái dư âm của cuộc họp thường kết thúc bằng màn chen lấn, tranh nhau nộp tiền trước để về của các bậc phụ huynh.
Có bác phụ huynh nộp tiền xong cho con, ra hành lang nói oang oang: “Cô giáo sướng thế, ôm một đống tiền, hôm nay không cần ăn cơm cũng no nhá!”.
Thu tiền của các bác phụ huynh xong, cái “cô giáo sướng thế” là tôi ấy nơm nớp lo thu phải tiền giả, lo nộp lại cho nhà trường cho kịp thời hạn, lo giữ tiền kẻo chẳng may để mất thì nhịn ăn hàng tháng để bù vào…
Có nhiều đồng nghiệp của tôi thu phải tiền giả mà trong lúc lộn xộn, chen chúc, không biết là của phụ huynh nào. Cũng không ít lần, tôi đã phải dùng lương của mình để đóng hộ cho học sinh bởi đã hết hạn nộp tiền mà “mẹ em bảo chưa có tiền để đóng”. Nhà trường thì giục giáo viên nộp tiền, còn chúng tôi thì biết giục ai nếu không phải là phụ huynh?
Đôi khi tôi ước, giá mình chỉ đi dạy, không phải thu bất cứ khoản tiền nào từ phụ huynh, các bác cứ mang thẳng lên nhà trường mà nộp, kể cả những khoản như quỹ lớp các bác cứ tự đứng ra tự thu tự chi cho con em mình. Không dính dáng gì đến tiền nong, tôi sẽ thanh thản mà dạy các em, sẽ thanh thản mà cười khi gặp các bác ngoài đường, chứ không phải giật mình khi nghe “cô giáo sướng thế”.